Samsung và Apple có còn "bằng vai phải lứa": thế thời đã đổi thay!

    Yến Thanh,  

    Dù Samsung và Apple luôn được coi là 2 đối thủ xứng tầm, nhưng qua những báo cáo tài chính gần đây, có vẻ nhà sản xuất Hàn Quốc đã thụt lùi 1 bậc.

    Nếu nhìn vào doanh số smartphone được SamsungApple bán ra trong Q4/2014 vừa qua, chúng ta có thể khẳng định cả 2 đại gia công nghệ này đều đang làm rất tốt công việc của mình. Trong khi Apple công bố đã bán được 74,5 triệu chiếc iPhone - kỷ lục mới do chính Táo Khuyết xác lập, thì Samsung cũng chẳng kém cạnh với doanh số 71-76 triệu thiết bị cầm tay - dù hãng đã tỏ ra đuối sức trong cuộc đua vào thời điểm cuối năm.

    apple samsung

    Doanh số "khủng" là vậy, nhưng trên thực tế, Apple và Samsung đang ở 2 thái cực khác nhau, Apple thì hân hoan bởi đây là lần đầu tiên hãng này đạt được doanh thu lớn nhất trong lịch sử - 18,04 tỷ USD. Còn Samsung lại đang rơi vào tình thế hết sức nguy kịch khi doanh thu của hãng này sụt giảm tới 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời đây cũng là quý thứ 4 liên tiếp lợi nhuận ròng của Samsung bị sụt giảm, đồng thời khiến cho tổng lợi nhuận năm 2014 của Samsung là thấp nhất kể từ năm 2011.

    Câu hỏi đặt ra là trong khi doanh số bán hàng của cả 2 hãng tương đương nhau, nhưng Samsung lại thụt lùi so với Apple, phải chăng, đã tới lúc nhà sản xuất Hàn Quốc bị soán ngôi trong làng di động?

    Những nguyên nhân khách quan

    Một năm trước đây, Samsung từng mở tiệc ăn mừng bởi doanh số khủng 86 triệu thiết bị cầm tay được bán ra trong Q4/2013. Tuy nhiên, sau đó 1 năm, mọi chuyện thế thời đều đổi thay, trong năm 2015, nhà sản xuất Hàn Quốc đã phải "nuốt nước mắt" mà công bố doanh số chỉ 71-76 triệu smartphone từ chính sự thất bại của 2 sản phẩm cao cấp nhất của mình: Galaxy S5 hay Galaxy Note 4.

    samsung galaxy note 4 and samsung galaxy note edge

    Rệu rã là vậy, hãng vẫn tự tin bán được ít nhất 71 triệu máy - chỉ kém khoảng 4 triệu so với Apple, dù đang rơi vào thế bí. Tất nhiên, đây không phải là vị trí mà Samsung ưa thích, càng không mong muốn gặp phải bởi trước đó, dù ai "nói xuôi nói ngược", nhà sản xuất Hàn Quốc vẫn là số 1. Thế nhưng, điều thực sự khiến Samsung thua kém Apple chính là việc tối ưu hóa lợi nhuận trên từng sản phẩm.

    Rằng nếu muốn kiếm tiền, không thể chỉ dựa vào việc bán điện thoại, mà còn là việc "móc túi" người dùng sau khi họ mua sản phẩm đó. Nhưng không may, trong trường hợp này, Samsung lại quá "thật thà và hiền hậu".

    Samsung - Apple và câu chuyện bên lề

    Trước khi phân tích về những yếu kém của Samsung trong năm vừa qua, chúng ta hãy quay trở lại với 1 số thuật ngữ đơn giản trong chuyện kinh doanh. Thứ nhất, đối với bất kỳ công ty nào trên thế giới, để có thể đạt được 2 chữ "bền vững", họ cần làm được ra nhiều tiền hơn những gì đã đầu tư cho các sản phẩm và dịch vụ của mình.

    Giả sử để làm ra 1 chiếc iPhone 5S, Apple mất khoảng 200 USD để làm ra sản phẩm này, trong khi giá bán thực tế lại lên tới 649 USD cho bản mở mạng - từ đó có thể thấy, số tiền mà Táo Khuyết thu về khủng tới nhường nào. Thứ 2, tổng doanh thu là tất tần tật số tiền mà một công ty có thể thu về nói chung, trong đó, lợi nhuận chính là doanh thu trừ đi những chi phí đã bỏ ra trước đó.

    Quay trở lại với câu chuyện giữa Samsung và Apple, cả 2 hãng đều hướng tới đối tượng khách hàng là người dùng cá nhân thay vì tập trung vào các doanh nghiệp/tổ chức như Google hay Microsoft. Và nếu iPhone khiến người dùng bỏ ra nhiều tiền hơn cho chúng thì điều tất yếu sẽ xảy ra - Apple kiếm tiền giỏi hơn hẳn Samsung, bởi ngoài lợi nhuận mà Táo Khuyết được hưởng trên mỗi sản phẩm, họ còn thu lời bởi các ứng dụng hay dịch vụ của hãng.

    Không phải Samsung không biết tới điều này, hãng cũng rất tích cực tung ra các ứng dụng của riêng mình, nhưng có vẻ như người dùng lại quay lưng lại với chúng bởi 2 chữ "thừa thãi". Trong khi đó, không may cho hãng sản xuất Hàn Quốc, Apple đã và đang làm rất tốt công việc này.

    Có thể tỷ suất lợi nhuận mà Táo Khuyết thu về trên bộ đôi iPhone 6 và iPhone 6 Plus là không nhiều so với người tiền nhiệm iPhone 5S, nhưng dựa vào doanh số trong năm vừa qua, có thể thấy "vẫn còn rất nhiều thịt sót lại trên xương". Ngoài ra, cũng chính bộ đôi iPhone thế hệ mới là nguyên nhân khiến người dùng quay lưng với những chiếc phablet của Samsung.

    Trong khi ở phân khúc cao cấp, việc iPhone 6 và iPhone 6 Plus bán đắt như tôm tươi khiến các dòng sản phẩm như Galaxy S hay Galaxy Note phải chùn bước thì tại các phân khúc tầm thấp, Xiaomi hay Lenovo lại liên tục gây sức ép cho nhà sản xuất này. Minh chứng là giá bán cũng như cấu hình của những công ty này đều tốt hơn hẳn so với các sản phẩm từ Samsung.

    Việc xuất hiện nhiều smartphone trong phân khúc giá rẻ từ các nhà sản xuất Trung Quốc buộc Samsung phải giảm giá theo, trong khi lợi nhuận thu về từ dòng sản phẩm này là không nhiều. Do đó, điều này đồng nghĩa với việc tổng lợi nhuận cả năm sụt giảm.

    Bên cạnh đó, cũng xuất hiện 1 hệ lụy cũng dẫn tới sự thất bại của dòng sản phẩm chủ lực Galaxy S5 trong năm vừa qua. Việc chiếc S5 bán không chạy là điều ai cũng biết, để kéo lại doanh số, Samsung đã tung hàng loạt chiến dịch quảng cáo đắt đỏ nhằm câu kéo người dùng, thế nhưng, khi chiếc siêu phẩm gặp "vận rủi", nhà sản xuất Hàn Quốc đã không tiếc tay cắt bỏ khoản quảng cáo.

    Từ đó, tên tuổi của Galaxy S5 dần lụi tàn trong lòng người dùng - kể cả là trong trường hợp chẳng ai chạy đua với chiếc siêu phẩm này. Từ đây có thể thấy, nhà sản xuất Hàn Quốc vừa mất cả chì lẫn chài trong khi số tiền thu về chẳng đáng là bao và minh chứng chính là báo cáo tài chính trong Q4/2014.

    Bán điện thoại hãy bán cả dịch vụ

    Vấn đề của Samsung không chỉ nằm ở tỷ suất lợi nhuận sản phẩm, những khoản đầu tư lãng phí hay sức cạnh tranh kém, mà đó còn là lợi nhuận sau bán hàng từ các dịch vụ hoặc ứng dụng đi kèm smartphone. Trong khi Apple được hưởng lợi rất nhiều từ hệ sinh thái iOS độc quyền, thu lợi trên chính những giao dịch hoặc mua bán ứng dụng. Hoặc mới đây là hệ thống thanh toán Apple Pay và hưởng "hoa hồng" từ các ngân hàng.

    App Store Get download button

    Trong khi đó, Samsung lại chẳng thu được mấy lợi lộc từ chợ ứng dụng Google Play Store bởi xét cho cùng, Google mới là "cha đẻ" thực sự của nền tảng Android. Do đó, lợi nhuận sau bán hàng của nhà sản xuất Hàn Quốc gần như là con số "0".

    Hoặc như Apple, khi người dùng chọn mua 1 chiếc iPhone, iPod, người ta có thể thuyết phục khách hàng tậu thêm 1 chiếc iPad hay MacBook, iMac bởi sự liên hệ giữa 2 nền tảng iOS và Mac OS X là rất tốt. Còn với Samsung, khi mua 1 chiếc smartphone Galaxy, sẽ rất hiếm khi người dùng nghĩ tới 1 chiếc laptop cùng hãng.

    Trên thực tế, đúng là Samsung đang tỏ ra yếu thế khi không sở hữu một hệ sinh thái riêng, nhưng hãng đang nỗ lực làm việc để khắc phục điều đó, cụ thể là nền tảng Tizen thế hệ mới. Tuy nhiên, tương lai của hệ điều hành này vẫn là 1 câu hỏi lớn, bởi ngay cả khi dồn lực vào Tizen thì nhà sản xuất Hàn Quốc vẫn còn rất nhiều điều phải làm. Và mong rằng Samsung sẽ không "đem con bỏ chợ" như nền tảng Bada trước đây!

    Tham khảo: businessinsider

    >> Samsung sẵn sàng ra Galaxy Tab 4 chạy chip 64 bit?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ