Tàu siêu tốc lai máy bay chạy 1000 km/h, rẻ hơn vé máy bay được kỳ vọng tạo cú nổ lớn cho giao thông xanh
Một công ty Canada muốn tham gia cuộc đua tìm ra phương tiện di chuyển giảm thiểu phát thải carbon, thời gian di chuyển và giá vé so với các phương tiện giao thông hiện có.
- Một loại xe điện mở ra cơ hội nghìn tỷ đô mới trong ngành giao thông vận tải: Không cửa, không sợ kẹt xe, tiện lợi đủ đường
- Loài cá lớn nhất hành tinh đối diện nguy cơ tuyệt chủng vì tai nạn giao thông
- Giả mạo Cục Cảnh sát giao thông nhắn tin phạt nguội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Tâng bốc không được, doạ nạt không xong, Cục An toàn Giao thông Mỹ 'bó tay' với Elon Musk mỗi lần điều tra Tesla
TransPod là công ty khởi nghiệp xây dựng hệ thống giao thông mặt đất tốc độ cực cao hàng đầu thế giới (TransPod Line). Công ty có trụ sở tại Toronto, Canada, gần đây đã công bố kế hoạch cho “FluxJet”, một phương tiện di chuyển hoàn toàn bằng điện và là “sự kết hợp giữa máy bay và tàu hoả”. Dự án hiện đang trong giai đoạn lên ý tưởng với đoàn tàu đệm từ dài 24,9m, chở khách với vận tốc khoảng 997,79 km/h.
Tốc độ này nhanh hơn máy bay thương mại và nhanh gần gấp 3 lần tốc độ của hầu hết các tàu cao tốc hiện tại. Chính vì chạy bằng điện, FluxJet không phát thải carbon. Công ty cho biết tàu FluxJet sẽ dựa vào công nghệ “truyền tải điện không tiếp xúc”, tức lấy điện từ lưới điện hiện có thông qua từ trường. Thiết kế khí động học của tàu lai máy bay có thể giúp giảm ma sát khi di chuyển.
Tàu FluxJet sẽ hoạt động trên TransPod Line, một hệ thống giao thông với các nhà ga ở những địa điểm quan trọng và các thành phố lớn. Công ty tự tin khẳng định rằng đây sẽ là mạng lưới giao thông định nghĩa lại hoạt động vận chuyển hàng hoá và chở khách và thay đổi cách sống và đi lại của mọi người.
Vào tháng 7, công ty TransPod đã phát hành một đoạn video cho thấy quá trình thiết kế FluxJet, bao gồm tổng quan về cách thức hoạt động của công nghệ và hình ảnh động cho thấy phiên bản cuối cùng sẽ trông như thế nào.
TransPod cho biết chi phí hành khách đi bằng FluxJet sẽ rẻ hơn 44% so với tiền mua vé máy bay. Giai đoạn đầu dự án, công ty có kế hoạch xây dựng một mạng lưới đường dẫn chân không dài gần 321,8 km/h giữa các thành phố Edmonton và Calgary của Canada.
Theo kế hoạch này, cứ 2 phút sẽ có một chuyến tàu khởi hành để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tàu sẽ chở tối đa 54 hành khách và 10 tấn hàng hóa trên mỗi chuyến. Công ty cho biết chuyến đi dài 281,6 km giữa hai thành phố sẽ chỉ mất 45 phút.
Ảnh: TransPod
Một cam kết trị giá 18 tỷ USD
Đó là một thông tin tốt. Nhưng tin xấu là ngay cả khi lạc quan, hệ thống vận chuyển này vẫn sẽ mất nhiều năm xây dựng và tiêu tốn hàng tỷ đô la.
Vào tháng 3, TransPod đã huy động được 550 triệu USD tiền tài trợ từ các nhà đầu tư Vương quốc Anh là Broughton Capital Group và công ty China-East Resources Import & Export thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc. Số tiền đó tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển đang diễn ra, cùng với kế hoạch xây dựng đường thử nghiệm và tiến hành kiểm tra tốc độ từ năm 2023 đến năm 2027.
Công ty cho biết họ muốn bắt đầu xây dựng tuyến FluxJet liên thành phố của mình vào năm 2027. TransPod cũng cho biết cuối cùng dự án sẽ tiêu tốn 18 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là họ sẽ cần phải huy động thêm rất nhiều tiền từ giờ về sau, cho dù là từ các nhà đầu tư tư nhân, tài trợ của chính phủ hoặc cả hai.
Ảnh: TransPod
Vượt qua cả tỷ phú Elon Musk and Richard Branson, một công ty Canada muốn tham gia cuộc đua để tạo ra phương tiện đi lại tối ưu nhất.
TransPod tuyên bố khoản chi này sẽ rất xứng đáng. Công ty dự đoán rằng việc xây dựng hệ thống FluxJet sẽ tạo ra “tới 140.000 việc làm” và thêm 19,2 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực. TransPod cho biết hệ thống sẽ giảm 636.000 tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm sau khi hoàn thành xây dựng.
Khi ra mắt FluxJet, ông Sebastien Gendron, đồng sáng lập và là CEO của TransPod cho biết: “Tất cả những công việc khó khăn trong vài năm qua đã dẫn tới thời điểm quan trọng này, khi những cuộc trò chuyện đang trở thành hiện thực”.
Ông Ryan Janzen, người đồng sáng lập và CTO của TransPod, cho biết: “Cột mốc quan trọng này là một bước tiến lớn. FluxJet là sự kết hợp của nghiên cứu khoa học, phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng khổng lồ để giải quyết nhu cầu của hành khách và giảm sự phụ thuộc của chúng ta vào máy bay phản lực và đường cao tốc sử dụng nhiên liệu hóa thạch”.
Ông Yung Wu, CEO của MaRS Discovery District, nhận định: “TransPod thay đổi hoàn toàn cuộc chơi trong việc vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa tốc độ cực cao, không phát khí thải, giữa các thành phố lớn.
“Đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và nhà điều hành của chúng ta hành động táo bạo để hỗ trợ thương mại hóa các sáng kiến của Canada như TransPod, để giành chiến thắng trong nền kinh tế đổi mới toàn cầu trị giá hàng nghìn tỷ đô la”.
Những dự án tàu siêu tốc của các tỷ phú
Trong khi đó, công ty Virgin Hyperloop One của tỷ phú Richard Branson trước đây đã công bố kế hoạch về một hệ thống tàu siêu tốc tương tự. Mục đích là nhằm vận chuyển hành khách với vận tốc lên đến 1223 km/h.
Trong các cuộc thử nghiệm, các nguyên mẫu của Virgin cho đến nay đã đạt tốc độ khoảng 386 km/h. Gần đây công ty đã sa thải 111 nhân viên và tập trung vào việc vận chuyển hàng hóa thay vì con người.
Tương tự, công ty The Boring Company của tỷ phú Elon Musk đã đào các đường hầm dưới lòng đất ở Los Angeles và Las Vegas trong nhiều năm nay với hy vọng cuối cùng sẽ lấp đầy chúng bằng hệ thống giao thông “hyperloop” tốc độ cao. Tàu siêu tốc cảm ứng điện từ sẽ chở các đoàn hành khách với vận tốc trên 965 km/h.
Cho đến nay, các đường hầm chỉ được sử dụng để vận chuyển xe Tesla, với tốc độ khoảng 80 km/h. Ông Musk đã đăng trên Twitter vào tháng 4 rằng ông muốn bắt đầu “thử nghiệm quy mô đầy đủ” của một tàu siêu tốc cảm ứng điện từ vào cuối năm nay.
Theo CNBC, Transpod
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"