Tất cả sự sống trên Trái Đất được gói gọn vào biểu đồ này: Con người chưa chiếm đến 1%
So với trước khi con người xuất hiện, lượng động vật có vú hoang dã trên đất liền hiện chỉ còn 1/7, dưới biển chỉ còn 1/5.
Vi khuẩn nặng hơn con người. Nghe có vẻ vô lý. Nhưng nếu có một chiếc cân khổng lồ đủ cho tất cả mọi người trên hành tinh bước lên, rồi đặt vào phía bên kia bàn cân tất cả vi khuẩn, chúng ta sẽ bắn tung tóe vào không gian như những hạt đậu.
Sự thật là toàn bộ vi khuẩn trên Trái Đất nặng gấp 1.166 lần so với con người.
Tiếp tục so sánh con người với tất cả các dạng sự sống khác trên hành tinh, chúng ta càng thấy rõ được sự nhỏ bé của mình.
Một nghiên cứu gần đây đăng trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) thống kê tất cả sự sống trên Trái Đất theo trọng lượng (đo bằng giga tấn cacbon – Gt C, nguyên tố đánh dấu sự sống). Theo đó, con người chúng ta chưa chiếm đến 1% sự sống trên hành tinh này.
Ước tính, Trái Đất có khoảng 550 giga tấn cacbon sự sống. Một giga tấn bằng một tỷ tấn. Một tấn bằng 1.000 kg. Sẽ rất khó để hình dung khối lượng khổng lồ này. Vì vậy, trang Vox đã mô hình hóa dữ liệu trong nghiên cứu của PNAS dưới dạng đồ họa.
Đây là tất cả sự sống trên Trái Đất, được gói gọn trong một biểu đồ
Những gì bạn sẽ thấy bên dưới giống như một tòa tháp của sự sống. Mỗi khối lớn của tháp này đại diện cho 1 giga tấn sự sống, và các khối lớn được nhóm lại thành các giới sinh vật rộng lớn. Có những sinh vật đơn bào (những vi sinh vật sống như amip), cổ khuẩn (sinh vật đơn bào gần giống với vi khuẩn), nấm, vi khuẩn, thực vật và động vật.
Như bạn có thể thấy, thực vật đang thống trị thế giới của chúng ta. Nếu tháp sự sống là một tòa nhà văn phòng, thực vật sẽ là những doanh nghiệp thuê chính chiếm đến hàng chục tầng.
Trái ngược với đó, tất cả các loài động vật trên thế giới – là khối màu xám trong tháp – chỉ bé nhỏ giống như một cửa hàng tiện lợi ở tầng trệt.
Bây giờ, để nhìn rõ xem mình ở đâu thì chúng ta phải phóng to cái cửa hàng tiện lợi ở dưới tầng trệt lên. Bạn sẽ thấy con người chẳng đáng kể gì so với những loài khác trong giới động vật. Những loài chân đốt (côn trùng) lớn gấp 17 lần chúng ta. Ngay cả động vật thân mềm (những con hàu chẳng hạn) cũng nặng hơn con người.
Còn điều gì đáng chú ý?
Một sự thật cần nhấn mạnh, mặc dù con người chỉ chiếm một sinh khối bé nhỏ trong giới động vật, chúng ta đang gây ra những tác động rất lớn lên hành tinh. Biểu đồ trên đại diện cho tất cả sự sống hiện tại, nhưng nó không hiển thị những sự từng sống chết đi khi con người xuất hiện và bùng nổ dân số.
Các tác giả của bài báo trong PNAS ước tính rằng khối lượng của động vật có vú hoang dã trên đất liền đã bị sụt giảm đến 7 lần so với trước khi con người xuất hiện. Tương tự, động vật có vú dưới biển, bao gồm cả cá voi, bây giờ chỉ còn 1/5 so với quá khứ vì con người đã săn bắn rất nhiều loài đến mức gần tuyệt chủng.
Và mặc dù thực vật vẫn là dạng sự sống thống trị Trái Đất, các nhà khoa học nghi ngờ chúng đã từng lớn gấp đôi trước khi con người bắt đầu phá rừng để phát triển nông nghiệp và xây dựng nền văn minh.
Để có được những dữ liệu này, các nhà khoa học đã phải sử dụng đến vệ tinh viễn thám, kết hợp với các nghiên cứu phân bố sự sống trong đại dương để thu thập thông tin. Mặc dù vậy, họ thừa nhận rằng vẫn còn rất nhiều dữ liệu chưa chắc chắn.
Không thể đòi hỏi nhiều hơn nữa, đây vẫn là những hiểu biết cơ bản chính xác nhất mà chúng ta có được về sự sống trên Trái Đất. Mỗi năm, hành tinh của chúng ta mất đi hàng triệu mẫu rừng.
Động vật có tốc độ tuyệt chủng nhanh gấp từ 1.000 đến 10.000 lần so với trước khi con người xuất hiện. Tính riêng các loài linh trưởng là họ hàng gần với con người chúng ta, 60% đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Với biểu đồ này, bây giờ chúng ta phải biết trên hành tinh còn bao nhiêu sinh vật nữa để mà giữ gìn.
Tham khảo Vox
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"