Vào mùa mua sắm cao điểm cuối năm, nhu cầu mua trả góp smartphone, tablet, tivi… tăng cao. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ lưỡng, người vay mua tiêu dùng sẽ rất dễ mắc bẫy lãi suất cao, lên tới 6-6,5% mỗi tháng thay vì từ 1-2% như tư vấn ban đầu của công ty tài chính.
Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, trong năm 2015, tranh chấp về dịch vụ tín dụng tiêu dùng là một trong những nội dung khiếu nại được tiếp nhận nhiều nhất.
Phản ánh của người tiêu dùng cho thấy, khi ký kết, nhân viên thường giải thích qua loa nội dung hợp đồng sau đó nhanh chóng đề nghị người tiêu dùng ký; khi ký kết trên hợp đồng có khi để khoảng trống, chỉ khi được cung cấp hợp đồng sau khi đã ký kết, người tiêu dùng mới phát hiện thấy thông tin về mức lãi suất thường từ 6-6.5%/tháng, thay vì từ 1-2%/tháng như tư vấn ban đầu.
Nhu cầu mua trả góp smartphone, tablet, laptop... tăng cao các dịp cao điểm. Ảnh: H.P.
Bên cạnh đó, khi xảy ra tranh chấp, việc liên hệ và phản ánh tới công ty cung cấp dịch vụ (thường là các công ty tài chính) rất khó khăn và tốn kém: tổng đài liên tục bận; lời thoại hướng dẫn rất dài; chỉ tiếp nhận phản ánh qua điện thoại, không hỗ trợ tiếp nhận trực tiếp tại văn phòng công ty hoặc email… Chính việc kéo dài thời gian giải quyết như vậy sẽ phát sinh thời gian, qua đó, làm tăng số tiền phạt mà người tiêu dùng phải nộp cho công ty trong một số vụ việc.
Khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng, thậm chí là người thân, đồng nghiệp của người tiêu dùng liên tục bị các số máy lạ gọi điện, nhắn tin từ 6h sáng tới 9-10h tối để giục đóng tiền nợ. Rất nhiều cuộc gọi điện bao gồm cả việc đe dọa, sử dụng từ ngữ "chợ búa", giang hồ để thách thức người tiêu dùng.
Trước thực trạng trên, ngay từ giữa năm 2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã cảnh báo người tiêu dùng lưu ý khi tham gia các hợp đồng tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế số vụ việc người tiêu dùng khiếu nại trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục có xu hướng tăng cao.
Doanh nghiệp cho vay tiêu dùng có thể duyệt hồ sơ rất nhanh, tuy nhiên nếu không kiểm tra kỹ, người tiêu dùng có thể mắc bẫy lãi suất cao. Ảnh: H.P.
Theo phân tích của Cục Quản lý cạnh tranh, tâm lý của người đi vay thường chỉ chú trọng vào việc được vay nên thường bỏ qua hoặc không chú ý tới các điều khoản, điều kiện của hợp đồng, chỉ đến khi xảy ra tranh chấp và được cung cấp các hợp đồng đã ký kết thì người vay mới nhận thức được các yếu tố ràng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Khi đó, rất khó có thể bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng vì hợp đồng đã được ký kết, hiệu lực thi hành đã được áp dụng.
Nhằm cảnh báo người tiêu dùng trước khi thực hiện các hợp đồng tín dụng tiêu dùng, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán - mùa mua sắm cao điểm cuối năm, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo người tiêu dùng khi quyết định vay cần đảm bảo tính ổn định của thu nhập, ít nhất trong toàn bộ thời hạn của khoản vay, chỉ khi thật sự cần thiết thì mới vay tiêu dùng vì lãi suất của các khoản vay tiêu dùng là rất cao.
Khi quyết định vay, người tiêu dùng nên cân nhắc, tham khảo thông tin từ nhiều nguồn để lựa chọn đơn vị cho vay tiêu dùng. Hiện nay, có nhiều công ty tài chính cung cấp khoản vay tiêu dùng với thủ tục đơn giản, thời gian nhanh gọn nhưng để không mắc bẫy, người tiêu dùng có thể tham khảo thông tin về hoạt động của đơn vị thông qua website hoặc qua người thân, bạn bè, liên hệ tới Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 để được tư vấn thông tin.
Cùng đó, trước khi đặt bút ký hợp đồng vay tiền phải làm rõ những nội dung trong hợp đồng nhằm đảm bảo đã hiểu rõ hợp đồng, tránh các trường hợp nhầm lẫn, bị tư vấn thông tin chưa đầy đủ, chính xác, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề lãi suất vay, đề nghị nhân viên ghi rõ mức lãi suất trên hợp đồng trước khi ký.
Đáng chú ý, ngoài mức lãi suất phải trả hàng tháng, một số hợp đồng có thể phát sinh các khoản phí, chi phí khác. Ví dụ, phí mua bảo hiểm cho khoản vay. Các khoản phí này có thể được tính gộp vào khoản tiền phải trả hàng tháng của người tiêu dùng. Vấn đề quan trọng là người tiêu dùng phải được thông tin về các khoản phí này. Để bảo vệ quyền lợi, người tiêu dùng nên đề nghị nhân viên nêu rõ các khoản phí có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Về lãi phạt, mức phạt trong các hợp đồng tín dụng tiêu dùng thường rất cao và rất chặt chẽ. Tuy nhiên, nhân viên tư vấn thường bỏ qua nội dung này. Để hiểu rõ các hành vi có thể dẫn tới mức phạt, người tiêu dùng đề nghị nhân viên chỉ rõ nội dung quy định về lãi phạt, cách thức tính lãi phạt, hình thức thông báo cho người tiêu dùng khi bị phạt.
Liên quan đến thời hạn trả nợ và phương thức trả nợ, cần đề nghị nhân viên chỉ rõ thời gian phải trả nợ định kỳ. Người tiêu dùng cũng cần lưu ý một số vấn đề, ví dụ, nếu ngày trả nợ trùng với ngày nghỉ lễ, ngày cuối tuần (thứ Bảy, Chủ nhật) thì hợp đồng sẽ quy định thế nào; việc chuyển khoản giữa các ngân hàng khác nhau có thể sẽ mất thời gian 1 hoặc 2 ngày làm việc, việc này có thể dẫn tới tiền báo có vào tài khoản công ty sẽ bị chậm, gây ra các rắc rối.
Người tiêu dùng hiện đang có tranh chấp liên quan đến dịch vụ tín dụng tiêu dùng có thể liên hệ Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng miễn phí thuộc Cục Quản lý cạnh tranh: 1800.6838 để được tư vấn và hỗ trợ giải quyết khiếu nại.
Theo ICTNews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI