Tất cả những gì bạn cần biết về thảm họa lỗi iPhone đang ầm ĩ nhất hiện nay: Touch Disease

    Neo,  

    Ngày càng nhiều người dùng iPhone 6 và 6 Plus báo cáo rằng màn hình cảm ứng trên điện thoại của họ không còn nhạy hoặc thậm chí chết hẳn cảm ứng.

    Vấn đề này được gọi với một cái tên khá nghiêm trọng: "Touch Disease".

    Dù có nhiều bằng chứng cho thấy vấn đề này cực kỳ phổ biến nhưng Apple chưa bao giờ chính thức thừa nhận. Thậm chí, các chuyên gia sửa iPhone độc lập và nhân viên Apple Store đều nói rằng hầu hết các khách hàng tìm tới chỗ họ gặp vấn đề Touch Disease. Vào tháng Tám và tháng Chín, các khách hàng tại California và Canada đã nộp đơn kiện tập thể buộc tội Apple cố tình che dấu vấn đề này.

    Dưới đây là những gì bạn cần biết về Touch Disease để xác định xem liệu iPhone 6 và 6 Plus của bạn có gặp vấn đề này không?

    Dấu hiệu nào cho thấy iPhone của bạn gặp vấn đề Touch Disease?

    Triệu chứng dễ nhận thấy nhất đó là thanh màu xám xuất hiện phía trên cùng của màn hình. Nó trông giống như trong bức ảnh dưới đây:

    Nhưng thanh màu xám nhấp nháy không phải là dấu hiệu duy nhất. Thông thường, những người dùng gặp vấn đề Touch Disease báo cáo rằng sau khi thanh màu xám bắt đầu nhấp nháy, thình thoảng toàn bộ màn hình cảm ứng sẽ không đáp ứng lại thao tác nhấp.

    Những mẫu iPhone nào bị ảnh hưởng?

    Cho tới nay, iPhone 6 Plus được trình làng vào năm 2014 có tỷ lệ gặp lỗi Touch Disease cao nhất.

    Một trong những giả thuyết phổ biến nhất đằng sau vấn đề "Touch Disease" đó là một số mối hàn kết nối bên trong smartphone bị uốn cong tới mức bị bong ra. iPhone 6 Plus là smartphone dễ bị uốn cong nhất do vậy đây là mẫu iPhone phổ biến nhất gặp vấn đề Touch Disease.

    iPhone 6, 6s và 6s Plus cũng gặp vấn đề này nhưng ở một tỷ lệ thấp hơn.

    Khắc phục vấn đề này tốn bao nhiêu tiền?

    Nếu bạn hết bảo hành, Apple sẽ thu của bạn 329 USD phí sửa chữa, thay thế linh kiện.

    Tuy nhiên, theo Motherboard, một số nhân viên Apple Store sẽ thu phí rẻ hơn, khoảng 100 USD, nếu iPhone của bạn gặp vấn đề Touch Disease nhưng vừa mới hết bảo hành và các nhân viên biết rằng đây không phải lỗi của bạn.

     Nếu sửa chữa bên ngoài bạn cần tìm tới những người có tay nghề cao

    Nếu sửa chữa bên ngoài bạn cần tìm tới những người có tay nghề cao

    Bạn cũng có thể sửa ở các cửa hàng bên ngoài với mức phí rẻ hơn nhưng hãy cẩn thận bởi vấn đề này rất khó sửa, cần sự can thiệp của một nhân viên kỹ thuật tay nghề cao. Ngoài ra, sửa ở cửa hàng bên ngoài cũng đồng nghĩa với việc sẽ không được Apple hỗ trợ trong tương lai.

    Tôi có thể tự sửa vấn đề này không?

    Không thể, trừ khi bạn là một kỹ thuật viên vi mạch lành nghề. Ngay cả các chuyên gia mổ xẻ thiết bị di động của iFixit cũng khuyên người dùng không nên tự sửa iPhone gặp vấn đề Touch Disease.

    Tôi cần biết gì khi mang điện thoại tới Apple Store?

    Trong trường hợp iPhone của bạn bị rạn màn hình bạn sẽ nghĩ rằng chính vết rạn khiến cảm ứng không còn nhạy. Nhưng thực tế, smartphone có thể đang gặp vấn đề Touch Disease.

    Touch Disease không thể được khắc phục nếu chỉ thay thế màn hình mới. Một chiếc màn hình mới tinh vẫn không đáp ứng lại các thao tác của bạn.

    Ngoài ra, nếu Apple cung cấp cho bạn một chiếc iPhone thay thế nó hoàn toàn có thể là một thiết bị tân trang và hoàn toàn có thể cũng gặp vấn đề Touch Disease. Những chiếc iPhone tân trang có thời hạn 90 ngày nên bạn cần phát hiện ra Touch Disease trước khi chúng hết hạn bảo hành.

    Đâu là bản chất thực sự của vấn đề?

    Theo một đơn kiện tập thể nhắm vào Apple, trong đó có trích dẫn tuyên bố của iFixit, vấn đề nằm ở bo mạch chủ của iPhone, nơi các con chip được kết nối để liên lạc với nhau.

     Hai chip Touch IC có tên U2402 Meson và Cumulus U2401 là nguyên nhân dẫn tới vấn đề trên những chiếc iPhone 6/6 Plus. Đây là vị trí của chúng trên bo mạch chủ iPhone 6. Ảnh ifixit

    Hai chip Touch IC có tên U2402 Meson và Cumulus U2401 là nguyên nhân dẫn tới vấn đề trên những chiếc iPhone 6/6 Plus. Đây là vị trí của chúng trên bo mạch chủ iPhone 6. Ảnh ifixit

    Trên bo mạch có hai chip "IC" có nhiệm vụ chuyển đổi các thao tác chạm, vuốt trên màn hình cảm ứng thành các hành động trên phần mềm iPhone của Apple.

    Việc iPhone 6 Plus dễ bị uốn cong khiến bo mạch chủ bên trong cũng bị uốn cong. Và khi bo mạch chủ bị uốn cong, mối hàn kết nối các con chip IC với bo mạch dần dần bị phá vỡ. Cuối cùng màn hình cảm ứng trên iPhone sẽ chết khi chân chip IC hoàn toàn bị tách khỏi mối hàn.

    iPhone của tôi chết cảm ứng rồi, tôi có thể kiện Apple không?

    Luật sư ở Mỹ và Canada đã nộp đơn kiện tập thể cho những người dùng gặp vấn đề Touch Disease. Tuy nhiên, chưa vụ kiện nào được xét xử. Ngoài ra, những vụ kiện kiểu này hiếm khi thành công và nếu thành công thì phải mất vài năm để kết thúc.

    Apple có biết vấn đề này không?

    Apple không có một tuyên bố nào về Touch Disease dù cựu nhân viên của hãng chia sẻ rằng họ nắm rõ vấn đề này.

    Trang tin Business Insider cho biết họ liên hệ với Apple ba lần về vấn đề này nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào.

    Theo Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ