Tesla bất ngờ phải thu hồi gần 50.000 xe tại Trung Quốc, hoạt động kinh doanh bị cản trở, cổ phiếu rớt giá
Theo CNBC, Tesla hiện đang thu hồi 48.442 mẫu ô tô điện Model S và Model X. Đây là 2 dòng xe được sản xuất tại Mỹ và bán tại thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân của việc thu hồi là do hệ thống treo phía trước và sau có khả năng bị lỗi, khiến xe thiếu an toàn.
Đêm ngày 22/10, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường Trung Quốc đã thông báo về động thái thu hồi đối với hãng xe điện Tesla. Theo đó, giá cổ phiếu Tesla đã giảm gần 2% ở phiên giao dịch ngày hôm qua.
Trang tin về ngành sản xuất ô tô của Trung Quốc – Gasgoo, đã đưa tin về việc thu hồi sẽ bao gồm 29.193 mẫu xe Model S và Model X được sản xuất từ ngày 17/9/2013 đến 16/8/2017, cùng 19.249 xe Model S sản xuất từ ngày 17/9/2013 đến 15/10/2018. Các mẫu xe này được sản xuất tại nhà máy lắp ráp của Tesla ở Fremont (California).
Cơ quan an toàn phương tiện của Mỹ, Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA), chưa đưa ra thông báo về đợt thu hồi tương tự tại Mỹ.
Cơ quan của Trung Quốc đã yêu cầu thay thế các bộ phận liên kết phía sau của hệ thống treo trước bên trái và bên phải, cùng phía trên của hệ thống treo sau bên trái và bên phải bằng một thiết bị được nâng cấp cho tất cả các xe thuộc diện phải thu hồi. Tất cả chi phí cho việc này là hoàn toàn miễn phí cho chủ xe.
Hồi năm 2016, CEO Tesla – Elon Musk, đã phản pháo những lời phàn nàn tương tự về hệ thống treo có thể không an toàn hoặc gặp lỗi trên Model S tại Mỹ. Khi đó, ông đã chia sẻ về vấn đề này trên Twitter và trong một bài đăng trên blog của công ty rằng NHTSA "không cho rằng Model S gặp vấn đề về an toàn và không cần thêm dữ liệu của chúng tôi về vấn đề này." Ngoài ra, ông cũng cho biết các khiếu nại về vấn đề này gửi đến NHTSA chỉ là bịa đặt.
Sau vụ việc thu hồi gần 50.000 xe tại Trung Quốc, NHTSA cho biết: "Tại thời điểm này, chúng tôi không nhận được lời khiếu nại liên quan tại Mỹ. Chúng tôi đang liên hệ với Tesla và theo dõi chặt chẽ tình hình, đồng thời sẽ sẵn sàng đưa ra hành động bảo vệ công chúng trước những rủi ro không đáng có."
Trong khi đó, tại Trung Quốc, đây là lần thứ 4 Tesla phải thu hồi các dòng xe xuất khẩu từ Mỹ. Những lần thu hồi trước đó tại đây đều liên quan đến việc thay thế túi khí bị lỗi và khắc phục những vấn đề hệ thống lái. Trình bày với NHTSE, Tesla cho biết họ không đồng ý với yêu cầu từ phía cơ quan quản lý Trung Quốc, nhưng vẫn tiến hành thu hồi để tránh những áp lực về quy trình hành chính của nước này.
Hôm 24/8, Tesla đã có cuộc gặp mặt với các nhà quản lý của Trung Quốc và đồng ý tự nguyện thu hồi xe vào ngày 27/8, sau đó chính thức gửi thông báo cho họ vào ngày 28/8. Chỉ vài ngày sau, Tesla đã tiến hành thu hồi, nhưng không thông báo với các cổ đông.
Mẫu sedan Tesla Model 3 sản xuất tại Trung Quốc là ô tô chạy bằng pin bán chạy nhất tại Trung Quốc trong năm nay. Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (China Association of Automobile Manufacturers) cho biết Tesla đã bán được 79.908 chiếc Model 3 tại nước này trong 9 tháng đầu năm 2020.
Trước đó, hồi tháng 2, Tesla đã phải thu hồi 3.000 xe Model X sản xuất vào năm 2016 để sửa lỗi có thể khiến người dùng mất lái. Gao Shen – nhà phân tích ngày sản xuất, nhận định: "Việc thu hồi xe là điều bình thường, nhưng động thái của Tesla đối với các xe nhập khẩu ở thời điểm này có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Một số người có ý định mua xe Tesla sẽ nghi ngại về chất lượng của họ, dù có một số khác tin tưởng rằng xe của họ sẽ an toàn hơn khi được thu hồi."
Trong năm nay, hàng chục mẫu xe mới đã được ra mắt tại Trung Quốc, khi các nhà sản xuất ô tô điện "cây nhà lá vườn" từ BYD ở Thâm Quyến cho đến Xpeng ở Quảng Châu đang ra sức cạnh tranh để giành được sự quan tâm và thu hút ví tiền của người tiêu dùng trên toàn quốc, nỗ lực chiếm thị phần của Tesla.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"