Tăng giá gấp 33 lần trong một năm nhưng sau đó mất đến 80% giá trị chỉ sau ba tháng, điều gì khiến XRP biến động như vậy?
Trong khi tương lai của mạng lưới Ripple đang vô cùng tươi sáng, thì XRP, đồng tiền mã hóa do mạng lưới này phát hành, sau khi trải qua "một năm huy hoàng" lại đang vụt tắt nhanh chóng.
Nếu Bitcoin là đồng tiền dẫn đầu toàn thị trường tiền mã hóa về quy mô vốn hóa và giá trị, thì xét về tốc độ tăng giá trong năm 2017 vừa qua, khó có đồng tiền mã hóa nào qua mặt được XRP (hay ripple). Với mức tăng giá đến 33.000% trong năm 2017, XRP đã lọt vào trong top những đồng tiền mã hóa có giá trị nhất thế giới, thậm chí có thời điểm còn vượt mặt Ethereum để giành lấy vị trí số hai, xếp sau Bitcoin trong bảng xếp hạng.
Nhưng không như tham vọng của nhiều đồng tiền mã hóa khác, XRP không muốn cạnh tranh hay thay thế Bitcoin, thay vào đó, đồng tiền này lại muốn trở thành một phương tiện hỗ trợ cho Bitcoin. Cùng với giao thức internet mã nguồn mở phân tán, sổ cái đồng thuận phân tán, XRP làm nên Giao thức Giao dịch Ripple (Ripple Transaction Protocol) – hay mạng lưới thanh toán Ripple – một mạng lưới giao dịch, thanh toán tức thì trên phạm vi toàn cầu.
Với tốc độ xử lý gần như tức thì và khả năng xử lý một khối lượng lớn các giao dịch, mạng lưới Ripple hứa hẹn làm nên một cuộc cách mạng về thanh toán xuyên biên giới với giá trị giao dịch lên tới hàng nghìn tỷ USD mỗi ngày. Điều này dễ dàng giải thích cho đà tăng giá chóng mặt của XRP, đồng tiền mã hóa được sử dụng trong mạng lưới Ripple. Nhưng trên thực tế, đây dường như lại làm điều mà nhiều người đang lầm tưởng. Nếu nhìn rõ hơn vào mạng lưới Ripple và ý nghĩa của XRP bạn sẽ thấy tại sao.
Mạng lưới Ripple hoạt động như thế nào
Mục đích của mạng thanh toán Ripple chính là cho phép tạo ra “các giao dịch tài chính bảo mật trên phạm vi toàn cầu, tức thì và gần như miễn phí với bất kỳ quy mô nào mà không bị hoàn trả.” Phạm vi hỗ trợ giao dịch của mạng lưới Ripple rất rộng: từ tiền mã hóa như Bitcoin, cho đến ngoại tệ, hoặc bất kỳ thứ gì có giá trị quy đổi như số kilomet bay thường xuyên hay số phút gọi điện thoại.
Nhưng điểm độc đáo của mạng lưới Ripple nằm ở chỗ, thay vì hướng đến việc chuyển giao giá trị giữa các cá nhân như Bitcoin, Ripple hướng nhiều hơn đến các ngân hàng, các tổ chức tài chính với các giao dịch xuyên biên giới hay trên phạm vi toàn cầu. Đối với các tổ chức này, việc chuyển và nhận tiền khác một chút so với các cá nhân bình thường.
Khi một ngân hàng A ở Việt Nam muốn chuyển cho ngân hàng B ở Mỹ số tiền 10 triệu USD, họ không thực sự đóng gói 10 triệu USD vào các vali và gửi chúng đi như một món hàng thông thường. Thay vào đó, ngân hàng A sẽ phát hành một biên lai nhận nợ (I Owe You hay IOU), công nhận rằng A đang nợ B 10 triệu USD, và xem như ngân hàng B có 10 triệu USD của A.
Tháng sau đó, ngân hàng B muốn chuyển cho ngân hàng A số tiền 8 triệu USD, ngân hàng A chỉ việc ghi nhận giảm trừ số tiền họ nợ ngân hàng B đi 8 triệu USD. Như vậy, chỉ bằng các thông báo ghi nhận nợ, ngân hàng A và B đã chuyển tiền qua lại cho nhau mà không thực sự phải chuyển từng cọc tiền mặt đi. Cách làm này giúp tiết kiệm chi phí cũng như thời gian và đảm bảo được bảo mật.
Ngân hàng A và B sẽ thực hiện thỏa thuận thông qua một bên thứ ba đảm bảo uy tín. Bên thứ ba này sẽ theo dõi và ghi lại các giao dịch vay nợ phát sinh giữa các ngân hàng, và thông báo cho các bên biết, ai còn nợ ai bao nhiêu. Nhờ có việc theo dõi của bên thứ ba này, các bên tham gia giao dịch trên hệ thống biết được rằng đối tác của mình có đủ khả năng giao dịch hay không.
Sổ cái công cộng (common ledger) của Ripple cũng có ý nghĩa tương tự như bên thứ ba đáng tin cậy này. Về cơ bản, sổ cái này là một cơ sở dữ liệu công khai, chia sẻ và nội dung của nó thay đổi dựa trên sự đồng thuận. Không chỉ lưu giữ thông tin về số dư trong mỗi tài khoản, sổ cái này còn lưu trữ lại các lời chào mua hoặc bán tiền tệ và tài sản của các tài khoản.
Đây cũng là cách mà mạng lưới Ripple dùng để thực hiện các giao dịch giữa những thành viên trong mạng lưới. Sổ cái phân tán của Ripple là một cơ sở dữ liệu phân tán chứa thông tin về tất cả tài khoản trong mạng lưới. Mỗi khi một giao dịch được xác thực thành công từ sự đồng thuận các máy chủ xác thực (các validator server hay còn gọi các validator node), nó lại được thêm vào sổ cái và một trạng thái (instance) sổ cái mới được tạo nên.
Đến đây mọi thứ xảy ra trên mạng lưới Ripple dường như cũng tương tự như những gì xảy ra trên blockchain Bitcoin. Tuy nhiên, khác biệt chính giữa hai mạng lưới này nằm ở quá trình xác thực giao dịch. Với Bitcoin, quá trình xác thực giao dịch dựa vào các thợ mỏ để mã hóa và giải mã giao dịch gửi đi – một quá trình tốn kém điện năng và sức mạnh tính toán.
Còn với Ripple, thay vì các máy tính ngang hàng ẩn danh, sổ cái công cộng được quản lý bởi một mạng lưới các máy chủ độc lập đã được xác thực. Các máy chủ này, hay các node, sẽ liên tục chuyển tiếp và so sánh các bản ghi giao dịch với nhau để tìm ra sự đồng thuận trong mạng lưới. Sau khi có được sự đồng thuận, các node xác thực sẽ tạo ra phiên bản sổ cái mới để đưa vào mạng lưới.
Mỗi thông điệp gửi đi này đều được gắn với các metadata bao gồm mã số định danh của sổ cái, mốc thời gian, thông tin giao dịch, thông tin tài khoản, để mỗi thông điệp là duy nhất và không bị làm giả. Vì các thông tin giao dịch được xử lý ở các node xác thực “trước khi” đưa vào mạng lưới, nên giao thức đồng thuận này cho phép mạng lưới Ripple xác thực sổ cái nhanh hơn – tính bằng giây thay vì hàng phút hoặc hàng tiếng như Bitcoin.
(Các giao dịch xử lý theo cách thức này còn được gọi là Off-Ledger, để phân biệt với những giao dịch On-Ledger điển hình của mạng lưới blockchain, vốn sử dụng rất nhiều tài nguyên mạng lưới để mã hóa giao dịch, vì vậy rất tốn thời gian xử lý).
Trong khi Ethereum mất khoảng 2 phút để xử lý mỗi giao dịch, Bitcoin cần đến khoảng một giờ, còn các hệ thống chuyển tiền truyền thống thường cần từ 3 cho đến 5 ngày để xử lý giao dịch. Nhưng đối với XRP, thời gian xử lý mỗi giao dịch chỉ là 4 giây. Không những vậy, trong khi Bitcoin chỉ xử lý được 7 giao dịch mỗi giây, hệ thống thanh toán của Ripple XRP có thể xử lý đến 1.500 giao dịch mỗi giây – tương đương với con số 1.667 giao dịch mỗi giây mà hệ thống thẻ thanh toán VISA xử lý được trong năm 2016.
Phương tiện hỗ trợ thanh toán ưu việt
Chính ưu thế tuyệt đối về tốc độ xử lý các giao dịch này là điều biến Ripple thành phương tiện hỗ trợ hữu hiệu cho Bitcoin về hệ thống ngân hàng. Thay vì phải chờ đợi mòn mỏi trong nhiều giờ đồng hồ cho đến khi giao dịch mua hoặc bán Bitcoin của mình được xử lý, bạn và đối tác của mình có thể tham gia vào mạng lưới Ripple để thực hiện giao dịch mong muốn trong thời gian chỉ vài giây.
Nhưng tiềm năng lớn hơn cả lại nằm ở khả năng chuyển tiền xuyên biên giới giữa các ngân hàng với nhau. Hiện tại, hệ thống SWIFT vẫn là phương tiện chính đảm nhận nhiệm vụ này. Với việc liên kết hơn 11.000 ngân hàng và các tổ chức tài chính trên thế giới với nhau, trung bình mỗi ngày hệ thống này xử lý hơn 15 triệu bức điện. Với mức giá khoảng 0,25 USD/bức điện, doanh thu hàng ngày của hệ thống này lên đến hàng triệu USD.
Dù là một hệ thống bảo mật tốt và nhanh chóng, nhưng do phải chuyển tiếp qua nhiều khâu trung gian để xác thực cho mỗi giao dịch, các yêu cầu thanh toán và chuyển tiền xuyên biên giới thường phải mất vài ngày mới được hoàn tất. Trong khi đó, mạng lưới Ripple cho phép thực hiện các giao dịch này chỉ trong vòng vài giây với chi phí rẻ hơn nhiều, nhưng vẫn đảm bảo khả năng bảo mật.
Hiện tại, theo tuyên bố của Ripple hàng chục ngân hàng trên thế giới đã hợp tác với công ty để thử nghiệm việc chuyển tiền qua mạng lưới này, trong đó có những cái tên danh tiếng trên thế giới như MoneyGram, UBS, UniCredit,…. Chính điều này làm người ta đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của công ty cũng như đẩy giá của XRP, đồng tiền mã hóa do công ty phát hành, tăng gấp 33 lần trong một năm. Cho dù vậy, tương lai của XRP lại không tươi sáng đến thế.
Phương tiện thanh toán trong mạng lưới Ripple
Ripple tạo ra XRP với mục đích biến nó thành phương tiện thanh toán quốc tế cho các tổ chức tài chính trong mạng lưới của mình. XRP được sử dụng để thanh toán phí giao dịch và là tài sản dự trữ giá trị cho bất kỳ ai trong mạng lưới. Do được Ripple tạo ra mà không phụ thuộc vào bên thứ ba nào, XRP là đồng tiền duy nhất trong mạng lưới không gặp phải rủi ro bên đối tác, do vậy các bên giao dịch không cần một dòng tin tưởng (a line of trust) để giao dịch với một đối tác khác.
Bên cạnh vai trò là công cụ thanh toán trong Ripple, XRP còn được dùng để trả phí cho các giao dịch bằng các đồng tiền khác. Lệ phí cho mỗi giao dịch này là 0,00001 XRP, khoản phí này sau đó không được gửi đến bất kỳ ai mà bị tiêu hủy ngay lập tức. Mục đích của khoản phí này nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công DDoS làm tràn hệ thống bằng hàng loạt giao dịch ảo.
Điều này cũng cho thấy, XRP không phải là phương pháp thanh toán duy nhất trên nền tảng Ripple, bạn có thể tự tạo loại tiền tệ riêng cho mình từ bất kỳ tài sản có giá trị khác để thực hiện thanh toán: nghĩa là cả các loại tiền mã hóa như Bitcoin hay Ethereum, cho đến các loại ngoại tệ như USD, EUR, hay thậm chí cả VNĐ.
Các loại tiền tệ do người dùng tạo ra này được gọi chung là các IOU (I Owe You: biên lai nhận nợ) và các thanh toán thực hiện bằng IOU vẫn đồng nhất với XRP: cả hai phương pháp giao dịch được ghi nhận trên cùng một sổ cái với cùng tốc độ và đều có thể chia tách.
Điều này cũng có nghĩa rằng: các ngân hàng, các tổ chức tài chính không nhất thiết phải sử dụng đồng XRP thì mới được sử dụng dịch vụ của Ripple. Cho dù giao dịch qua XRP sẽ có phí giao dịch thấp hơn so với các IOU do được xử lý đơn giản hơn, nhưng đối với các tổ chức tài chính, các IOU lại có khả năng thanh khoản hơn hẳn so với XRP.
Ví dụ, như sau khi hoàn thành giao dịch chuyển và gửi USD/EUR sang các nước khác, thông qua các gateway của Ripple (các máy chủ của tổ chức hay cá nhân cho phép người dùng đặt tiền vào và rút tiền mặt ra khỏi mạng lưới), các ngân hàng có thể rút chúng ra thành tiền mặt và thực hiện thanh toán như bình thường mà không cần đến XRP.
Cường điệu về giá trị
Có thể thấy rằng, giá trị của mạng lưới thanh toán Ripple và đồng tiền mã hóa XRP do mạng lưới đó tạo ra lại không song hành cùng nhau. Trong khi tiềm năng của mạng lưới Ripple rất hứa hẹn trong tương lai, giá trị của XRP đối với những thành viên của mạng lưới là các ngân hàng hay các tổ chức lớn lại không rõ rệt đến thế.
Bên cạnh tính tập trung và khả năng phân phối của nó, các tổ chức nói trên có xu hướng nắm giữ nhiều loại tiền tệ khác nhau để đảm bảo khả năng thanh khoản cũng như khả năng tham gia vào nhiều giao dịch hơn so với việc nắm giữ ít loại tiền tệ. Điều này càng hạn chế vai trò của XRP với các tổ chức lớn này.
Do đó, đà tăng giá chóng mặt của XRP trong thời gian qua dường như đến từ sự cường điệu của giới đầu cơ trước những tin tức lạc quan về khả năng ứng dụng của mạng lưới Ripple, dù nó có ít mối liên quan đến XRP. Do đó, không có gì là lạ khi hiện tại, giá trị vốn hóa của XRP trên CoinMarketCap chỉ còn hơn 30 tỷ USD, mất hơn 75% giá trị so với mức 140 tỷ USD được thiết lập vào đầu năm nay.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Apple phát hành iOS 18 chính thức: Nhiều tùy chỉnh mới, khóa ứng dụng bằng Face ID... nhưng chưa có AI
iOS 18 mang tới nhiều tính năng, nhưng vẫn chưa có Apple Intelligence, bộ tính năng AI được người dùng iPhone mong chờ.
Công ty Trung Quốc nộp bằng sáng chế công nghệ độc quyền của ASML