Tên lửa của SpaceX phát nổ trên bệ phóng: Tham vọng của tỷ phú Elon Musk có bị ảnh hưởng?
Vụ nổ tên lửa của SpaceX xảy ra ngay sau khi các động cơ khai hoả, thậm chí khiến camera ghi hình bị rung lắc.
Theo Reuters, vụ nổ xảy ra vào vào ngày 12/7 khi SpaceX thử nghiệm động cơ. Cụ thể, cuộc thử nghiệm diễn ra tại cơ sở của SpaceX ở Boca Chica (Texas, Mỹ). Sự cố có thể làm trì hoãn chuyến bay phóng lên quỹ đạo của tàu vũ trụ Starship của SpaceX mà trước đó CEO Elon Musk tiết lộ sẽ diễn ra trong tháng này.
Vụ nổ xảy ra giữa một chiến dịch thử nghiệm hoả tĩnh kéo dài nhiều ngày của Raptor, động cơ mới trên tên lửa Booster 7 ở Boca Chica, Texas. Sau sự cố nổ tên lửa, SpaceX tạm thời đóng cửa bệ phóng nhằm đảm bảo an toàn. Theo tỷ phú Elon Musk, CEO của SpaceX, nhóm phụ trách thử nghiệm cũng đang đánh giá về thiệt hại.
Tên lửa đẩy Booster 7 của SpaceX phát nổ ngay trên bệ phóng. Ảnh: NASA Spaceflight
Ông Elon Musk nói trên Twitter: "Trong tương lai, chúng tôi sẽ không thực hiện việc thử nghiệm khởi động quay với tất cả 33 động cơ trong cùng một lúc".
Thử nghiệm trong ngày 12/7 được thực hiện với nguyên mẫu Booster 7 của Super Heavy. Tên lửa đẩy Booster 7 được trang bị 33 động cơ Raptor. Tuy nhiên, vụ nổ đã xảy ra ngay sau khi các động cơ khai hoả và còn khiến camera ghi hình bị rung lắc. Tên lửa đẩy khổng lồ này có vẻ không bị vỡ nhưng khoảng hơn 1 tiếng sau khi vụ nổ xảy ra, khói đen vẫn tiếp tục phun ra từ bệ phóng thử nghiệm.
Theo thông tin ban đầu, sự cố xảy ra có thể liên quan đến loại nhiên liệu lạnh mà tàu Starship dùng để cất cánh.
Sự cố xảy ra với Booster 7 có thể làm trì hoãn chuyến bay phóng lên quỹ đạo của tàu vũ trụ Starship trong tháng 7. Ảnh: Interestingengineering
CEO Elon Musk viết trên Twitter rằng: "Nhiên liệu lạnh là một thách thức bởi vì nó bốc hơi và dẫn đến nguy cơ nổ nhiệt áp ở trong khí quyển có chứa oxy như Trái Đất".
Sau khi được Cục Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp phép, vào tháng 6/2022, Elon Musk thông báo về việc tàu Starship sẽ sẵn sàng phóng vào tháng 7. Thế nhưng sự cố xảy ra trong cuộc thử nghiệm vừa qua có thể khiến kế hoạch phóng tàu Starship của SpaceX phải lùi lại.
Đây không phải là lần đầu mà SpaceX bị mất nguyên mẫu của tàu Starship. Trước đó, vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, công ty này đã mất tới 4 nguyên mẫu của Starship trong một loạt các vụ phóng thử nghiệm ở độ cao lớn.
Starship và tham vọng chinh phục không gian của Elon Musk
Starship chính là phương tiện có thể giúp con người thực hiện ước mơ tới Sao Hoả. Ảnh: Business Insider
Tàu Starship của SpaceX được tạo ra nhằm trở thành một con tàu chở hàng liên hành tinh ở trong khu vực của Hệ Mặt Trời. Đây cũng nằm trong một phần kế hoạch đưa con người đặt chân lên Sao Hoả của Elon Musk.
Cao 120 m, tàu Starship được coi là phương tiện phóng lớn nhất từng được chế tạo, thậm chí còn cao hơn Saturn (tên lửa từng chở các phi hành gia tới Mặt Trăng trong thập niên 1960, 1970) của NASA tới 9 cm. Dự kiến Starship sẽ rời khỏi bệ phóng với lực đẩy lớn gấp đôi so với tên lửa Saturn V.
Hệ thống tàu Starship gồm 2 phần là tên lửa đẩy Super Heavy với lực đẩy lên tới 75 tấn và một tàu vũ trụ cao 50 m gọi là Starship. Cả hai đều được trang bị động cơ Raptor thế hệ tiếp theo của SpaceX và thiết kế để có thể tái sử dụng một cách nhanh chóng.
Starship chính là phương tiện phóng thế hệ tiếp theo và chiếm vị trí quan trọng trong tham vọng của tỷ phú Elon Musk để biến "ước mơ" du hành vũ trụ của con người trở nên hợp lý và diễn ra một cách thường xuyên hơn.
Tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập của SpaceX, có tham vọng đưa con người lên Sao Hoả. ảnh: SpaceX/BI
Trước đó, vào năm 2019, Elon Musk cũng từng đưa ra ước tính rằng cần tới 1 triệu tấn hàng hoá để có thể xây dựng một thành phố trên hành tinh đỏ. Quá trình này sẽ ngốn từ 100 tỷ USD đến 10.000 tỷ USD.
Không chỉ là tham vọng của Elon Musk muốn đưa con người tới hành tinh đỏ mà NASA cũng đã chọn Starship để trở thành con tàu đổ bộ Mặt Trăng đầu tiên có phi hành đoàn. Đây là kế hoạch nằm trong chương trình Artemis của NASA.
Artemis là chương trình mà NASA cũng coi là dẫn đường từ Mặt Trăng tới Sao Hoả.
Con người sẽ đặt chân lên Sao Hoả trong thập kỷ này là nhận định của Gwynne Shotwell, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của SpaceX, trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào tháng 5/2022.
Bà Gwynne Shotwell, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của SpaceX, tin rằng SpaceX có thể đưa con người lên Sao Hoả ngay trong thập kỷ này. Ảnh: SpaceX
Theo bà Gwynne Shotwell, trước khi đặt chân lên Sao Hoả, con người cần đưa một lượng lớn về nhu yếu phẩm và các trang thiết bị lên hành tinh này. Thế nhưng điều này hoàn toàn có thể thực hiện. Theo bà Gwynne, trong vòng từ 5 – 6 năm nữa, mọi người sẽ thấy đó thực sự là một điểm đến khả thi.
Để thực hiện tham vọng này, SpaceX của Elon Musk đang phát triển một tổ hợp tàu vũ trụ khổng lồ có thể tái sử dụng, được gọi là Starship, nhằm mục đích đưa con người lên Mặt Trăng, Sao Hoả và các nơi khác.
Trước đó, tỷ phú Elon Musk cho biết, ông có kế hoạch đưa 1 triệu người đặt chân lên Sao Hoả vào năm 2050 và xây dựng tới 1.000 tàu Starship để chuyển chở người tới hành tinh này. Để thực hiện được tham vọng này, nhà sáng lập của SpaceX đặt mục tiêu phóng tới 3 tàu Starship mỗi ngày để phục vụ cho nhu cầu du hành vũ trụ.
Bài viết tham khảo nguồn: Reuters, CNBC, Space, Interestingengineering
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI