Tham gia Chương trình QVIC 2020: mỗi start-up có thể nhận đến 2,4 tỷ đồng (100.000 USD) tiền mặt

    Quang Vũ,  

    Phần thưởng không chỉ là giá trị tiền mặt mà chính là những lợi ích rất lớn sẽ mang lại cho hệ sinh thái 5G quốc gia nói chung, cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng khi tham gia Chương trình Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2020 (Qualcomm Vietnam Innovation Challenge – QVIC 2020) tổ chức.

    Tìm kiếm và nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp

    Tại hội thảo, bà Trần Mỹ An, Giám đốc Kỹ thuật cấp cao Qualcomm tại Mỹ cho biết, Chương trình Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2020 được thiết kế nhằm tìm kiếm và nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp, hướng đến tầm nhìn thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.

    Sở dĩ chương trình tập trung vào khởi nghiệp bởi thực tế cho thấy, tất cả những ý tưởng tuyệt vời nhất trong công nghệ đều đến từ các công ty khởi nghiệp. QVIC 2020 sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo bằng cách tìm kiếm và bồi dưỡng những doanh nghiệp khởi nghiệp có những dự án sáng tạo và khai thác tốt lợi ích trên nền tảng 5G - công nghệ di động thế hệ mới đang trong giai đoạn thử nghiệm và sẽ sớm được cấp phép, thương mại hóa trong thời gian tới tại Việt Nam.

    Theo nhận định của Qualcomm, 2020 là năm phát triển của công nghệ 5G, và công nghệ này sẽ thay đổi toàn bộ các ngành công nghiệp, từ thiết bị di động đến nhà máy thông minh và các phương tiện được kết nối. Việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo công nghệ không chỉ giúp ngành công nghệ Việt Nam phát triển xa hơn mà còn giúp các công ty Việt Nam hiện thực hóa tham vọng toàn cầu.

    Tham gia Chương trình QVIC 2020: mỗi start-up có thể nhận đến 2,4 tỷ đồng (100.000 USD) tiền mặt - Ảnh 1.

    Tiến sĩ Trần Mỹ An, Giám đốc Kỹ thuật cấp cao của Qualcomm phát biểu trong sự kiện ra mắt cuộc thi vào tháng 12/2019 tại Hà Nội

    Chương trình QVIC 2020 vì vậy ưu tiên khuyến khích những ứng dụng 5G, IoT, máy học (ML), trí tuệ nhân tạo (AI), truyền thông đa phương tiện, thành phố thông minh và thiết bị đeo. Bà An nhấn mạnh, đây chính là những lĩnh vực phù hợp với năng lực và nhu cầu thực tại của Việt Nam, đồng thời cũng là thế mạnh của Qualcomm để hãng có thể đưa ra những hỗ trợ và tư vấn tốt nhất cho các start-up. Mặc dù vậy, Ban tổ chức chương trình vẫn chào đón những đề xuất khác trong những lĩnh vực khác.

    Những dự án tham gia được QVIC 2020 lựa chọn sẽ thu nhận được nhiều lợi ích vô giá mà tất cả các start-up đều mong muốn có được. Trước hết, các công ty khởi nghiệp sẽ được Qualcomm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D), được tiếp cận các nguồn công nghệ và kỹ thuật tại 3 phòng Lab R&D mà Qualcomm vừa thành lập ở Hà Nội vào tháng 6 vừa qua. Đây cũng là phòng Lab R&D đầu tiên của Qualcomm tại khu vực Đông Nam Á, có chức năng hỗ trợ những lĩnh vực như cảm biến camera, kiểm tra tương thích các thiết bị di động.... Tại đây, các chuyên gia Qualcomm sẽ đưa ra những đánh giá về phần cứng, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển và thử nghiệm sản phẩm. Bên cạnh đó, Qualcomm cũng đảm trách thêm cả phần huấn luyện và cố vấn về kinh doanh, bao gồm quản lý sản phẩm, tài chính, chiến lược gọi vốn, xây dựng mô hình kinh doanh, tạo sản phẩm khác biệt giúp các start-up có thể thành công hơn trong tương lai.

    Một lợi ích khác được đánh giá vô cùng quan trọng và cần thiết cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam khi tham gia chương trình QVIC 2020 là sẽ được Qualcomm đào tạo về sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ hiểu được những vấn đề cơ bản nhất về các loại hình sở hữu trí tuệ khác nhau, để có thể bảo vệ quyền xác minh sở hữu của mình. Tiến đến hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững của Việt Nam, bởi câu chuyện sở hữu trí tuệ chính là mấu chốt, sự bắt đầu của mọi nguồn sáng tạo. Qualcomm cũng cam kết sẽ tài trợ tối đa 115 triệu đồng ( 5.000 USD) cho mỗi công ty đăng ký bằng sáng chế với văn phòng sở hữu trí tuệ quốc gia Việt Nam.

    Tham gia Chương trình QVIC 2020: mỗi start-up có thể nhận đến 2,4 tỷ đồng (100.000 USD) tiền mặt - Ảnh 2.

    Phần thưởng bằng tiền mặt từ 240 triệu đồng (10.000 USD) đến 2,4 tỷ đồng (100.000 USD)

    Chương trình Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam sẽ lựa chọn 10 công ty vào vòng sơ tuyển, mỗi công ty sẽ nhận được 240 triệu đồng (10.000 USD) tiền mặt cho công việc hỗ trợ ươm tạo. Ba dự án xuất sắc nhất của vòng chung kết, gồm giải Nhất, Nhì, Ba sẽ lần lượt nhận được các mức thưởng 2,4 tỷ đồng (100.000 USD), 1,7 tỷ đồng (75.000 USD) và 1,1 tỷ đồng (50.000 USD) tiền mặt. Bà An cũng nói rõ, Qualcomm cam kết phần thưởng này sẽ không ràng buộc bất cứ lợi ích gì trong các vấn đề liên quan đến tài sản sở hữu trí tuệ của công ty.

    Các dự án được lọt vào vòng trong còn có cơ hội được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, hội chợ triển lãm hay các chương trình của Qualcomm. Sâu sát hơn, thậm chí với những start-up ở khu vực phía Nam, nếu được chọn sẽ được chương trình hỗ trợ chi phí đi lại trong thời gian thực hiện kiểm tra, thử nghiệm sản phẩm tại Phòng Lab R&D của Qualcomm tại Hà Nội.

    Chương trình Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam dành cho tất cả mọi công ty khởi nghiệp tham gia, kể cả cá nhân. Tuy nhiên đối với cá nhân muốn tham gia vẫn phải có pháp nhân là công ty đăng ký tại Việt Nam.

    Thời hạn đăng ký tham gia chương trình trước đây là cuối tháng 7/2020. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Ban tổ chức đã quyết định mở rộng, dời thời hạn đăng ký đến hết ngày 30/9/2020. Những start-up nào đã nộp hồ sơ có thể thay đổi, điều chỉnh, bổ sung hồ sơ trong thời hạn mới này.

    Các start-up có thể đăng ký lịch hẹn với Ban tổ chức QVIC 2020 để tìm hiểu thêm về chương trình, hoặc cần hỗ trợ về hồ sơ đăng ký, tư vấn kỹ thuật hay bất cứ thắc mắc nào. Website chương trình tại đây https://www.qualcomm.com/company/locations/vietnam/vietnam-innovation-challenge.

    Danh sách 10 công ty vào vòng sơ tuyển sẽ được thông báo vào đầu tháng 11/2020; giai đoạn ươm tạo từ tháng 11/2020 đến tháng 8/2021. Vòng chung kết sẽ diễn ra cuối năm 2021.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày