Lần đầu tiên trong lịch sử, con người có thể thay đổi quỹ đạo của một thiên thể.
Theo tin tức vũ trụ mới nhất từ NASA, tàu vũ trụ Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh đôi (DART) sau khi lao vào tiểu hành tinh Dimorphos đã thành công trong việc THAY ĐỔI QUỸ ĐẠO BAY của nó.
Tiểu hành tinh Dimorphos - cách Trái Đất chúng ta khoảng 11.000.000 km - vô hại đối với hành tinh chúng ta, và NASA muốn phóng tàu vũ trụ để tiến hành thử nghiệm xem liệu trong tương lai, con người có thể ngăn chặn một vụ va chạm giữa tiểu hành tinh/thiên thạch với Trái Đất bằng cách làm chệch quỹ đạo của nó hay không.
Tàu vũ trụ Dart đã khoét một hố va chạm lớn vào tiểu hành tinh Dimorphos vào ngày 26/9/2022, khiến các mảnh vỡ bị hất văng ra ngoài không gian và tạo ra một vệt bụi, đống đổ nát giống như sao chổi kéo dài vài nghìn km.
Nhờ chiếc đuôi mới tạm thời của nó, Dimorphos đã biến thành một sao chổi do con người tạo ra.
Kính Hubble đã chụp được hình ảnh này của tiểu hành tinh Dimorphossau vụ va chạm với tàu Dart. Ảnh: NASA / ESA / STScI / Hubble
Sở dĩ, vụ va chạm được thực hiện cách đây 2 tuần nhưng ngày 11/10/2022, NASA mới chính thức thông báo kết quả thành công hay không của Dart. Đó là vì các nhà khoa học ở mặt đất phải mất nhiều đêm liên tục quan sát bằng kính thiên văn từ Chile và Nam Phi để xác định mức độ va chạm có làm thay đổi đường đi của tiểu hành tinh Dimorphos dài 160 mét quay xung quanh một thiên thạch khác có tên Didymos lớn hơn nhiều.
THÀNH CÔNG NGOÀI SỨC TƯỞNG TƯỢNG
Trước khi va chạm, Dimorphos mất 11 giờ 55 phút để quay quanh tiểu hành tinh Didymos. Các nhà khoa học đã dự đoán vụ va chạm có thể khiến thời gian đó giảm đi khoảng 10 phút, nhưng NASA Bill Nelson cho biết vụ va chạm đã rút ngắn quỹ đạo bay của tiểu hành tinh Dimorphos đi 32 phút (từ 11 giờ 55 phút thành 11 giờ 23 phút).
"Đây là một thành công ngoài sức mong đợi của rất nhiều người. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, con người có thể thay đổi quỹ đạo của một thiên thể" - Lori Glaze, giám đốc khoa học hành tinh của NASA vui mừng cho biết.
Hệ thống tiểu hành tinh đôi Dimorphos và Didymos. Ảnh: Steve Gribben / Johns Hopkins APL / NASA / AP
Các nhà khoa học của nhóm nghiên cứu cho biết số lượng mảnh vỡ dường như đóng một vai trò trong kết quả. Nhà khoa học chương trình NASA Tom Statler cho biết, tác động cũng có thể khiến các Dimorphos chao đảo một chút. Hai tiểu hành tinh ban đầu cách nhau 1,2 km, sau vụ va chạm, khoảng cách đó chỉ còn tính bằng hàng chục, hàng trăm mét.
Ra mắt vào năm 2021, tàu vũ trụ Dart (Double Asteroid Redirection Test) có kích thước bằng máy bán hàng tự động, được Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) chế tạo. Tổng kinh phí cho dự án này 325 triệu USD, trong đó kinh phí xây dựng tàu DART là hơn 300 triệu USD.
Sứ mệnh của Dart gần như là sứ mệnh cảm tử, vì sau khoảng hơn 1 năm chu du trong vũ trụ, Dart đã đến tiểu hành tinh cách Trái Đất 11 triệu km và rồi lao vào nó với tốc độ 22.500 km/giờ.
Tàu vũ trụ Thử nghiệm Chuyển hướng Tiểu hành tinh Đôi của NASA (DART) nằm giữa tên lửa Falcon 9 tại Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở California vào ngày 16 tháng 11 năm 2021. Nguồn: Ed Whitma / Johns Hopkins APL / NASA
Daniel Brown, một nhà thiên văn học tại Đại học Nottingham Trent ở Anh, cho biết: "Đây là một kỳ tích to lớn, không chỉ trong việc đạt được bước đầu tiên trong việc có thể bảo vệ chúng ta khỏi các tác động của tiểu hành tinh trong tương lai mà còn cho thấy công nghệ vũ trụ của con người đang ngày một kinh ngạc".
Các nhà khoa học của nhóm cho biết, cần phải nghiên cứu thêm để không chỉ xác định thêm vô số tiểu hành tinh/thiên thạch ngoài kia mà còn để xác định cấu tạo của chúng - một số là rắn, trong khi những tảng khác là đống gạch vụn.
Tom Statler nói: "Chúng ta không nên quá háo hức khi nói rằng một cuộc thử nghiệm trên một tiểu hành tinh sẽ cho chúng ta biết chính xác cách mọi tiểu hành tinh khác sẽ có kết quả tương tự như thế trong một tình huống tương tự. Tuy nhiên, thành công trong nỗ lực làm chệch hướng quỹ đạo của tiểu hành tinh Dimorpho mở ra cho chúng ta con đường mới trong hành trình bảo vệ chính mình trong không gian".
SỰ TÀN PHÁ TỪ KHÔNG GIAN
Theo NASA, không có tiểu hành tinh nào được biết đến có kích thước lớn hơn 140 mét - đủ lớn để tàn phá một thành phố - có cơ hội đáng kể lao vào Trái Đất trong 100 năm tới. Nhưng mọi chuyện đều có thể xảy ra, bất chấp dự báo của con người. Do đó, chúng ta cần chủ động ngăn chặn.
Đơn cử, hồ sơ địa chất cho thấy một tiểu hành tinh rộng 9,6 km đã tấn công Trái Đất 66 triệu năm trước, đẩy thế giới vào một mùa đông dài dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt của loài khủng long cùng với 75% tất cả các loài.
Mọi chuyện đều có thể xảy ra, bất chấp dự báo của con người. Do đó, chúng ta cần chủ động ngăn chặn. Ảnh: Internet
NASA có kế hoạch ra mắt vào năm 2026 một kính viễn vọng có tên là Khảo sát Vật thể Gần Trái Đất (NEO) để mô tả rõ hơn các tiểu hành tinh và sao chổi 140 mét nguy hiểm tiềm tàng đến trong phạm vi 48.280.320 km.
Sau nhận định thành công ban đầu của tàu Dart, các nhà thiên văn học không dừng ở đó.
Để có cái nhìn sâu hơn, tỉ mỉ hơn về vụ va chạm nhân tạo này, sứ mệnh Hera của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu sẽ tiến hành một cuộc điều tra tiếp theo về Dimorphos và tiểu hành tinh lớn hơn trong hệ thống, Didymos.
Cụ thể, sứ mệnh Hera sẽ khởi động vào năm 2024. Tàu vũ trụ này, cùng với hai vệ tinh CubeSats, sẽ đến hệ thống tiểu hành tinh (gồm Dimorphos và Didymos) 2 năm sau đó.
Hera sẽ nghiên cứu cả các tiểu hành tinh, đo các đặc tính vật lý của Dimorphos và kiểm tra hố va chạm DART và quỹ đạo của Dimorphos quanh Didymos, với mục đích thiết lập một chiến lược bảo vệ Trái Đất trong tương lai hiệu quả hơn.
Nguồn: AP, Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?