Taxi Xanh GSM và VMI - 2 công ty riêng của ông Phạm Nhật Vượng đã đem về cho Vingroup bao nhiêu tiền trong nửa đầu năm?
GSM và VMI đều là 2 công ty riêng do ông Phạm Nhật Vượng dùng cổ phiếu VIC để góp vốn thành lập.
Gần 1 năm trở lại đây, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup đã sử dụng cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup để góp vốn thành lập 2 doanh nghiệp là CTCP VMI (lĩnh vực bất động sản) và CTCP Di chuyển Xanh và Thông Minh (GSM - lĩnh vực taxi điện).
Trong 6 tháng đầu năm, 2 công ty riêng của ông Phạm Nhật Vượng đã có những giao dịch ra sao với Tập đoàn Vingroup?
GSM đem về 2.261 tỷ cho Vingroup
Theo BCTC quý 2/2023 của Vingroup (mã chứng khoán: VIC), tập đoàn có ghi nhận giao dịch với bên liên quan là CTCP Di chuyển Xanh và Thông Minh (GSM) với khoản phải thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là 2.261,9 tỷ đồng. Phía Vingroup cho biết, khoản phải thu này đã được thu về 2.261 tỷ đồng.
Đây là các khoản mà hãng taxi này đã trả cho VinFast để mua xe điện phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hồi đầu năm nay, Chủ tịch Vingroup là ông Phạm Nhật Vượng đã dùng hơn 50 triệu cổ phiếu VIC để góp vốn thành lập CTCP Di chuyển xanh và Thông minh (GSM). GSM sẽ cho các hãng dịch vụ vận chuyển như taxi, xe ôm công nghệ và nhân viên của họ thuê ô tô - xe máy điện để chở khách. Đồng thời, hãng xe này cũng tự vận hành dịch vụ taxi bằng ô tô điện.
Đây là mô hình dịch vụ vận tải phức hợp xanh lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam cũng như trên thế giới mà theo VinFast, là nhằm phổ cập trải nghiệm di chuyển điện hóa.
Nhiều chuyên gia nhận định việc thành lập GSM của ông Vượng sẽ mang lại nhiều nguồn lợi cho VinFast. Thạc sỹ Lê Thế Trung, Tổng Giám Đốc CTCP Tư vấn và giáo dục John&Partners chia sẻ với báo chí việc thành lập GSM sẽ giúp VinFast có thêm một nguồn tiêu thụ lớn .
Đối với các xe tại GSM được cho thuê để tham gia hoạt động taxi, việc này cũng sẽ giúp VinFast tận dụng tạo ra dòng tiền .
Theo số liệu từ VinFast, trong 6 tháng đầu năm hãng xe điện đã bàn giao 11.638 xe ôtô cho khách hàng . Hai mẫu xe VF8 và VFe34 đã lọt vào top 10 những loại xe bán chạy nhất trên thị trường Việt Nam khi đã bán ra lần lượt 4.555 chiếc và 5.072 chiếc. Thậm chí, tháng 4 VFe34 còn dẫn đầu về doanh số trên thị trường Việt Nam, đến tháng 5 vị trí này được trao cho VF8.
VMI đã mang về 1.927 tỷ tiền đặt cọc mua BĐS
BCTC của Vingroup cũng ghi nhận 1.927 tỷ đồng tiền đặt cọc mua bất động sản của công ty VMI.
Trước đó, tháng 10/2022, ông Phạm Nhật Vượng đã sử dụng 243 triệu cổ phiếu VIC để góp vốn thành lập công ty VMI với vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng. Công ty hoạt động theo mô hình "bán lẻ" BĐS bằng cách mua các bất động sản sẵn có hoặc hình thành trong tương lai của Vinhomes, sau đó giá trị bất động sản được chia thành 200 phần. Mỗi suất có giá trị khoảng 38 triệu đồng.
Các khách hàng có thể tham gia đầu tư từng phần thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Người hợp tác với VMI được công ty chứng nhận quyền tài sản và phân chia lợi nhuận phát sinh từ quyền tài sản này tương ứng với tỷ lệ đầu tư.
Về mức lợi nhuận cam kết, tối thiểu là 9,5%/năm cho nhà đầu tư tiên phong tham gia trước ngày 30/11/2022 và mức lợi nhuận cam kết là 8,5%/năm cho những nhà đầu tư thông thường. VMI cũng bổ sung thêm lựa chọn thời hạn đầu tư là 3 năm hoặc 5 năm theo quyết định của nhà đầu tư.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI