Taxi tự lái bùng nổ ở Trung Quốc: Người thấy tiện, kẻ phiền hà
Dịch vụ taxi tự lái ở Trung Quốc được đánh giá là rẻ và thuận tiện, nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về an toàn đường bộ và triển vọng việc làm.
- Thị trường ô tô ĐNÁ 2024: Việt Nam nổi bật với xu hướng xe điện từ VinFast, Thái Lan là trung tâm sản xuất xe Trung Quốc
- Tàu quốc tế K3: Hành trình xuyên lục địa và câu chuyện về sự thay đổi đường ray
- Tại sao các chuyến bay từ Trung Quốc đến Mỹ lại bay vòng quanh Bắc Cực thay vì đi qua Thái Bình Dương?
- Nhà máy Gigafactory của Tesla ở Đức đang 'đau đầu' vì 65.000 chiếc cốc cà phê biến mất một cách bí ẩn!
- VinFast chính thức động thổ nhà máy xe điện tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, vốn đầu tư 200 triệu USD
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Baidu đang ở thành tâm điểm trên mạng xã hội nước này vì dịch vụ taxi tự lái (robotaxi) đang phát triển nhanh chóng của hãng, làm dấy lên lo ngại về an toàn đường bộ và triển vọng việc làm.
Baidu được cấp phép vận hành taxi hoàn toàn tự lái tại thành phố Vũ Hán vào năm 2022. Kể từ đó, công ty đã triển khai hàng trăm chiếc taxi tự lái Apollo Go trong thành phố.
Taxi tự lái trở nên phổ biến khi Baidu cung cấp các chuyến đi siêu rẻ để thu hút khách hàng. Trên đà đó, công ty đang hướng tới mở rộng dịch vụ sang các thành phố lớn khác của Trung Quốc khi các chính quyền địa phương nhanh chóng ban hành các chính sách hỗ trợ công nghệ mới.
Nhưng sự bùng nổ taxi tự lái cũng gây ra một số lo ngại cho người dân Trung Quốc, sau sự việc một chiếc xe Apollo Go đâm vào một người đi bộ ở Vũ Hán hôm 7/7.
Các đoạn video về vụ việc lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Phát ngôn viên của Baidu trấn an rằng đó chỉ là một vụ va chạm "nhẹ" và lỗi do người đi bộ sang đường ẩu.
Dù vậy, sự việc vẫn thổi bùng cuộc tranh luận về các vấn đề do taxi tự lái gây ra, như thiếu linh hoạt trong một số tình huống và đặc biệt là tác động trực tiếp đến nghề tài xế taxi truyền thống hay đặt xe công nghệ.
Người thấy tiện, kẻ thấy phiền
Thành phố Vũ Hán từ lâu được xem là "vương quốc" ô tô ở Trung Quốc, nơi đặt cơ sở sản xuất cho các thương hiệu bao gồm Honda, Renault và General Motors. Và thành phố sớm có kế hoạch trở thành khu vực dẫn đầu về xe tự lái.
Năm 2019, Baidu là một trong những công ty đầu tiên được cấp giấy phép kinh doanh vận hành xe tự hành tại Vũ Hán. Đến năm 2022, công ty được cấp giấy phép vận hành an toàn xe trên đường phố mà không cần tài xế.
Theo Baidu, xe tự lái của công ty đã mở rộng phạm vi hoạt động trên khắp Vũ Hán và Apollo Go hiện là một phương tiện rất dễ nhận thấy ở trung tâm thành phố 13 triệu dân này.
Hãng công nghệ hiện vận hành 400 taxi tự lái trong thành phố, thu hút được lượng khách hàng lớn nhờ giá dịch vụ rẻ hơn các đối thủ.
Tại Vũ Hán, một chuyến đi 10 km bằng dịch vụ gọi xe thông thường có giá khoảng 30 nhân dân tệ (hơn 100.000 đồng). Trong khi đó, một chuyến đi bằng Apollo Go chỉ tốn khoảng 16 nhân dân tệ (hơn 55.000 đồng).
Tuy nhiên, sự phổ biến ngày càng tăng của xe tự lái cũng gây ra phản ứng trái chiều. Không ít người dân Vũ Hán phàn nàn trong nhiều tháng rằng xe Apollo Go gây ùn tắc do di chuyển chậm và hay dừng xe bất ngờ. Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video cho thấy hàng dài ô tô xếp hàng phía sau một chiếc Apollo Go đang dừng giữa đường.
Các tài xế taxi cũng cảm nhận rõ áp lực từ công nghệ tự lái này. Trong khi dịch vụ taxi truyền thống và đặt xe công nghệ đang trở nên bão hòa, các tài xế giờ đây càng ít khách hơn vì không thể cạnh tranh với giá cước của xe tự lái.
Một thống kế của chính quyền Vũ Hán cho thấy, tài xế taxi công nghệ trong thành phố nhận trung bình 13,2 đơn hàng mỗi ngày, trong khi xe tự lái của Baidu đáp ứng tới 20 đơn hàng.
Thế nhưng, dịch vụ xe tự lái phát triển cũng mang đến nhiều cơ hội việc làm mới. China Newsweek dẫn lời một nhà phân tích cho biết mặc dù được coi là tự động, nhưng hoạt động vận hành xe tự lái vẫn đòi hỏi rất nhiều công việc thủ công, chẳng hạn như hỗ trợ khách hàng, sửa chữa, vệ sinh và sạc xe.
Lúc đầu, những cuộc tranh luận ưu - nhược điểm của xe tự lái chủ yếu diễn ra ở Vũ Hán. Nhưng sau vụ việc va chạm với người đi bộ nói trên, các cuộc tranh luận đã lan rộng khắp Trung Quốc. Nhiều người bày tỏ lo ngại về triển vọng việc làm và các vấn đề an toàn tiềm ẩn, trong khi những người khác nhấn mạnh rằng các chuyến đi Apollo Go rất rẻ và thuận tiện.
Không rõ liệu các tranh cãi có ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển công nghệ lái xe tự động của Trung Quốc hay không. Chính phủ nước này gần đây đã ban hành dự thảo hướng dẫn cho phép sử dụng phương tiện tự lái trong ngành vận tải công cộng và đặt xe.
Các thành phố như Trường Sa ở tỉnh Hồ Nam và Tế Nam ở tỉnh Sơn Đông cũng đã công bố kế hoạch tiến hành các chương trình thử nghiệm taxi tự lái.
Baidu cũng đặt mục tiêu mang lại lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh Apollo Go tại Vũ Hán vào năm 2025. Trong kế hoạch phát triển tiếp theo, công ty ước tính thế hệ xe tự lái sắp tới của họ chỉ có trí phí sản xuất 200.000 nhân dân tệ (khoảng 700 triệu đồng), giảm 60% so với thế hệ hiện tại.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
Tại sao Nhật Bản cần lưu trữ 50.000 tấn nước siêu sạch ở độ sâu 1.000 mét? Nó có thể được sử dụng để làm gì?