Tất cả là về cách sử dụng: Tại sao mọi người đã hiểu sai hoàn toàn thiết kế của Fujifilm X-Pro3

    M.Đức,  

    Không phải chiếc máy ảnh nào cũng phải thuận tiện như dẫn tay người dùng, có những sản phẩm dành riêng cho những đối tượng đặc biệt!

    Bài viết là chia sẻ của nhiếp ảnh gia thương mại Blair Bunting với Petapixel.

    Sự kiện công bố chiếc X-Pro3 cao cấp của hãng Fujifilm quả thực làm tôi bất ngờ, nhưng không phải vì thiết kế đặc biệt hay bất cứ tính năng nào của sản phẩm này, mà là những lời bình phẩm của công chúng với nó. Rất nhiều người chê bai thiết kế 'khác người' của chiếc máy này (màn hình LCD được giấu vào trong thân máy), và tôi cảm thấy đây là một vấn đề đáng để nói.

    Hiện trên thị trường có rất nhiều dòng máy ảnh khác nhau, mỗi sản phẩm được thiết kế để dành cho một mục đích, một kiểu chụp hình của những nhiếp ảnh gia khác nhau. Đây tôi không nói về sự phân biệt giữa các hãng như Nikon, Canon hay Sony, mà nói về từng dòng sản phẩm cụ thể, có những điểm 'cá tính' riêng biệt. Và những dòng máy 'khác biệt' như Fujifilm X-Pro3, Hasselblad X1D hay chiếc Nikon Df đem lại cho người dùng một trải nghiệm mà các dòng máy khác không có được.

    Tất cả là về cách sử dụng: Tại sao mọi người đã hiểu sai hoàn toàn thiết kế của Fujifilm X-Pro3 - Ảnh 1.

    Mặt sau của X-Pro3 chỉ có màn hình đơn giản siêu nhỏ, muốn có màn LCD ta phải lật toàn bộ mặt này ra

    Để hiểu rõ hơn về những dòng máy ảnh này, ta sẽ cùng nhớ tới cố họa sĩ nổi tiếng trên truyền hình Bob Ross. Tôi xem rất nhiều tập dạy vẽ của ông ấy, mặc dù bản thân không hề có năng khiếu vẽ. Nhưng tôi rất thích cách ông vẽ, rất điềm tĩnh, chậm rãi, giúp ông có thể suy nghĩ về những điều của cuộc sống. Những bức họa của ông được 'thôi thúc' bởi những suy nghĩ trong đầu ông, càng thanh thản thì bức vẽ càng đẹp. Đối với tôi thì ngược lại, công việc sáng tạo nhiếp ảnh đôi khi tạo ra áp lực rất lớn, khi có những thứ như deadline, khách hàng...

    Tất cả là về cách sử dụng: Tại sao mọi người đã hiểu sai hoàn toàn thiết kế của Fujifilm X-Pro3 - Ảnh 2.

    Như bức hình trên đây, chúng tôi đã phải mua một con cá giả với giá lên tới 20.000 USD, sử dụng rất nhiều đèn để cho ánh sáng tốt nhất ở dưới nước, thậm chí xung quanh còn có cả cá mập! Lúc sáng tạo ra bức hình này, tôi cảm thấy mình như bị gò bó, tôi phải tập trung nghĩ về thành quả cuối cùng mới có thể hoàn thành được. Với bức hình này, tôi sử dụng chiếc Nikon D3X, có những tính năng tôi cần, cùng khả năng chống chịu nước để không hỏng hóc trong quá trình chụp.

    Một vài ngày sau buổi chụp này, Nikon gửi cho tôi một chiếc Nikon Df, một chiếc máy số nhưng có ngôn ngữ thiết kế của những dòng máy số Nikon F của những năm 70. Nó có những vòng xoay vật lý để chỉnh thông số, và được thiết kế để làm người dùng chậm lại. Và đây chính là lý do nó được ra đời, khiến người dùng phải chậm lại, tạo ra nghệ thuật chứ không phải những bức hình thương mại.

    Tôi gắn một ống kính Nikkor 50 f/1.4 sản xuất năm 1972 được bố tôi tặng, và ra đường chụp những bức ảnh đường phố. Nhiếp ảnh bỗng trở nên 'vui vẻ', thư thái hơn hẳn!

    Tất cả là về cách sử dụng: Tại sao mọi người đã hiểu sai hoàn toàn thiết kế của Fujifilm X-Pro3 - Ảnh 3.

    Nikon Df

    Bộ bộ đôi hệ thống máy ảnh khác của tôi là những chiếc Hasselblad X và H. Với những bức hình trong studio, tôi sử dụng chiếc H6D-100c, một chiếc máy với độ phân giải rất cao và tạo ra được những bức hình tiệm cận với hoàn hảo. Nhưng khi ra đường, tôi sử dụng máy ảnh không gương lật X1D-50c, với ít nút bấm hơn, nhỏ gọn và nhẹ nhàng hơn, làm tôi cảm thấy không bị bó buộc khi chụp hình.

    Và đây là một tấm hình chụp đường phố với chiếc máy ảnh đó:

    Tất cả là về cách sử dụng: Tại sao mọi người đã hiểu sai hoàn toàn thiết kế của Fujifilm X-Pro3 - Ảnh 4.

    Trở lại với chiếc Fuji X-Pro3. Tôi cũng đã thử nghiệm với rất nhiều máy X-Pro trong quá khứ, và khi tôi nhìn thấy kiểu thiết kế giấu màn hình LCD vào bên trong của chiếc X-Pro3 thì thực sự cảm thấy rất thích thú. LCD được giấu vào bên trong, giúp tôi không xem lại ngay những bức hình sau khi chụp, mà để ý tới những thứ ở môi trường xung quanh, tạo sự tự do trong sáng tạo.

    Tất nhiên tôi không thể bắt tất cả mọi người phải nhìn theo cách của tôi, nhưng tôi cũng khuyến khích mọi người nhìn một chiếc máy ảnh theo cách thiết kế của nhà sản xuất, nó được sản xuất cho mục đích gì, dành cho ai. X-Pro3 không phải là một chiếc máy làm nghề, máy ảnh chụp thương mại, với mục đích đó ta đã có Sony A7, Nikon Z... X-Pro 3 dành cho những giây phút thư giãn, khi ta có thể ra đường để chụp những thứ mà ta thích, nhìn Thế giới và đơn giản là thở!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ