Thành công bất ngờ của một sản phẩm Táo và hiện thực chua chát của tai nghe cao cấp
Đại đa số người dùng phổ thông, miếng ăn lớn nhất mà nhà sản xuất nào cũng thèm muốn, thực tế lại chẳng thèm quan tâm đến chất lượng âm thanh.
Trái với những gì bạn nghĩ, AirPods của Apple đang âm thầm trở thành sản phẩm... "hot" nhất của thế giới tai nghe. Business Insiders khẳng định AirPods là 1 trong 4 sản phẩm công nghệ phải có trong năm 2017, bên cạnh Nintendo Switch, PlayStation 4 và Amazon Echo. Trong bài đánh giá, Mashable trầm trồ "AirPods là những chiếc tai nghe tuyệt hảo". Barrons tuyên bố AirPods là tương lai công nghệ. Còn nhiều nhà đầu tư được Investors dẫn lời lại dám tin rằng AirPods sẽ sớm đạt doanh số cao gấp 3 lần Apple Watch. Vừa mới đây, Apple AirPods nhận được điểm hài lòng cao nhất từ khách hàng.
Quan trọng nhất, AirPods thường xuyên cháy hàng.
Vậy tại sao AirPods thành công? Câu trả lời nằm ở khả năng tối ưu trải nghiệm lên tới mức thượng thừa của Apple. Kết nối AirPods với iPhone, iPad và chuyển đổi giữa các thiết bị này dễ dàng hơn tai nghe Bluetooth rất nhiều. Số thao tác của người dùng được giảm đến mức tối đa khi chỉ cần tháo tai nghe ra khỏi hộp là tự động bật; tháo tai nghe ra khỏi tai là nhạc tự động dừng. Quá trình giao tiếp giữa người dùng và Siri trở nên dễ dàng (và bớt kỳ cục) hơn rất nhiều khi được thực hiện qua AirPods. Và dù rất nhẹ ký nhưng AirPods lại có pin "trâu" đến mức đáng ngạc nhiên.
Vấn đề là ở chỗ AirPods có mức giá cao gần 6 lần so với EarPods nhưng chất lượng âm thanh chỉ ngang ngửa cặp EarPods có giá 30 USD. Cùng một khoản tiền mua AirPods hoặc thêm chỉ 10-30 USD, bạn có thể sở hữu rất nhiều mẫu tai nghe huyền thoại: AKG Q701, Grado SR225e, Audio Technica ATH-AD900X, Sony MA900, Sennheiser HD598... Danh sách những chiếc tai nghe có giá xêm xêm nhưng lại "nghe hay" hơn hẳn AirPods không dừng lại ở đây.
Nói cách khác, phần đông người tiêu dùng và báo giới công nghệ vẫn chẳng mảy may quan tâm đến chất lượng âm thanh. Trải nghiệm sử dụng mới là yếu tố quan trọng nhất.
Nhưng nếu chịu khó quan sát thị trường tai nghe thì chắc bạn cũng sẽ không cảm thấy quá bất ngờ về hiện tượng này. Nhiều tên tuổi lớn như Fostex, Grado vẫn chưa phải là những thương hiệu "ai ai cũng biết" như Samsung hay Apple. Thương hiệu tai nghe ai cũng có thể kể tên là Beats By Dre nổi danh vì lôi cuốn được quá nhiều "sao" vào quảng cáo chứ không phải là vì chất âm nổi trội.
Âm thanh cao cấp cũng có rất ít ảnh hưởng trên smartphone. Trong vòng 1, 2 năm gần đây, một số nhà sản xuất cũng đã bắt đầu đề cập tới khái niệm "DAC" (bộ giải mã tín hiệu số sang tín hiệu analog) để khoe khoang về chất lượng âm thanh của mình. Nhưng đó không phải là một chiêu bài hiệu quả: LG, tên tuổi có thể coi là khai phá ra trào lưu này, đã liên tiếp gặp thất bại trước các đối thủ sừng sỏ như Apple và Samsung chỉ vì thua kém các tính năng smartphone thông thường. Những chiếc smartphone module, vốn thường bao gồm cả DAC gắn ngoài, cũng chết bất đắc kỳ tử trong năm 2016 ảm đạm.
Nhìn chung, các thương vụ hợp tác giữa các hãng smartphone và các thương hiệu tai nghe cao cấp vẫn thường không hiệu quả. Lý do là vì người dùng phổ thông không mấy quan tâm đến chất lượng âm thanh. Nếu một người tiêu dùng đã thích chiếc smartphone nào đó thì sự có mặt của các thương hiệu âm thanh như AKG hay B&O hay của một bộ DAC cao cấp sẽ giúp cho sự lựa chọn của họ càng trở nên chắc chắn, nhưng chỉ âm thanh không thôi là không đủ để xoay chuyển quyết định mua sắm của nhiều người.
Và đó là còn chưa kể tới các sản phẩm "smartphone chuyên nghe nhạc" như Marshall London: với điểm review thảm họa trên Amazon, chất âm chắc chắn là vượt trội của chiếc điện thoại này không thể thuyết phục người dùng rằng âm thanh cao cấp là đủ để cấu hình tầm trung có thể sánh bước với Galaxy S6.
Mở rộng ra ngoài thế giới smartphone, vai trò mờ nhạt của chất âm càng trở nên rõ ràng. Thương hiệu loa gây được nhiều tiếng vang nhất tại Mỹ trong những năm gần đây là Sonos thu hút được sự chú ý nhờ ý tưởng kết nối tiện dụng, dễ dàng qua Bluetooth. Amazon Echo, chiếc loa đình đám nhất của cả thế giới công nghệ cũng vươn lên đỉnh cao bằng trợ lý ảo chứ không phải nhờ âm nhạc.
Kết quả là sản phẩm tai nghe "hot" nhất tại thời điểm hiện tại lại đến từ một hãng điện tử không hề nổi danh về chất lượng âm thanh! Lý do để chiếc tai nghe đó trở nên "hot" cũng chẳng dính dáng gì đến âm thanh cả. Đây sẽ là một câu chuyện đau lòng cho các tín đồ và cũng là một bài học khó chịu cho các thương hiệu tai nghe cao cấp: nếu muốn tạo ra những sản phẩm âm thanh thành công, "âm thanh" không phải là chìa khóa.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín