Hệ thống điều hướng cử chỉ của Android Q sao chép hoàn toàn iPhone - nhưng liệu đó có phải là một bản sao hoàn hảo hay không?
Từ thuở sơ khai, Android đã được thiết kế để người dùng thao tác bằng những nút bấm - đừng quên rằng, mục tiêu ban đầu của Android khi nó được sinh ra để cạnh tranh với BlackBerry. Kể cả sau này, khi Google không còn coi BlackBerry là đối thủ của Android nữa, mà thay vào đó là iPhone và màn hình cảm ứng, những nút bấm điều hướng vẫn xuất hiện trên smartphone Android và tiếp tục là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm người dùng của hệ điều hành này.
Năm ngoái với Android Pie, Google bắt đầu cho thấy những nỗ lực đầu tiên trong việc loại bỏ nút bấm điều hướng. Lý do thôi thúc Google làm điều này, không ai khác, chỉ có thể là Apple: trước trào lưu điện thoại màn hình viền mỏng đang nở rộ, thao tác cử chỉ của iPhone là phù hợp, hiện đại và tân tiến hơn rất nhiều so với những nút bấm ảo của Android.
Mặc dù vậy, thao tác của Android Pie nhận được nhiều lời chỉ trích hơn là tán dương, khi tất cả những gì Google làm là loại bỏ nút đa nhiệm (multitasking) và gán nó vào thao tác vuốt từ nút Home trong khi nút Back vẫn giữ nguyên vị trí. Kết quả là thanh điều hướng vẫn còn đó, nhưng nay lại trở nên lệch lạc vì thiếu đi nút đa nhiệm mà thao tác sử dụng lại khó khăn hơn trước. Không những không thể giải quyết vấn đề chính (là loại bỏ thanh điều hướng), Android Pie còn mở ra những vấn đề mới mà trước đây người dùng chưa từng gặp phải.
Năm nay với Android Q, Google lại một lần nữa tìm cách cải tiến hệ thống điều hướng của mình. Nếu như năm ngoái, Google còn cố "giữ thể diện" và làm khác so với iPhone một chút, thì năm nay, Google đã không ngần ngại sao chép toàn bộ thao tác của iPhone.
Android Q sao chép toàn bộ thao tác của iPhone
Nếu các bạn đã từng sử dụng thao tác điều hướng trên một chiếc iPhone không nút Home (X/XS/XR), thì cách thức sử dụng trên Android Q cũng sẽ hoàn toàn tương tự.
Bạn sẽ vuốt từ dưới lên để trở về màn hình Home
Vuốt từ dưới và giữ một lát để vào màn hình đa nhiệm
Thậm chí, bạn còn có thể vuốt qua trái/phải để chuyển giữa các ứng dụng. Rất giống iPhone phải không?
Thế nhưng, có một thứ mà Google không thể sao chép được iPhone, hay nói một cách khác là iPhone không có để mà sao chép, đó là thao tác của nút Back. Vì vậy, Google chuyển sang... sao chép các nhà sản xuất Trung Quốc (Xiaomi, Huawei) với thao tác vuốt từ mép màn hình. Dù vậy, Google có thay đổi đôi chút khi cho phép người dùng vuốt không chỉ riêng mép trái màn hình mà là cả mép phải màn hình nữa.
Bản sao không hoàn hảo
Nếu như thao tác cử chỉ trên iPhone được đánh giá là tốt nhất hiện nay, thì liệu việc Android copy iPhone có khiến cho nó nghiễm nhiên trở thành tốt nhất hay không? So với Android Pie, thao tác của Android Q là một bước nhảy vượt bậc. Thanh điều hướng bị triệt tiêu hoàn toàn, cộng với cử chỉ vuốt tự nhiên và dễ sử dụng đã đem đến cho người dùng cảm giác không chỉ "đã con mắt" mà còn "sướng cả đôi tay". Tuy nhiên, thao tác điều hướng của Android Q vẫn tồn tại những nhược điểm tuy nhỏ, nhưng vẫn khiến cho nó thua kém so với iPhone.
Hệ thống điều hướng cử chỉ mới của Android Q (phải) đã triệt tiêu thanh điều hướng và giúp mở rộng không gian hiển thị
Đầu tiên, thanh vuốt của Android Q ở cạnh đáy màn hình vẫn tiêu tốn tốn một phần diện tích nhất định. Khác với thanh vuốt của iPhone nằm lơ lửng ở bên trên giao diện của ứng dụng, thì ở Android Q, người ta vẫn thấy được sự phân tách rõ ràng giữa giao diện ứng dụng và thanh vuốt. Điều này khiến cho giao diện của Android không có sự đồng nhất và hài hoà như trên iPhone.
Nếu để ý kỹ, thanh điều hướng của Android Q vẫn chiếm một phần nhỏ của màn hình. Trong khi đó với iPhone, thanh này nằm lơ lửng ngay trên ứng dụng
Sự khác biệt tưởng chừng như là nhỏ, tuy nhiên thực tế thì việc thanh điều hướng của iPhone "hoà quyện" vào ứng dụng tạo sự hài hoà hơn so với Android Q
Thứ hai, đối với các ứng dụng toàn màn hình (ví dụ như game), thao tác vuốt của Android Q có thể sẽ khiến bạn khó chịu khi thanh Home không biến mất và rất dễ khiến bạn vuốt nhầm. Có lẽ, các lập trình viên sẽ cần phải điều chỉnh ứng dụng của mình để hoạt động tốt hơn với thanh điều hướng mới.
Ở một số ứng dụng toàn màn hình, thanh điều hướng của Android Q không biến mất khỏi màn hình. Điều này đặc biệt gây khó chịu khi chơi game do người dùng rất dễ vuốt nhầm.
Thứ ba, thao tác vuốt từ mép trái để quay trở lại (back) của Android Q xung đột với thao tác mở menu của một số ứng dụng, ví dụ như Play Store, và bạn sẽ không thể vuốt từ mép trái màn hình để mở menu được nữa. Các nhà sản xuất khác như Huawei hay Xiaomi cũng cho phép người dùng vuốt từ mép trái để quay lại nhưng chỉ là ở nửa dưới màn hình, còn khi vuốt ở nửa trên thì menu ứng dụng sẽ hiện ra.
Với Android Q, người dùng sẽ không thể vuốt từ cạnh trái để mở menu ứng dụng được nữa
Một số nhà sản xuất như Xiaomi cũng cho phép vuốt từ cạnh trái để back, tuy nhiên chỉ là ở nửa dưới màn hình. Nếu người dùng vuốt ở nửa trên, họ sẽ vẫn có thể mở menu ứng dụng như bình thường.
Dù vậy, đừng quên rằng Android Q ở thời điểm hiện tại vẫn ở trong giai đoạn beta, và Google sẽ còn mang đến những điều chỉnh trong giai đoạn sắp tới. Và khác với iOS, người dùng Android có quyền lựa chọn theo sở thích: nếu như không thích thao tác điều hướng cử chỉ, họ vẫn có thể quay về sử dụng nút bấm truyền thống.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"