Thảm kịch tại một trong những tập đoàn lớn nhất Nhật đến từ đâu?

    Trung Mến, Theo Bizlive 

    Phải tuân thủ quá nhiều chính sách từ nhà nước, tập đoàn Toshiba không thể tự quyết định về nhiều công việc kinh doanh của mình.

    Cuối cùng, Toshiba đã đạt được thỏa thuận để bán bộ phận kinh doanh chip, nhưng từ trước đó, tập đoàn đầy vấn đề này đã mất quá nhiều thời gian mới vượt qua được khủng hoảng.

    Đã hai năm trôi qua kể từ khi tập đoàn một thời dẫn đầu sự phát triển hạ tầng và thiết bị gia đình của Nhật phải đối đầu với bê bối sổ sách kế toán, mọi chuyện vẫn quá khó khăn. Người ta tự hỏi tấn bi kịch này đến từ đâu? Bài báo mới đây trên Nikkei đã đi sâu lý giải cho câu chuyện này.

    Quy trình ra quyết định bất thường

    Trong các cuộc thỏa thuận về việc bán bộ phận kinh doanh chip nhớ, chủ tịch Toshiba, ông Satoshi Tsunagawa, thường nói: “Chúng tôi không thể tự quyết định được công việc của mình.” Điều đó lý giải tại sao người ta liên tiếp đặt câu hỏi tại sao Toshiba không bán bộ phận chip nhớ ngay từ đầu. Ban lãnh đạo của Toshiba phải làm việc với quá nhiều bên, từ văn phòng Thủ tướng Nhật, cơ quan giám sát và các ngân hàng.

    Người ta không khỏi đổ lỗi cho các đời chủ tịch tiền nhiệm của Toshiba bao gồm ông Atsutoshi Nishida, Norio Sasaki và Hisao Tanaka, thế nhưng ngay cả khi các ông này đã từ chức hết, Toshiba vẫn gặp vấn đề về quản trị.

    Cả ba vị chủ tịch này đều đã phải đối diện với nhiều vụ kiện ở nhiều tòa án trên khắp nước Nhật. Thế nhưng bê bối sổ sách kế toán dưới thời của họ, Toshiba thừa nhận đã khai khống lợi nhuận thêm hơn 230 tỷ yên tức khoảng 2 tỷ USD, cũng chỉ là khởi đầu của câu chuyện. Từ khi ba giám đốc trên nghỉ hưu, tập đoàn đã đối diện với khoản lỗ khoảng 1 nghìn tỷ yên liên uan đến chi nhánh điện hạt nhân Westinghouse Electric tại Mỹ.

    Khi Toshiba bán xong bộ phận chip nhớ, hãng sẽ không còn nhiều hoạt động kinh doanh có đủ khả năng vực hãng dậy. Đó là còn chưa kể đến việc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật mới đây đã thành lập một bộ phận riêng để giải quyết vụ việc liên quan đến Toshiba và nhiều khả năng sẽ tiếp tục muốn nắm thêm quyền kiểm soát với tập đoàn này.

    Hoạt động quản lý chồng chéo

    Cho đến bây giờ, sau nhiều năm, người ta không thể quên cuốn sách “Thảm kịch của Toshiba”. Vào đầu thập niên 1960, ông Taizo Ishizaka, một nhân vật nổi tiếng trong giới kinh doanh lên làm chủ tịch Toshiba, khi đó ông đã xung đột quan điểm với một vị chủ tịch khác đã làm cho Toshiba cả cuộc đời ông.

    Mâu thuẫn quá lớn, lợi nhuận của Toshiba sụt giảm thê thảm. Theo cuốn sách trên lý giải, đằng sau cuộc đấu tranh nội bộ tập đoàn chính là cấu trúc quản lý phân quyền, chồng chéo và dựa dẫm quá nhiều vào chính phủ. Cho đến nửa thế kỷ sau, câu chuyện tương tự vẫn đang diễn ra.

    Toshiba quá dễ chịu tác động từ sự can thiệp của phía các ngân hàng, chính trị gia và các nhân vật quyền lực trong giới kinh doanh Nhật. Điều này cũng có lý do của nó.

    Hiện tại, hơn nửa doanh thu của Toshiba đến từ việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các nhà máy điện, chính quyền nhiều tỉnh cũng như Bộ Quốc phòng Nhật. Khi tập đoàn sản xuất các thiết bị điện, thiết bị đươc thiết kế bởi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật và công ty điện TEPCO – công ty hiện đang vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

    Và cũng chính bởi sự tác động từ chính phủ mà vào năm 2016, tập đoàn chấp nhận thâu tóm công ty điện Westinghouse dưới thời chủ tịch Nishida.

    Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima tháng Ba năm 2011 đã mang đến cho Toshiba cơ hội thay đổi. Thế nhưng thay vào đó, tập đoàn vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân, tập đoàn không thể từ chối yêu cầu từ phía chính phủ Nhật.

    Toshiba trở thành một tập đoàn chuyên thực thi chính sách của nhà nước, phụ thuộc vào ngân sách nhà nước để duy trì các hoạt động kinh doanh thiếu hiệu quả như màn hình tinh thể lỏng, các vụ mua bán và thâu tóm doanh nghiệp ở nước ngoài.

    Tăng quy mô nhưng không cải thiện về chất?

    Ngành sản xuất thiết bị và ô tô của Nhật từng dẫn đầu xuất khẩu của Nhật, thế nhưng nay chính Nhật cũng đang nhập khẩu rất nhiều loại thiết bị khác nhau. Việc xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân mang đến một kênh hấp dẫn để kích thích xuất khẩu tăng trưởng. Việc Toshiba mở rộng hoạt động ra nước ngoài chỉ mang lại những thay đổi về quy mô chứ không mang đến sự thay đổi về chất cho tập đoàn.

    Hai mươi năm trước đây, công ty chứng khoán Yamaichi, một trong bốn công ty chứng khoán lớn nhất Nhật ở thời điểm đó, đã cố gắng giấu lỗ bằng mọi thủ thuật tài chính. Câu chuyện trên cho thấy hoạt động quản trị doanh nghiệp ở Nhật còn quá nhiều khuyết điểm.

    Những gì đang xảy ra ở Toshiba cho thấy những vấn đề trước giờ vẫn còn nguyên và nó cho thấy người Nhật đang không thể tạo ra được những ngành tăng trưởng mới, Nhật thua thiệt hoàn toàn so với Mỹ khi nước Mỹ bước tiếp mạnh mẽ với ngành công nghệ thông tin.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ