Thành công của Pokémon GO không phải là may mắn nhất thời, đó là sự cố gắng không ngừng nghỉ suốt 20 năm qua
Bạn nghĩ rằng tự nhiên mà chỉ sau một đêm, Pokémon Go trở thành hiện tượng toàn cầu? Hãy nghe câu chuyện của John Hanke, cha đẻ tựa game này để thấy sự cố gắng không ngừng nghỉ suốt 20 năm qua của anh đã được đền đáp như thế nào.
Quay lại hai năm ba tháng, vào ngày 31 tháng 5 năm 2014, người ta thấy một đoạn trailer ngắn về một game Pokémon mà người chơi có thể tương tác được với thế giới thực, gặp gỡ những người huấn luyện Pokémon khác, một ý tưởng đã làm toàn bộ thế giới sửng sốt và hứng thú rồi người ta chợt nhận ra, đó là một trò đùa Ngày Cá tháng Tư của Google Maps. Chỉ là một trò đùa thôi, nhưng người chơi toàn thế giới vui vẻ đón nhận nó, bởi lẽ đa số thế hệ ấy có một tuổi thơ gắn với Pokémon.
Và rồi, mười tháng trước, ngày mùng 10 tháng 9 năm 2015, ta nhìn thấy trailer đầu tiên của tựa game Pokémon Go. Lúc ấy, mạng internet dường như vỡ tung vì sung sướng, ước mơ bắt Pokémon ngoài đời thực của cái thế hệ tuổi thơ kia, cũng là ước mơ của những Pokémon trainer trẻ tuổi hơn, đã thành sự thực.
Mọi người kiên nhẫn, nín thở chờ đợi ngày Pokémon GO ra mắt.
Và ngày ấy đã đến, ngày mùng 6 tháng 7 năm 2016, Pokémon GO chính thức phát hành.
Lại một lần nữa, toàn bộ internet vỡ òa với hàng ngàn hàng triệu post, hình ảnh đầu tiên cũng như những con Pokémon đầu tiên xuất hiện, trở thành một trào lưu cuốn hút mọi người mọi lứa tuổi: từ những lão làng Pokémon thuộc từng chỉ số từng kĩ năng của Pokémon, cho tới những bạn chỉ biết tới Pikachu cũng say mê cầm điện thoại đi khắp phố lùng tìm bằng được cho mình một con Pokémon. Chỉ nhiêu đó thôi, ta có thể thấy được sức hút của series Pokémon đã 20 năm tuổi lớn mức nào.
Và chỉ trong một tuần ngắn ngủi ấy, Pokémon GO đã xô đổ mọi kỉ lục: hơn 10 triệu lượt tải về trong tuần đầu tiên, vượt mặt Twitter với số lượng người sử dụng hoạt động hàng ngày, và có một số lượng người sử dụng trung bình nhiều hơn cả Facebook, Snapchat, Instagram và WhatsApp.
Từ đâu mà chỉ sau một đêm, John Hanke, cha đẻ của Pokémon Go có được sự thành công ấy? Nhiều người so sánh Pokémon GO với Flappy Bird, thành công chỉ sau 1 đêm và phần nhiều dựa vào "may mắn".
Nhưng không! Nếu bạn đọc bài viết này, nghe quá trình 20 năm trời thai nghén ý tưởng để có 1 sản phẩm thành công, bạn sẽ hiểu đó hoàn toàn không phải may mắn.
Dưới đây là 10 lần "level up", 10 điểm sáng, 10 lần Hanke đã đánh dấu mốc cho chặng đường sự nghiệp của mình:
Lần đầu tiên
Vào năm 1995, khi chỉ còn là một sinh viên, John đã đồng sáng lập ra game MMO (massively multiplayer online game – game trực tuyến nhiều người chơi khổng lồ) mang tên Meridian 59, game MMORPG đầu tiên trên thế giới. Sau đó, Hanke bán tựa game này cho 3DO và bước tiếp tới ước mơ lớn hơn: vẽ lại bản đồ toàn thế giới.
Lần thứ hai
Năm 2000, John lập nên công ty Keyhole, đưa ra cách thức kết nối bản đồ với công nghệ chụp ảnh từ trên cao. Đó chính là bản đồ 3D trực tuyến từ trên không, có kết nối GPS đầu tiên trên thế giới.
Lần thứ ba
Năm 2004, Google mua lại Keyhole, và với sự trợ giúp của John, họ góp sức biến dự án Keyhole thành thứ mà ngày nay chúng ta gọi là Google Earth. Đạt được thành công với Google Earth, John tiếp tục tập trung vào việc tạo nên một game dựa trên hệ thống bản đồ GPS mà chính ông đã góp tay xây dựng.
Lần thứ tư
John điều hành đội ngũ Google Geo từ năm 2004 tới năm 2010, trình làng hai đứa con là Google Maps và Google Street View. Trong khoảng thời gian sáu năm ấy, ông thu thập được một đội ngũ mà sau này, chính họ đã tạo nên Pokémon Go.
Lần thứ năm
Năm 2010, được tài trợ bởi Google,, John bắt đầu dự án Niantic Labs, để tạo nên một nền tảng game dựa trên bản đồ ảo, John giải thích lý do tại sao ông lại gọi nó là Niantic:
“Niantic là tên gọi của một chiếc tàu săn cá voi vào thời đại của cơn sốt vàng California, qua nhiều biến cố sóng gió, con tàu ấy dạt vào bờ. Không riêng gì Niantic mà nhiều con tàu khác cũng vậy. Và sau nhiều năm, thành phố San Francisco được xây nên chính những phần còn lại của những con tàu ấy, bạn có thể đang đứng bên trên chúng mà bạn lại không hề biết điều đó. Chính ý tưởng của tôi là như vậy đó, có những thứ rất tuyệt, nhưng mặc dù nó được quảng bá rộng rãi, bạn rất khó biết được khi nào nó đã tới được điểm thành công của nó”.
Lần thứ sáu
Năm 2012, Niantic lần đầu tiên tạo nên game MMO dựa trên bản đồ địa lý, tựa game mang tên “Ingress”. John giải thích: “Với tựa game này, hoạt động của người chơi dựa vào điện thoại của bạn, toàn bộ được đặt lên một thế giới tương tác ảo dựa vào những khu vực địa lý thật. Tôi đã luôn mơ về một game như thế trên quãng đường di chuyển giữa công sở và nhà mình”.
“Tôi luôn nghĩ rằng có thể tạo ra một game tuyệt vời như thế dựa trên những dữ liệu địa lý mà chúng tôi có được. Điện thoại càng ngày càng mạnh mẽ hơn, và lúc ấy tôi thấy rằng ta đã có thể có được một game phiêu lưu dựa trên chính thế giới thực này”.
Lần thứ bảy
Năm 2014, Google và Công ty Pokémon bắt tay hợp tác, tạo nên một trò đùa ngày Cá tháng Tư độc đáo và làm hàng triệu người trên thế giới thích thú, nhưng đây vẫn chỉ là một trò đùa vào cái ngày đặc biệt đó. Nhưng chính sự thành công bất ngờ của trò đùa ấy đã tác động vào ý tưởng của John, ý tưởng một game tương tác với thế giới thực, một game có thể làm cho người chơi thực sự bắt những con Pokémon trong thế giới thực này!
"Cá" được Google Maps thả vào ngày Cá tháng Tư năm 2014 - Pokémon Challenge.
Lần thứ tám
John quyết định tạo nên thế giới Pokémon Go dựa trên những điểm gặp mặt của người chơi trong Ingress, và những địa điểm nổi tiếng nhất ấy về sau biến thành những Pokéstop và các phòng gym trong Pokémon Go.
Như John đã nói: “Những trạm Pokéstop được gửi lên bởi chính những người chơi, bởi lẽ nó dựa vào những vị trí mà nhiều người lui tới. Trong khoảng thời gian 2 năm rưỡi, rất nhiều người đã đi tới nhiều nơi mà họ nghĩ rằng thậm chí mình có thể chơi Ingress tại đó, nhiều vùng trong số đó thực sự là những vùng hẻo lánh. Và chúng tôi thậm chí đã có được nhiều điểm mốc tại Nam Cực và Bắc Cực".
Lần thứ chín
John có được 25 triệu USD từ Google, Nintendo và Công ty Pokémon cùng nhiều nhà đầu tư khác, từ tháng 12/2015 tới tháng 3/2016, để lập nên một đội ngũ phát triển và hoàn thiện Pokémon Go trong năm nay.
Trailer ra mắt Pokémon Go đầu tiên.
Lần thứ mười
Vào ngày mùng 6 tháng 7, John và đội ngũ của ôngđã đưa thành công Pokémon Go ra công chúng, với 3 nước đầu tiên được trải nghiệm là Mỹ, Úc và New Zealand. Từ thời điểm ra mắt, giá cổ phiếu của Nintendo đã tăng 9 tỉ USD, bản thân Pokémon Go đã mang lại 2 triệu USD mỗi ngày với những lượt mua hàng trong game. Pokémon Go trở thành một hiện tượng toàn cầu nổi lên chỉ sau một đêm.
Và để có được thành công ấy, chặng đường của John Hanke phải mất 20 năm để hoàn thành. Và trong 20 năm dài ấy, John có cho mình một tầm nhìn rộng lớn: một nền tảng game dựa trên chính thế giới này, nhưng ông chưa có cho mình một hình hài game cụ thể. Nhưng với mỗi bước đi của mình, John tập trung toàn lực vào đó và với từng bước, ông lại tự lên cấp cho bản thân mình. Ở mỗi cấp độ mới, ông lại có cho mình những sức mạnh mới, những người đồng đội mới, những "vật phẩm" mới mà ông có thể tiếp tục dùng tiếp trong cuộc phiêu lưu lớn của đời mình.
Các bạn đọc, các bạn có như John không? Sống cuộc đời mình như một cuộc phiêu lưu trong game khổng lồ? Hãy nhớ kĩ một điều, bạn biết được đích đến của đời mình, nhưng ngày hôm nay, hãy tập trung vào việc “lên cấp” trước. Và với mỗi cấp độ mới bạn đạt được, như tấm gương của John Hanke, bạn sẽ có được những sức mạnh mới, những người đồng đội thân thiết mới và chính bạn hãy tự tạo cho mình sự may mắn.
Và luôn nhớ một điều rằng, bạn phải trải qua rất nhiều, phải “lên cấp” rất nhiều để có thể thắng được trò chơi cuộc đời này, cuộc phiêu lưu lớn của bạn mà chính bản thân bạn là nhân vật chính, cuộc phiêu lưu của mỗi con người.
“Mất tới 20 năm ròng để tạo nên một thành công chỉ sau một đêm”, câu trích dẫn nổi tiếng của Eddie Cantor, quá chính xác với John Hanke và hiện tượng toàn cầu Pokémon Go!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"