Tảng đá kỳ lạ trên Sao Hỏa khiến giới khoa học xôn xao: Manh mối về sự sống hay chỉ là hiện tượng tự nhiên?

    Đức Khương,  

    Từ một bức ảnh tưởng chừng bình thường về một tảng đá, những câu hỏi sâu xa hơn đã được đặt ra: liệu Sao Hỏa có từng chứa đựng sự sống? Và liệu những điều kỳ lạ này là dấu vết của quá khứ đã lãng quên hay là một tín hiệu của điều gì đó lớn lao hơn?

    Tàu thăm dò Perseverance của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) vừa mới gửi về một phát hiện khiến cộng đồng khoa học phải chú ý: một tảng đá có hình thù kỳ lạ nằm tại rìa miệng núi lửa Jezero, nơi từng được cho là có sự hiện diện của nước trong quá khứ xa xôi của hành tinh đỏ.

    Các nhà khoa học đã đặt tên cho khu vực phát hiện ra tảng đá là "Vịnh St. Pauls", một cái tên gợi nhớ đến tính chất đặc biệt và bí ẩn của nó. Nhìn tổng thể, tảng đá có vẻ ngoài kỳ quái và không dễ nhầm lẫn với bất kỳ loại địa chất nào từng được biết đến.

    Ở góc độ vĩ mô, tảng đá trông như một miếng bọt biển khổng lồ, với bề mặt lỗ chỗ như tổ kiến, phủ đầy các khối u dày đặc và phần nhô ra tròn trịa, hình oval. Một số khối u đã bị vỡ, để lộ cấu trúc bên trong giống như một lớp vỏ bị rạn nứt.

    Tảng đá kỳ lạ trên Sao Hỏa khiến giới khoa học xôn xao: Manh mối về sự sống hay chỉ là hiện tượng tự nhiên?- Ảnh 1.

    Hình ảnh này đã ngay lập tức khơi gợi trí tò mò không chỉ của các nhà khoa học mà còn của cộng đồng mạng, khi có người bình luận rằng trông nó giống như một ổ trứng hay thậm chí là "vật thể sống" nào đó từng hiện diện hoặc trú ngụ tại đó.

    Những nhận định đầy trí tưởng tượng này không hẳn là không có lý do, bởi từ lâu, một trong những mục tiêu lớn nhất của các sứ mệnh Sao Hỏa là xác định xem liệu hành tinh này có từng tồn tại sự sống hay không.

    Dù cho đến nay chưa có bằng chứng trực tiếp nào về sự sống trên Sao Hỏa , nhưng việc phát hiện nước dạng lỏng trong quá khứ, cũng như sự hiện diện của khí methane, một hợp chất hữu cơ liên quan đến các quá trình sinh học đã khiến giới khoa học không ngừng nỗ lực tìm kiếm thêm manh mối.

    Và theo đó, những hình ảnh như của tảng đá này lại càng làm dấy lên nhiều câu hỏi và giả thuyết mới.

    Tảng đá kỳ lạ trên Sao Hỏa khiến giới khoa học xôn xao: Manh mối về sự sống hay chỉ là hiện tượng tự nhiên?- Ảnh 2.

    Khi phân tích sâu hơn về hình dạng kỳ dị của tảng đá, các nhà khoa học đã đưa ra một số khả năng dựa trên những hiện tượng tự nhiên được biết đến trên Trái Đất. Một trong những giả thuyết phổ biến nhất cho rằng các khối u và phần nhô ra của tảng đá là kết quả của hiện tượng kết tủa khoáng chất trong điều kiện có nước lỏng.

    Cụ thể, khi nước từng tồn tại trên Sao Hỏa cách đây hàng tỷ năm thấm qua các vết nứt trong đá, các khoáng chất có trong nước có thể bị lắng đọng và tập trung quanh một "hạt nhân" nhỏ, từ đó dần dần tạo thành những nốt sần nổi bật trên bề mặt đá.

    Đây là một quá trình thường gặp trong môi trường địa chất ẩm ướt, như tại các suối khoáng hay trầm tích cổ trên Trái Đất, nơi điều kiện hóa học cho phép sự hình thành của các cấu trúc tương tự.

    Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu cũng không loại trừ khả năng rằng loại đá này có thể có nguồn gốc sinh học. Trên Trái Đất, từng phát hiện ra những nốt sần được hình thành nhờ sự hoạt động của vi khuẩn, thông qua quá trình khoáng hóa sinh học, trong đó các vi sinh vật thúc đẩy sự kết tủa của các hợp chất kim loại như oxit sắt, tạo thành cấu trúc giống như các "hạt nhân" trên bề mặt đá.

    Việc tìm thấy cấu trúc tương tự trên Sao Hỏa , trong một môi trường từng có nước, mở ra khả năng rằng sự sống vi mô có thể từng tồn tại và để lại dấu vết trong cấu trúc địa chất.

    Tảng đá kỳ lạ trên Sao Hỏa khiến giới khoa học xôn xao: Manh mối về sự sống hay chỉ là hiện tượng tự nhiên?- Ảnh 3.

    Một giả thuyết khác cũng được cân nhắc là khả năng các nốt sần kỳ lạ này được hình thành do quá trình nguội lạnh và kết tinh của các vật liệu có nhiệt độ cao sau các đợt phun trào núi lửa hoặc va chạm thiên thạch.

    Trong môi trường khắc nghiệt như Sao Hỏa , những biến động địa chất cực đoan từng xảy ra có thể tạo ra các cấu trúc đá bất thường, và có thể là tảng đá này chính là sản phẩm của một trong những sự kiện như vậy.

    Dẫu vậy, để đi đến kết luận chắc chắn về nguồn gốc của tảng đá, việc phân tích trực tiếp mẫu đá là điều cần thiết. Tuy nhiên, do các hạn chế kỹ thuật và khoảng cách không gian, hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể thu thập được mẫu vật lý từ tảng đá này và mang về Trái Đất để kiểm tra chi tiết trong phòng thí nghiệm.

    Do đó, mọi nhận định hiện tại vẫn chỉ dừng ở mức phỏng đoán dựa trên hình ảnh và dữ liệu thu thập từ xa.

    Tảng đá kỳ lạ trên Sao Hỏa khiến giới khoa học xôn xao: Manh mối về sự sống hay chỉ là hiện tượng tự nhiên?- Ảnh 4.

    Dù chưa thể xác định được bản chất thực sự của tảng đá, phát hiện này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng và giá trị của các sứ mệnh thăm dò Sao Hỏa .

    Từ khi đặt chân đến hành tinh đỏ vào năm 2021, tàu Perseverance đã không ngừng ghi lại những hình ảnh quý giá, thực hiện các thí nghiệm khoa học, đo đạc khí hậu và địa hình, cũng như tìm kiếm những bằng chứng tiền sinh học.

    Khu vực miệng núi lửa Jezero, nơi Perseverance hiện đang hoạt động, từng là một hồ nước cổ đại, và hiện là một trong những địa điểm tiềm năng nhất để tìm kiếm dấu tích của sự sống. Phát hiện về tảng đá kỳ dị tại đây không chỉ bổ sung thêm dữ liệu về lịch sử địa chất của Sao Hỏa , mà còn mở ra các câu hỏi mới cho các nhà khoa học về các quá trình từng diễn ra trong quá khứ của hành tinh này.

    Việc tiếp tục nghiên cứu, phát triển công nghệ và đầu tư vào thăm dò không gian là con đường duy nhất để tìm lời giải cho những bí ẩn ấy. Trong tương lai không xa, với những nỗ lực chung từ cộng đồng khoa học quốc tế và các tổ chức hàng không vũ trụ, có lẽ chúng ta sẽ có câu trả lời chính xác hơn.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ