Tham vọng công nghệ Trung Quốc đang đặt lên vai "vị phù thủy" ngành chip 70 tuổi này
(Tổ Quốc) - Được xem như phù thủy trong ngành bán dẫn, ông Liang Mong Song đang dẫn dắt hãng đúc chip hàng đầu Trung Quốc đạt tới các cột mốc mới trong ngành bán dẫn.
Năm 2015, hãng điện tử Samsung Electronics gây chấn động thế giới khi cho biết đã sản xuất được chip 14nm, ngang hàng với những loại chip cao cấp nhất thế giới lúc đó. Còn đến mùa hè năm nay, hãng đúc chip Trung Quốc SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corp) cũng thu hút sự chú ý của thế giới với các báo cáo cho thấy họ đã sản xuất được chip 7nm dù không có những máy quang khắc hiện đại nhất thế giới.
Phía sau cả 2 sự kiện chấn động thế giới đó lại là cùng một người huyền thoại nổi tiếng của ngành chip thế giới nhưng lại hiếm người biết đến: ông Liang Mong Song.
Vào thời điểm dẫn dắt bộ phận phát triển chip của Samsung đạt được bước đột phá, ông Liang đã 70 tuổi và giờ đây ông đang là người lãnh đạo hoạt động của SMIC tại Thượng Hải. Ngay từ buổi đầu trong sự nghiệp của mình, ông Liang đã là một trong các ngôi sao của TSMC, một trong các đối tác quan trọng nhất của những hãng điện tử toàn cầu như Apple.
Đối với những người trong ngành bán dẫn, ông Liang được xem như một phù thủy với chiếc đũa thần, có khả năng biến những công ty đang lụn bại thành những nhà vô địch. Đối với những người biết ông, ông Liang được xem như một người cứng đầu, có xu hướng lao vào các cuộc xung đột để cuối cùng lại rời khỏi tổ chức của mình như một người tự do.
SMIC đã mời được ông về lãnh đạo công ty mình 5 năm trước và còn giữ chân bằng cách đưa ông vào trong hội đồng quản trị để dẫn dắt công ty hàng đầu Trung Quốc này trở thành một trong những công ty bán dẫn hàng đầu thế giới.
Chiếc đũa thần của ông Liang dường như lại phát huy hiệu quả một lần nữa. Gần đây, báo cáo của hãng TechInsights cho biết, hãng SMIC đã tạo ra được chip 7nm dùng cho máy đào Bitcoin. Thành tích này giúp SMIC thu hẹp khoảng cách với những hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới hiện nay như Intel, TSMC và Samsung.
Đáng kể hơn, bước phát triển này của SMIC đạt được khi công ty này vẫn đang phải đối phó với lệnh trừng phạt do chính phủ Mỹ áp đặt. Chính vì vậy, SMIC không được tiếp cận với các máy quang khắc hiện đại nhất hiện nay và chỉ có thể tận dụng các máy quang khắc đời cũ để sản xuất các con chip mới này.
Một phù thủy mà mọi công ty đều thèm khát
Là người có bằng tiến sĩ từ Đại học California, ông Liang đã xuất bản hơn 350 bài viết kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực bán dẫn. Ông gia nhập TSMC từ năm 1992, chỉ một vài năm sau khi hãng đúc chip này được thành lập và giúp biến công ty thành một trong những hãng gia công chip lớn nhất thế giới.
Richard L. Thurston, cựu CEO của TSMC, người từng làm việc với ông Liang cho biết: "Ông ấy là một nhà khoa học và là một kỹ sư tài năng. Một người có trí nhớ tuyệt vời và làm việc rất có phương pháp."
Năm 2003, TSMC trở nên nổi tiếng thế giới với phương pháp sử dụng đồng điện trở thấp trong một số kết nối nhất định để tạo ra các con chip nhỏ hơn. Trong thông cáo báo chí của TSMC về sự kiện này, tên của ông Liang đứng thứ hai trong danh sách những người đóng góp cho thành công đó – sau sếp cũ của ông lúc đó, ông Chiang Shang-Yi.
Những người từng làm việc với ông Liang khi đó đều cho biết ông là một người nghiện công việc một cách nghiêm túc và khả năng chú ý đến từng chi tiết. Trong khi hiểu rằng thu nhỏ chip là cách tốt nhất để gia tăng hiệu năng của chúng, ông Liang tin rằng những người khác ở TSMC đang dành quá nhiều sự chú ý cho những dự án khác. Điều này dẫn đến các cuộc xung đột trong công ty và cuối cùng là sự ra đi của ông vào năm 2009.
Năm 2011, Samsung cho biết, họ đã mời được ông Liang về bộ phận đúc chip của mình và chỉ trong vòng vài năm sau đó, công ty Hàn Quốc đạt được bước nhảy vọt về công nghệ đúc chip, đưa họ lên ngang hàng với các công ty hàng đầu trong giới công nghệ. Đầu năm 2015, hãng TSMC thừa nhận Samsung đã đi trước họ một chút trong khả năng tạo ra các chip nhỏ nhất thế giới vào thời điểm đó.
Theo nhiều người thân cận với sự việc, các lãnh đạo của TSMC không chỉ kinh ngạc mà còn thất vọng về việc ông Liang chuyển sang làm việc cho Samsung. TSMC phát đơn kiện ông Liang với các cáo buộc về việc tiết lộ công nghệ độc quyền của công ty và làm việc cho Samsung sớm hơn 2 năm trước khi hết hạn hợp đồng.
Vào tháng 8 năm 2015, Tòa án tối cao Đài Loan phán quyết có lợi cho TSMC, cấm ông Liang làm việc cho Samsung cho đến cuối năm đó. Một đại diện của Samsung sau đó cho biết, ông Liang đã rời khỏi công ty trong năm 2015 và từ chối bình luận về vụ kiện.
Nhưng ông Liang cũng không phải chờ lâu. Điểm đến tiếp theo của ông là SMIC, hãng đúc chip hàng đầu Trung Quốc với tham vọng không chỉ bắt kịp những người khổng lồ khác trên thế giới mà còn lãnh trách nhiệm đưa Trung Quốc thoát khỏi phụ thuộc vào nước ngoài về công nghệ đúc chip. Năm 2017, ông Liang được SMIC chỉ định làm đồng CEO cũng như có chân trong hội đồng quản trị công ty.
Theo các chuyên gia trong ngành, kể từ khi ông Liang đặt chân đến SMIC, hãng đúc chip Trung Quốc đã cải thiện đáng kể sản lượng hiệu quả trong sản xuất chip hàng loạt và thu nhỏ kích thước con chip đến những tiến trình mà các đối thủ TSMC và Samsung đã từng làm được.
Xung đột không thể hòa giải với sếp cũ
Theo nhiều nguồn tin, các nỗ lực thúc đẩy SMIC hướng tới những tiến trình nhỏ hơn của ông Liang lại một lần nữa khiến ông đối đầu với các lãnh đạo khác và cổ đông của SMIC – những người muốn tập trung sản xuất các chip công nghệ thấp hơn nhưng có lợi nhuận cao hơn.
Các tranh cãi bùng phát vào cuối năm 2020 khi ông Liang phàn nàn rằng mình không được hỏi ý kiến về quyết định đưa ông Chiang, sếp cũ của ông tại TSMC, về làm Phó chủ tịch SMIC. Ông đã bày tỏ sự bất bình sâu sắc của mình trong một bức thư tuyên bố từ chức đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
"Trong thâm tâm, tôi cảm thấy mình không còn được tôn trọng và tin tưởng và tôi cảm thấy rằng các bạn không còn cần tôi ở đây để tiếp tục chiến đấu cho tương lai của công ty." Ông Liang cho biết trong bức thư. Ông cho biết, mình đã dẫn dắt một nhóm 2.000 kỹ sư đang hoàn thành việc phát triển công nghệ 7nm tại SMIC.
Hiện tại, 2 năm sau các tranh cãi đó, SMIC đã đạt tới việc sản xuất chip 7nm. Ông Liang vẫn ở lại công ty, nhưng sếp cũ của ông lại không còn ở SMIC nữa. Năm 2021, ông Chiang tuyên bố nghỉ việc ở SMIC và trong một cuộc phỏng vấn mới đây của mình, ông cho biết, mình ra đi vì cảm thấy không được sự tin tưởng của chính quyền và rằng, gia nhập SMIC là một trong những quyết định sai lầm của ông.
Tham khảo WSJ, SCMP, ResearchGate
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"