Tăng trưởng 2 chữ số trong lúc ngành di dộng giảm nhiệt, Laptop đang gỡ bí cho Thế giới Di động và FPT Retail?
Mở trung tâm Laptop là một trong các kế hoạch cấu trúc lại ngành hàng di động của nhà bán lẻ này khi mảng kinh doanh chính điện thoại bị suy giảm tăng trưởng. Nửa đầu năm 2019, ngành điện thoại di động giảm 6,2%, điện tử giảm 9,8%, trong khi ngành hàng IT tăng trưởng 13,1%.
Công ty TNHH Nghiên cứu Thị trường Công nghệ và Bán lẻ GfK Việt Nam vừa có báo cáo về thị trường máy tính xách tay (Laptop) tại Việt Nam 9 tháng đầu năm, ghi nhận tăng trưởng sản lượng đạt 7% và 15% về giá trị doanh thu so với cùng kỳ năm 2018.
Ít biến động, thậm chí nhiều quan điểm nhận định bão hoà, thị trường Laptop thực tế vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2 chữ số; đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay có dấu hiệu tăng trưởng mạnh trở lại, tập trung trong quý 3/2019.
Số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Gartner cũng cho thấy, thời điểm vàng tăng trưởng của thị trường Laptop rơi vào tháng 8, 9 và 10 hằng năm với mức tăng trưởng có thể lên đến 20%. Trong đó, các thương hiệu laptop bán chạy trên thị trường trong thời gian qua thuộc về Apple, Asus, HP, Dell, Masstel, Acer… với rất nhiều phân khúc và giá thành khác nhau.
Giữa bối cảnh ngành điện máy và di dộng bão hoà, tăng trưởng mảng Laptop đang hỗ trợ các ‘ông lớn’ điện máy giải quyết bài toán tăng trưởng, bên cạnh các yếu tố hiện hữu như nồi niêu xoong chảo, đồng hồ… tại Thế giới Di động (MWG) và mắt kính, hàng hoá xuyên biên giới… tại FPT Retail (FRT).
Thậm chí, mở trung tâm Laptop là một trong các kế hoạch cấu trúc lại ngành hàng di động của nhà bán lẻ này khi mảng kinh doanh chính điện thoại bị suy giảm tăng trưởng. Nửa đầu năm 2019, ngành điện thoại di động giảm 6,2%, điện tử giảm 9,8%, trong khi ngành hàng IT tăng trưởng 13,1%, quan sát bởi người trong cuộc cho hay.
Doanh số Laptop tại FRT tăng đến 75% trong quý 3/2019
Thực tế, với hơn 25% thị phần trong 9 tháng đầu năm, FRT đã đẩy mạnh khai thác sự tăng trưởng của ngành, đặc biệt trong quý 3 và ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Hiện, FRT vẫn là nhà bán lẻ Laptop lớn nhất tại Việt Nam (bao gồm thương hiệu Apple), theo GfK. FRT cũng chiếm phần lớn doanh thu toàn thị trường với hơn 26% tỷ trọng.
Riêng quý 3 rơi vào mùa tựu trường, đây cũng là thời điểm nhu cầu Laptop ở mức cao. Theo đó, FRT đã mở một vài trung tâm máy tính xách tay bên trong các cửa hàng FPT để tăng doanh thu. Chi tiết, FPT Shop khai trương 7 trung tâm Laptop tại các tỉnh thành cả nước.
Song song, FPT Shop tái triển khai bán Laptop theo chương trình "Back To School", bao gồm chuỗi các hoạt động hỗ trợ học sinh tham dự kỳ thi Quốc gia cũng như gói ưu đãi đặc biệt dành cho các bạn tân sinh viên mua Laptop. Được tổ chức đều đặn vào mỗi mùa thi Quốc Gia từ năm 2013 đến nay, "Back to School" là một chương trình quen thuộc, mang đến nhiều giá trị và trở thành dấu ấn riêng biệt của FPT Shop, đại diện Công ty chi biết.
Top 10 Laptop bán chạy nhất tại hệ thống FPT Shop trong mùa tựu trường vừa qua, bao gồm các thương hiệu: Apple, Asus, HP, Dell, Masstel. Trong đó, Asus có 4 sản phẩm, HP đóng góp 3 sản phẩm, Apple, Dell và Masstel có 1 sản phẩm nằm trong top. Xét về tỷ trọng đóng góp doanh thu cho FPT Shop, thương hiệu Apple dẫn đầu top 10 với bộ đôi sản phẩm: Macbook Air 13"-i5 và Macbook Pro 13" Touch Bar-i5.
Kết quả, doanh thu từ máy tính xách tay trong quý 3 của doanh nghiệp tăng 75% so với quý trước, và tăng 6% so với cùng kỳ.
FPT Shop tái triển khai bán laptop theo chương trình "Back To School" trong quý 3/2019.
"Để cạnh tranh cũng như duy trì tốc độ tăng trưởng trên thị trường đã có sự bão hòa nhất định, trong thời gian tới, FPT Shop sẽ tiếp tục bổ sung thêm nhiều dòng sản phẩm độc quyền sở hữu nhiều tiện ích ở mọi phân khúc giá. Thêm vào đó, FPT Shop còn tài trợ 100% lãi suất trả góp hoặc mua hàng không cần trả trước dành cho rất nhiều dòng sản phẩm nổi bật và tặng thêm nhiều ưu đãi thiết thực", người đứng đầu hãng khẳng định.
Theo kế hoạch, FRT sẽ có 20 trung tâm máy tính xách tay tại cửa hàng vào cuối năm 2019 và sẽ mở 10 cửa hàng máy tính xách tay riêng vào năm 2020.
MWG sớm đặt tham vọng chiếm lĩnh 50% thị phần Laptop
Không chỉ FRT, MWG cũng không cho thấy những động thái quyết liệt với thị trường này. Laptop là nhóm sản phẩm có quy mô lớn nhất, chiếm 60% doanh số ngành hàng IT có dung lượng thị trường hàng năm khoảng 1 tỷ USD, MWG sớm đưa ra tham vọng chiếm 50% thị phần vào năm 2020 so với 20% hiện nay.
Để khai thác hiệu quả thị trường Laptop đang tăng trưởng hai chữ số trong khi MWG mới chỉ chiếm hơn 20% thị phần, từ tháng 9/2019, Công ty bắt đầu triển khai 26 trung tâm laptop hướng tới phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng từ học tập, làm việc văn phòng, đồ hoạ, giải trí – chơi game.
Hiện, các trung tâm Laptop đã có mặt tại hầu hết các tỉnh thành lớn trong cả nước và tập trung tại những khu vực có nhiều trường học. Đây vừa là showroom trưng bày hơn 200 mẫu sản phẩm, đồng thời cũng đóng vai trò là kho phân phối để phục vụ việc bán hàng online.
Cùng với các trung tâm Laptop - nơi bày bán hơn 180 sản phẩm ngành hàng IT (laptop, máy tính bộ, máy in, thiết bị mạng…), MWG cũng đặt kế hoạch nâng số cửa hàng có khu vực riêng bán laptop (shop in shop) từ 350 hiện nay lên 500 shop vào cuối năm 2019, tăng gấp đôi số sản phẩm tại mỗi cửa hàng từ 30 lên 60.
Bên cạnh đó, MWG cũng nâng số lượng cửa hàng thế giới di động và điện máy xanh có khu vực kinh doanh laptop từ 350 lên gần 500 cửa hàng với danh mục sản phẩm trưng bày tăng từ khoảng 20 mẫu lên gấp đôi. Trung bình, mỗi ngày trong tháng 9 có khoảng 1.000 Laptop được bán ra tại các trung tâm và cửa hàng của chuỗi thế giới di động và điện máy xanh.
Dự kiến, ngành hàng Laptop sẽ mang về cho MWG từ 2.700 - 3.000 tỷ đồng doanh thu năm 2019, tăng trưởng 25-30% so với năm 2018.
MWG sớm đưa ra tham vọng chiếm 50% thị phần vào năm 2020 so với 20% hiện nay.
Trong bối cảnh Bách Hoá Xanh đang chạy đua về ‘đích’ hoà vốn, từ đầu năm 2019 MWG đã đồng loạt triển khai nhiều dự án mới, theo người đứng đầu là "bán những cái chưa từng bán" và "tiếp cận nhóm khách hàng chưa từng tiếp cận" nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng chung toàn Tập đoàn. Hiện, chiến lược bày bán đồng hồ, mắt kính, đồ gia dụng ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan, cùng với việc khai thác sâu hơn mảng Laptop đang hỗ trợ cho bài toán tăng trưởng doanh nghiệp.
Tương tự FRT, doanh nghiệp cũng đang đau đầu với tăng trưởng ngành hàng chính, trong bối cảnh mảng mới là chuỗi dược vẫn đang giai đoạn đầu tư. Sau 2 chương trình F-Friends và F-Studio, bán hàng xuyên biên giới, mở rộng thêm ngành hàng chuyển phát, FRT cũng vừa thử nghiệm bán mắt kính với tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng lên đến 40-50% cùng công tác đẩy mạnh mảng Laptop nhằm kéo tăng trưởng, trước mắt cho năm 2019.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?