Trò chuyện với cha đẻ của trò chơi giải đố chưa có một đồng doanh thu nhưng đã hết 1 triệu USD tiền vốn

    Tuấn Anh Lê Viết,  

    Trước đó, Grant Hosford đã sử dụng 1 triệu USD tiền vốn, hiện tại công ty đang có 7 nhân viên, và The Foos vẫn chưa mang lại một đồng doanh thu nào.

    Hôm nay, tôi được phỏng vấn với người sáng lập công ty CodeSpark, cha đẻ của trò chơi giải đố lập trình máy tính dành cho trẻ em The Foos, Grant Hosford.

    Đúng 10h sáng, tôi bước vào quán café nổi tiếng Blue Bottle tại Silicon Valley, Grant Hosford đã ngồi sẵn và order 2 cốc café đợi tôi. Grant còn order thêm một cốc sữa chua yến mạch, anh từ tốn hỏi tôi: “Xin lỗi anh, tôi chưa ăn sáng, chúng ta có thể vừa ăn vừa nói chuyện được không?

     Grant Hosford cùng các nhân viên của CodeSpark

    Grant Hosford cùng các nhân viên của CodeSpark

    Anh ta vừa đáp chuyến bay từ sân bay Oakland và trực tiếp đến gặp tôi ngay. Có lẽ do phải bắt chuyến bay sớm nên đã có chút mệt mỏi hiện lên trên khuôn mặt anh ý. Giờ tôi mới để ý, Grant Hosford có một chút hao hao giống diễn viên Ethan Hawke khi ở tuổi trung niên.

    Mặc dù gia đình và công ty của anh đều ở Pasadena Los Angeles, nhưng Hosford gần như mỗi tuần đều bay đến vịnh San Francisco một lần. Anh quan niệm, Silicon Valley là một nơi rất quan trọng đã giúp anh khởi nghiệp thành công. Hosford đến Silicon Valley để quảng bá sản phẩm về khoa học công nghệ, đến Silicon Valley để tìm người tài trợ từ những nhà đầu tư, hay đến Silicon Valley để gặp gỡ các đối tác làm ăn của mình.

    Hosford giải thích: “Mặc dù Pasadena là trung tâm công nghệ lớn của Los Angeles, các quỹ tài trợ mạo hiểm không ngừng phát triển, nhưng để mà so sánh với Silicon Valley thì vẫn còn những khác biệt rõ rệt. Nếu ai đó muốn khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực khoa học công nghệ, người đó cần phải liên tục đến Silicon Valley.

    Mỗi lần đến Silicon Valley, lịch trình của Hosford luôn luôn kín đặc, sau khi tôi phỏng vấn xong, anh ta sẽ gặp một nhà đầu tư khác để bàn công chuyện. Anh chia sẻ: “Bữa sáng và bữa trưa hôm nay của tôi chỉ có cốc sữa chua yến mạch này thôi.

    Hai năm trước, anh cùng một người bạn đã cùng nhau thành lập ra công ty trò chơi CodeSpark, sáng tạo ra trò chơi giải đố lập trình dành cho trẻ em trên iPad – The Foos, nuôi dưỡng sự hứng thú của trẻ em đối với bộ môn lập trình máy tính.

    Hosford tự tin giới thiệu sản phẩm của mình cho tôi, y như lúc anh ta ngồi với các nhà đầu tư vậy: “Mặc dù mới xuất hiện trên chợ ứng dụng mới 3 tháng, nhưng số lượng người chơi trò chơi The Foos đã lên tới 300.000 lượt người đến từ hơn 100 quốc gia. Hơn nữa, giờ chơi mỗi ngày mỗi người dùng trung bình đạt 30 phút.

    Công ty CodeSpark không phải công ty đầu tiên mà Hosford khởi nghiệp, anh đã từng mở một trang web bán đồ điện, nhưng buôn bán thua lỗ nên phải nhượng bán cho người khác. Grant Hosford đến từ Seattle, anh đi làm từ năm 1992, trong khoảng thời gian 20 năm anh làm việc cho rất nhiều công ty, phụ trách công việc quảng bá sản phẩm và tiếp cận thị trường. Trong khoảng thời gian 20 năm này, Hosford được phái đi công tác rất nhiều nước, anh cũng đã từng làm giám đốc marketing cho trang web hẹn hò ở Mỹ eHarmony, công việc cuối cùng anh làm đó là tại Vườn ươm doanh nghiệp tập trung vào những ý tưởng mới – Idealab.

    Tôi muốn hỏi tại sao anh lại từ bỏ việc làm ở các doanh nghiệp lớn và về mở công ty trò chơi cho iPad. Anh ta lấy từ trong túi của mình ra chiếc ví, cho tôi xem ảnh của gia đình mình. Hosford hạnh phúc nói:

    Tôi có ba cô con gái, một đứa 14 tuổi, 1 đứa 9 tuổi và 1 đứa 7 tuổi. Lý do đầu tiên khiến tôi sản xuất ra trò chơi này đó là vì cô con gái thứ 2 của tôi, từ bé nó đã rất hứng thú với máy tính. Hai năm trước, con bé tham gia vào lớp tin học ở trường tiểu học, trong lớp có mình nó là con gái. Sau khi ngó qua nội dung bài học trên lớp, tôi cảm thấy nó không đủ sức thu hút trẻ, còn trên thị trường cũng không tìm nổi một cuốn sách dạy tin học nào cả.

    Tôi thường có ý nghĩ như này, mình 13 tuổi mới được tiếp cận với máy tính, con của mình mới 3 tuổi rưỡi mà đã bắt đầu tiếp xúc với iPad rồi. Thời đại bây giờ khác hẳn với thời đại xa xưa. Đợi các con tôi tốt nghiệp cấp 3 thì không biết thế giới công nghệ đã phát triển thế nào rồi? Tự động hóa sẽ là xu hướng trong tương lai, công việc của mỗi người trong tương lai ít nhiều sẽ liên quan đến lập trình máy tính, như kiểu lái ô tô bây giờ vậy. Không phải tất cả mọi người đều sẽ trở thành lập trình viên, nhưng có lẽ mỗi một đứa trẻ đều nên biết qua về mảng kiến thức này.

    Hosford tiếp tục chia sẻ: “Trước khi thành lập công ty vào năm 2014, tôi đã dành ra 6 tháng để khảo sát và nghiên cứu thị trường, phát hiện ra hiện nay trẻ em từ 4-5 tuổi đã bắt đầu được tiếp xúc với máy tính. Nếu chúng ta dạy các ngôn ngữ lập trình cho trẻ lứa tuổi này sẽ không thu được kết quả gì. Vì thế nên tôi hy vọng sẽ sản xuất ra được một trò chơi giải đố, trẻ có thể vừa chơi trò chơi vừa tiếp thu được các kiến thức khác nhau về lập trình. Tôi cũng chưa thấy cái máy nào lại thu hút trẻ em như iPad.

    Tôi hỏi Hosford: “Con gái anh muốn học lập trình à, hay là do anh muốn con anh học?

    Anh trả lời: “Đâu có, là con gái tôi tự cảm thấy lập trình rất thú vị đấy chứ. Tất nhiên, các con tôi còn thích nhiều thứ khác. Cứ mỗi cuối tuần, tôi còn muốn cho con tôi tham gia các hoạt động ngoại khóa, cho con tôi tham gia các lớp năng khiếu. Con gái thứ 2 của tôi đang học chơi piano, con gái út của tôi lại thích chơi trống. Khi tôi mới phát hành trò The Foos, các con tôi mỗi ngày đều chơi một lúc khi tan học về nhà, cuối tuần thì chúng chơi nhiều hơn một chút, các con tôi chính là những người chơi thử nghiệm tốt nhất của tôi rồi. À ngoài ra, chúng còn thích chơi MineCraft nữa.

    The Foos, trò chơi giải đố giả lập các bước lập trình máy tính.

    Hosford phát triển trò chơi của mình trên nền tảng iPad đầu tiên. Tên của trò chơi The Foos được lấy từ một thuật ngữ lập trình. Trò chơi sẽ có 40 cửa từ dễ đến khó, các bé có thể lựa chọn các vai trò khác nhau, các bé sẽ được luyện tập trước các bước biên tập sau đó chơi từng cửa một, hết một cửa sẽ mở ra một cửa mới.

    Trong quá trình chơi trò chơi, các bé sẽ được trải nghiệm các khái niệm lập trình cơ bản như Sequence, Interface, Debug, Loop, Class…

    Ví dụ, mỗi một cửa của trò chơi đều có các quy trình có thể lập trình trước được. Các bé sẽ có thể hiểu được nếu mỗi một trò chơi đều có thể lập trình được, như vậy về sau với những quy trình giống như vậy đều có thể lập trình được. Những quy trình được các bé lập trình tốt có thể lưu lại và chia sẻ tới những bé khác trong trò này.

    Chi tiết làm tôi nhớ nhất về trò chơi của Hosford đó là anh đã phải cẩn thận chọn ra các màu cơ bản không dễ bị nhầm để 8% dân số thế giới bị mù màu có thể dễ dàng chơi The Foos được. Hơn nữa, The Foos không cần phải dịch ra các tiếng khác nhau, trẻ có thể chơi theo bản năng của mình.

    Hosford nói thêm: “Mặc dù chúng tôi không đẩy mạnh sản phẩm của mình ở Trung Quốc, nhưng đây đang là thị trường lớn thứ 2 của chúng tôi rồi. Trung Quốc là một thị trường rất tiềm năng, nhưng nếu không tìm được đối tác thì sẽ khó có thể thành công ở thị trường này được. Tôi sắp sửa phải đi Trung Quốc và Nhật Bản để tìm kiếm đối tác hợp tác chiến lược. Có lẽ trong năm nay tôi sẽ phải đi Trung Quốc nhiều lần đây.

    Công ty của Hosford sau khi gặt hái được nhiều thành công ở Trung Quốc đã thu hút được nguồn đầu tư của công ty có vốn đầu tư của Trung Quốc tại Silicon Valley là New Gen, hy vọng trong năm nay CodeSpark sẽ đạt được thỏa thuận hợp tác với New Gen và dành được nhiều thành công ở thị phần Trung Quốc.

    Mặc dù đã giành được những thành công như vậy, các vấn đề tài chính vẫn là một thách thức lớn đối với CodeSpark. Trước đó, họ đã sử dụng 1 triệu USD tiền vốn, hiện tại công ty đang có 7 nhân viên, và The Foos vẫn chưa mang lại một đồng doanh thu nào.

    Hosford lo lắng nói: “Vấn đề tài chính từ lâu đã không phải là chuyện đơn giản, hiện tại chúng tôi chưa có đồng doanh thu nào, nhưng dự định trong tương lai chúng tôi sẽ thông qua phương thức đặt hàng để có thể mang lại doanh thu, đồng thời chúng tôi vẫn sẽ giữ nguyên các chức năng miễn phí. Quan trọng nhất là làm sao thu hút được nhiều trẻ em chơi và giữ được khách.

    Nhưng thị trường trò chơi giáo dục về máy tính đang rất có tiềm năng, tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục máy tính; các phản ứng của các vị phụ huynh đều rất tích cực, mọi người đều ủng hộ con cái mình tham gia chơi những trò chơi giáo dục kiến thức máy tính cơ bản. Hơn nữa, hiện tại các chương trình giáo dục máy tính cho trẻ không có nhiều. Sản phẩm của chúng tôi là sản phẩm duy nhất hiện nay sử dụng triết lý lập trình, con đường phía trước có lẽ sẽ khá tốt.

    Có lẽ cũng đã đến lúc tôi kết thúc buổi phỏng vấn này với Hosford. Tối nay, anh lại quay về Los Angeles với 3 người con gái của mình. Hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ gặp những nhân tài với niềm đam mê, dám nghĩ dám làm, sản xuất ra cho chúng ta nhiều sản phẩm có ích cho cuộc sống như Grant Hosford.

    Theo Sina

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ