Tạo hình của Thanos trong Infinity War lại một lần nữa chứng minh rằng, lạm dụng CGI là không tốt

    Kuroe,  

    Lạm dụng CGI như một phương án nhanh chóng để tạo ra nhân vật phản diện cho phim ảnh vẫn chưa bao giờ là một ý tưởng tốt.

    Trailer cuối cùng của Avengers: Infinity War cho chúng ta thấy mối hiểm họa lớn nhất từ trước đến nay mà Trái đất trong vũ trụ của Marvel sẽ gặp phải. Những trận đánh diễn ra với quy mô lớn. Thương vong nhiều không đếm xuể. Sấm chớp rền vang. Âm thanh hoành tráng. Đứng giữa chiến trường là Thanos - tên Titan điên loạn với sức mạnh đe dọa toàn vũ trụ. Chỉ có điều, sức mạnh khủng khiếp của Thanos không làm hắn trở nên đáng sợ trong mắt người xem chút nào cả.

    Trên thực tế, vấn đề của Thanos là một vấn đề hết sức dễ bắt gặp ở thời điểm hiện tại, khi các nhà làm phim phụ thuộc quá nhiều vào CGI.

    Trong vài năm trở lại đây, với sự bùng nổ của thể loại phim siêu anh hùng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đồ họa máy tính, những điều tưởng chừng như không thể đều đã diễn ra trên màn ảnh rộng. Nhờ có CGI, chúng ta có thể thấy Mister Fantastic kéo dãn các bộ phận cơ thể của mình như cao su, hay thấy Doctor Strange sử dụng ma thuật. Nếu như bộ phim Superman ra mắt năm 1978 quảng cáo với khản giả rằng: "Bạn sẽ tin là có những người có thể bay", thì giờ đây, điện ảnh khiến bạn tin rằng một con gấu mèo có thể cầm hai tay hai súng bắn nhau với kẻ xấu, hay một người có thể tự mình thu nhỏ rồi lại phóng to tùy thích. Với CGI, mọi thứ đều có thể.

    Tuy nhiên, nếu nói chính xác hơn thì mọi thứ đề có thể với CGI, với điều kiện "mọi thứ" được cấu tạo bởi những đường nét trơn, với bề mặt mịn. Chính bởi vậy, những hiệu ứng mà CGI tạo ra với các siêu anh hùng sẽ trở nên đẹp mắt và hiệu quả hơn. Bộ giáp sắt làm nên thương hiệu của Iron Man là một ví dụ hết sức điển hình cho việc sử dụng CGI để tạo ra hiệu ứng hình ảnh cho siêu anh hùng. Hay kể cả Hulk cùng vậy, nhờ CGI mà tạo hình nhân vật này trở nên "dễ gần" với khán giả xem phim hơn rất nhiều. Đương nhiên, điều này là tốt, bởi dẫu sao thì Hulk cũng là siêu anh hùng. Siêu anh hùng thì không cần phải đáng sợ.

    Còn nhân vật phản diện thì lại là một câu chuyện khác hoàn toàn. Kẻ ác thì phải đáng sợ, và việc lạm dụng CGI sẽ khiến "mối đe dọa" mà những nhân vật này tạo ra kém đi rất nhiều. CGI khiến quân đoàn Ultron trông giống như những món đồ chơi biết bay, hơn là giống mối hiểm họa de dọa Trái đất. Đội quân Chitauri trong Avengers 1 "nhạt nhòa" đến mức chỉ vừa hết phim là đã chẳng còn ai buồn nhớ xem mặt mũi chúng trông ra làm sao. Hay như Doomsday trong Batman v Superman, trông giống một tên golem ngốc nghếch hơn là một kẻ nắm trong tay sức mạnh hủy diệt

    Doomsday trong Comic
    Doomsday trong Comic
    Và Doomsday trong phim
    Và Doomsday trong phim

    Có một sự thật là những nhân vật phản diện, trông càng gần với đời thực thì lại càng đáng sợ. Không phải ngẫu nhiên mà những nhân vật phản diện ấn tượng nhất trên màn ảnh, đều là sản phẩm của những phương pháp truyền thống như trang phục, hóa trang và diễn xuất. Joker của Heath Ledger, Hannibal Lecter của Anthony Hopkins, hay đặc vụ Smith của Hugo Weaving là một trong những ví dụ điển hình. Hay như một nhân vật phản diện thuộc hàng "huyền thoại" trong Star Wars, Darth Vader, chỉ là một "gã đàn ông đeo mặt nạ" mà thôi. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Hela lại là một trong những nhân vật phản diện ấn tượng nhất trong dòng phim siêu anh hùng vài năm trở lại đây, khi mà tạo hình của nhân vật này về cơ bản là "Cate Blanchett trang điểm kiểu Goth". Còn sự ấn tượng của nhân vật này, đến từ chính diễn xuất của diễn viên.

    Vấn đề của CGI không phải là vì công nghệ này vẫn còn chưa đủ chân thực. Bản thân CGI cũng đã từng được sử dụng để tạo ra một nhân vật phản diện hết sức ấn tượng trong quá khứ, đó là tên robot đến từ tương lai T-1000 trong bộ phim "Kẻ hủy diệt 2". Tuy nhiên, vấn đề là ở thời điểm hiện tại, có vẻ như các nhà làm phim đang quá lạm dụng CGI, như một công cụ đơn giản để tạo ra quái vật trong phim ảnh. CGI là một công cụ rất mạnh, với tính linh hoạt cao, nhưng nó chỉ nên là công cụ hỗ trợ thay vì là công cụ thay thế hoàn toàn cho các phương pháp truyền thống. Đó là còn chưa kể đến việc, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ CGI, những thứ ấn tượng trong năm nay, sang năm sau trông đã chẳng khác gì "đồ cổ". Darth Vader, hàng chục năm sau khi hắn xuất hiện trên màn ảnh, vẫn ấn tượng như ngày nào. Trong khi đó, Doomsday, tuy mới xuất hiện trên màn ảnh lớn được khoảng 2 năm, giờ trông đã như "một gã golem xấu xí".

     Đã rất lâu mới xuất hiện lại trên màn ảnh rộng, nhưng Darth Vader vẫn để lại ấn tượng cho khán giả hệt như ngày đầu

    Đã rất lâu mới xuất hiện lại trên màn ảnh rộng, nhưng Darth Vader vẫn để lại ấn tượng cho khán giả hệt như ngày đầu

    Việc cân bằng giữa CGI và diễn viên thật vẫn luôn là bài toán khó cho các nhà làm phim ở thời điểm hiện tại, đặc biệt là ở thế loại phim siêu anh hùng - nơi có quá nhiều thứ siêu thực diễn ra. Và có lẽ, trong trường hợp của Infinity War, người chiến thắng không phải là Thanos hay Avengers, mà là CGI.

    Tham khảo The Verge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ