“Thái tử” ngồi tù, Samsung có thành rắn mất đầu?

    Linh Anh, Theo Trí Thức Trẻ 

    Phó chủ tịch Jay Y. Lee, người thừa kế tập đoàn Samsung danh tiếng, vừa bị các công tố viên đặc biệt truy tố về một số tội danh, trong đó có đưa hối lộ. Nếu bị kết án, Lee sẽ phải ngồi tù nhiều năm, bỏ lại chiếc ghế quyền lực ở Samsung.

    Vị trí bất khả xâm phạm

    Năm 2014, Chủ tịch Lee Kun-hee, thế hệ lãnh đạo thứ 2 của tập đoàn Samsung , bị đau tim và phải trao quyền cho con trai độc nhất Jay Y. Lee. Khi quá trình chuyển giao quyền lực đang diễn ra, Jay Y. Lee bị bắt vì các cáo buộc đưa hối lộ cho những người thân tín của Tổng thống Park Geun-hye nhằm đổi lại những hỗ trợ trong thương vụ sáp nhập để củng cố quyền lực của Lee ở Samsung. Ngày 28/2, Lee cùng 4 quan chức cấp cao khác của Samsung chính thức bị khởi tố tội đưa hối lộ. Cả Samsung và Phó chủ tịch Lee đều phủ nhận mọi cáo buộc.

    Tuy nhiên, việc Phó Chủ tịch Jay Y. Lee bị bắt không làm Samsung chậm bước. Cổ phiếu của Samsung vẫn ổn định từ ngày 17/2, thời điểm tòa án ở Seoul ban hành lệnh bắt với Lee. Những sản phẩm mới của Samsung vẫn ra mắt đều đặn. Theo kế hoạch, ngày 29/3, Samsung sẽ ra mắt mẫu điện thoại mới nhất của mình.

    Park Ju-gun, người đứng đầu Tập đoàn Nghiên cứu CEO Score, trụ sở tại Seoul, nhận định: “Ngay cả khi người đứng đầu tập đoàn Samsung ngồi tù, sẽ không có khoảng trống quyền lực nào ở tập đoàn khổng lồ này. Lee có thể đưa ra mọi quyết sách với tập đoàn từ sau song sắt”.

    “Không người đứng đầu Chaebol nào muốn mất quyền kiểm soát đế chế của họ. Xu hướng chung là ăn cơm tù nhưng vẫn chèo lái tập đoàn với khả năng làm chao đảo nền kinh tế Hàn Quốc”, một chuyên gia nhận định.

    Jay Y. Lee cũng chẳng cần lo về nguy cơ bị anh chị em cướp mất vai trò lãnh đạo tập đoàn. “Khó mà tưởng tượng được làm sao để hạ bệ người thừa kế đã được chỉ định, ngay cả khi ông ta đang phải ngồi tù. Không quan trọng là ông ta vắng mặt bao lâu. Tất cả mọi người sẽ chỉ đợi Jay Y. Lee quay về để ngồi vào vị trí của mình”, Kim Sang-jo, giáo sư tại Đại học Hansung, nhận định.

    Loạt bê bối với người đứng đầu Chaebol

    Lee không phải người đứng đầu Chaebol đầu tiên ở Hàn Quốc gặp rắc rối với pháp luật. Chính cha của Lee, ông Lee Kun-hee, cũng từng bị kết án đưa hối lộ trong năm 1996 và trốn thuế trong năm 2008. Lee Kun-hee bị phạt tù treo nhưng nhanh chóng được Tổng thống Hàn quốc ân xá. Năm 2007, Chủ tịch Hyundai Motor Group, Chung Mong-koo cũng bị kết tội tham ô và vi phạm một số nghĩa vụ với án tù 3 năm. Tuy nhiên, bản án cũng sớm bị đình chỉ và Chung được ân xá.

    Phó chủ tịch Samsung Jay Y. Lee bị truy tố hàng loạt tội danh, trong đó có đưa hối lộ.
    Phó chủ tịch Samsung Jay Y. Lee bị truy tố hàng loạt tội danh, trong đó có đưa hối lộ.

    Bên cạnh đó, còn những tên tuổi lớn khác như Chey Tae-won, chủ tịch của SK Group, hay Kim Seung-youn, Chủ tịch Hanwha Group, cũng bị kết án tù nhưng kịch bản được ân xá nhanh chóng lặp lại. Thậm chí, việc đó diễn ra không chỉ một lần.

    Với cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào cuối năm nay, đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc đang nỗ lực kêu gọi tiến hành các biện pháp mạnh nhằm vào Chaebol, động thoái khoét sâu những thất bại của chính quyền Tổng thống Park.

    Jong-sung You, một giảng viên cấp cao của Đại học Quốc gia Australia chuyên về châu Á và Thái Bình Dương, cho rằng, phe đối lập có thể gặt hái được những thành công lớn khi đánh vào mối quan hệ giữa chính phủ với các Chaebol. “Người dân nghĩ tham nhũng và thông đồng, vốn thịnh hành trong quá khứ, sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế của Hàn Quốc về lâu dài”, Jong-sung You nhận định.

    Phó chủ tịch Samsung Jay Y. Lee bị bắt trong thời điểm kinh tế Hàn Quốc có dấu hiệu suy thoái cũng như những biến động chính trị. Trong năm 2016, thu nhập hộ gia đình chỉ tăng 0,6% so với 2015, mức tăng chậm nhất kể từ khi chỉ số này bắt đầu được ghi nhận năm 2003. Chi tiêu hộ gia đình cũng thiết lập mức độ thấp kỷ lục. Bất ổn kinh tế làm môi trường đầu tư yếu kém hơn.

    Hàn Quốc cũng cần phải giải quyết những vấn đề dài hạn như dân số già và khu vực kinh doanh vừa và nhỏ kém phát triển. Oliver Salmon, chuyên gia và cố vấn kinh tế của Oxford Economics tại Singapore, cho rằng, việc các Chaebol bóp nghẹt các công ty nhỏ hơn đang để lộ những bất cập và mô hình tăng trưởng mà Hàn Quốc đã áp dụng suốt 40 năm qua không còn hiệu quả.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ