TGĐ FPT Shop: Thị trường bán lẻ di động đã phân chia xong rồi, muốn phát triển chúng tôi phải đi khai phá vùng đất mới
Theo bà Nguyễn Bạch Điệp, các chuỗi bán lẻ đều sẽ có xu hướng phát triển đa ngành. FPT Retail cũng không nằm ngoài xu hướng này và cũng đang chuẩn bị cho những bước phát triển tiếp theo.
Khép lại năm 2016 bằng vị trí thứ 2 trên thị trường bán lẻ hàng công nghệ, doanh thu khoảng 10.700 tỉ đồng, đạt mốc 400 cửa hàng trên toàn quốc, bà Nguyễn Bạch Điệp - Tổng giám đốc FPT Retail đánh giá,
Và đó chưa phải là tất cả. Trao đổi với chúng tôi, nữ CEO này đã chia sẻ rất nhiều hướng phát triển mới đầy thú vị, trong đó FPT Shop sẽ không còn là cái tên chủ đạo duy nhất. "Trong 2 năm tới nếu tiếp tục đà phát triển này, FPT Shop sẽ ngưng mở mới các cửa hàng", bà Điệp chia sẻ.
Vậy nếu không phải là thương hiệu FPT Shop, bước tiếp theo của FPT Retail sẽ là gì?
- 2016 là một năm khá thành công với FPT Retail khi kết quả kinh doanh vượt khá xa so với mục tiêu đề ra. Kết quả này có được là nhờ hậu thuẫn lớn từ yếu tố thị trường?
Những thành quả mà FPT Retail đã gặt hái được trong năm 2016 được tổng hòa từ nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố thị trường lẫn chiến lược kinh doanh của công ty.
Tôi cho rằng, nói đến thị trường bán lẻ công nghệ cần xét đến 2 mảng chính là điện thoại và laptop. Theo số liệu từ GfK, mức tăng trưởng về số lượng trong năm 2016 như sau:
- Điện thoại: toàn thị trường tăng trưởng 9,6%, trong khi đó FPT Retail tăng trưởng 35%.
- Laptop: thị trường tăng trưởng âm ở mức 12,5%, trong khi đó FPT Retail vẫn tăng trưởng mức 19%.
Như vậy, có thể thấy rằng, bên cạnh tăng trưởng theo chiều hướng chung của toàn thị trường thì mức tăng trưởng còn lại đến từ chiến lược kinh doanh của FPT Retail. Cá nhân tôi đánh giá đó là nhờ vào sự thay đổi trong cách dịch vụ, trải nghiệm mua sắm, duy trì chất lượng sản phẩm, hậu mãi và bảo hành tốt.
- Hiện tại, thị phần của FPT Retail trên thị trường bán lẻ thiết bị công nghệ là bao nhiêu %? So với các đối thủ trên thị trường, đâu là điểm mạnh của FPT Retail?
Theo số liệu từ GfK, trong mảng điện thoại FPT Retail chiếm 18% thị phần về mặt giá trị, trong khi các chuỗi bán lẻ khác chiếm 48% thị phần. Trong mảng laptop, FPT Retail chiếm 18,2% thị phần về mặt giá trị trong khi các chuỗi bán lẻ khác chiếm 9,1% thị phần.
FPT Retail chiếm ưu thế ở phân khúc sản phẩm trung và cao cấp, do đó, đơn giá trung bình trên mỗi sản phẩm bán ra của FPT Retail luôn cao hơn so với các chuỗi bán lẻ khác.
- Hiện tại, chuỗi cửa hàng bán di động nhỏ lẻ vẫn đang chiếm một thị phần khá lớn. FPT Retail có lo sợ chính những cửa hàng nhỏ lẻ này sẽ là kẻ "giết chết" mình khi mô hình chuỗi bán lẻ hàng công nghệ thoái trào?
Theo số liệu từ GfK, các cửa hàng nhỏ lẻ hiện chiếm 17,4% thị trường bán lẻ thiết bị công nghệ.
Trong sân chơi rộng lớn của thị trường bán lẻ thiết bị công nghệ, các cửa hàng nhỏ lẻ chọn đi theo những ngách nhỏ của thị trường và hiển nhiên họ cũng có cho mình một nhóm khách hàng trung thành nhất định.
Thị trường luôn rộng mở, không dành cho riêng ai, mỗi doanh nghiệp đều có quyền khai thác thị trường chung theo cách của mình. Việc nhiều doanh nghiệp cùng tham gia vào 1 thị trường là điều tất yếu, ví như một bàn tiệc hấp dẫn cần phải có đầy đủ các món các nhau để khách chọn lựa.
Theo bà Nguyễn Bạch Điệp, thế mạnh cốt lõi của FPT Retail là know-how mở chuỗi và quản trị chuỗi bán lẻ, vì vậy FPT Retail sẽ nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư tiếp vào các chuỗi bán lẻ mới, ngành nghề mới có tiềm năng.
- Năm 2017, sau quãng thời gian mở rộng cửa hàng liên tục, một số tên tuổi hàng đầu đã cho thấy sự thay đổi trong chiến lược. Chẳng hạn, TGDĐ đang giảm dần tốc độ mở cửa hàng mới và chuyển sang đầu tư sang các lĩnh vực khác, FPT Retail có đang chuẩn bị một bước đi tương tự?
Như đã từng đề cập nhiều lần trước đây, các chuỗi bán lẻ đều sẽ có xu hướng phát triển đa ngành. FPT Retail cũng không nằm ngoài xu hướng này và cũng đang chuẩn bị cho những bước phát triển tiếp theo.
Hiện nay, thị trường bán lẻ thiết bị công nghệ đã có sự phân chia thị phần giữa các nhà bán lẻ một cách khá rõ ràng, vậy nên FPT Shop cũng đang nghiên cứu, cân nhắc và chọn lựa thêm một số lĩnh vực kinh doanh bán lẻ mới.
- Bà từng chia sẻ, nếu công ty tiếp tục đà phát triển như hiện tại, 2 năm tới FPT Shop sẽ không mở mới cửa hàng nữa, vậy động lực thúc đẩy doanh thu và quy mô của FPT Retail sẽ đến từ đâu trong giai đoạn mới này?
Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến hết năm 2016, FPT Shop đã đạt mốc 400 cửa hàng trên khắp cả nước và số các cửa hàng chắc chắn sẽ tăng thêm trong 2 năm tới. Mặc dù vậy, song song với việc phát triển thêm số lượng cửa hàng, FPT Shop cũng nghiên cứu và chọn lựa một số hướng đi mới để tạo đà tiếp tục tăng trưởng doanh thu.
- Tốc độ mở cửa hàng chậm lại có phải một phần đến từ việc tìm kiếm mặt bằng ngày càng khó khăn, thậm chí một số nơi số lượng cửa hàng đã ở mức bão hòa?
Đối với FPT Retail hay bất kỳ chuỗi bán lẻ nào, bài toán khó nhất chính là tìm kiếm mặt bằng để mở cửa hàng, cùng với yếu tố giá thuê mặt bằng.
Một cách đơn giản để FPT Retail giải bài toán khó này chính là không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, luôn làm khách hàng thỏa mãn ở mức độ cao nhất, từ đó thu hút ngày càng nhiều khách hàng đến với FPT Shop, kéo theo doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đi lên.
- Hiện tại, các ông lớn trong thị trường bán lẻ nói chung đều thi nhau mở các trang TMĐT, TGDĐ có Vuivui.com, Vingroup có Adayroi, Aeon có aeoneshop..., vậy FPT Retail có tính tới chuyện mở trang TMĐT không?
Để mở một trang TMĐT cần hội tụ nhiều yếu tố, trong đó phải đảm bảo đủ các yếu tố về đa dạng hóa ngành hàng. Do đó, nếu có mở trang TMĐT thì cũng cần phải theo đúng lộ trình.
- Doanh thu online hiện chiếm bao nhiêu % trên tổng doanh thu FPT Shop? Công ty đã chuẩn bị gì cho xu hướng mua sắm online trong thời gian tới, thưa bà?
Doanh thu online hiện chiếm 10% trên tổng doanh thu của FPT Shop. Nắm bắt được xu hướng mua sắm online sẽ phát triển trong thời gian tới, FPT Shop cũng đang đầu tư về công nghệ để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm online dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng nhất. Đảm bảo rằng, chọn mua sắm tại FPT Shop, khách hàng sẽ có những trải nghiệm đồng nhất giữa online và offline (đến mua trực tiếp tại cửa hàng).
- Xin cảm ơn bà!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"