Thế giới Di động "thưởng" nghìn tỷ để giữ lòng trung thành của nhân viên, nhưng với họ, tiền không phải là tất cả

    Linh Linh, Theo Trí Thức Trẻ 

    Để nhân viên hết mình máu lửa với công việc, trước hết người lãnh đạo phải cho họ hết tất cả những gì có thể cho, một cách thành thật, chân chính và tất nhiên vẫn hợp lý…

    Mở đầu cuốn sách “Một đời quản trị” của Giáo sư Phan Văn Trường, ông dẫn lời dạy của người cha: “Các doanh nghiệp hơn nhau ở chỗ nhân viên có động lực cao và nhất lòng theo lãnh đạo hay không, chứ nói chung, nhân viên ở đâu cũng na ná giống nhau thôi.

    Nếu họ nhiệt tình, họ sẽ không làm việc gì sót, họ sẽ báo cáo trung thành và ngay ngắn, họ sẽ tự động não để tìm giải pháp thay luôn cả lãnh đạo… họ sẽ gắn bó với tương lai của doanh nghiệp, không quản làm việc 24 tiếng trên 7 ngày suốt năm để chỉ nhận vinh dự của nhân viên trong công ty hàng đầu.

    Nhưng trước hết, người lãnh đạo phải cho họ, cho công ty, hết tất cả những gì có thể cho, một cách thành thật, chân chính và tất nhiên vẫn hợp lý…

    Không phải người lãnh đạo nào cũng thực hiện được một điều tưởng như đơn giản là “cho” hay nói cách khác là chia sẻ lợi ích với nhân viên, còn đối với tất cả những người đang là nhân viên thì việc được lãnh đạo chia sẻ, thực sự luôn là động lực rất lớn.

    Chẳng thế mà khi hỏi lãnh đạo của những công ty hàng đầu về bí quyết để doanh nghiệp thành công, họ luôn nói rằng đó là con người. Tại công ty hàng đầu về ngành bán lẻ hiện nay là CTCP Đầu tư Thế giới di động ( MWG ), người ta có thể thấy bức thông điệp của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài in hoa các dòng chữ: “Thế giới di động cam kết mang đến cho nhân viên một môi trường làm việc TÔN TRỌNG và CÔNG BẰNG. Cam kết mang đến cho quản lý: Một môi trường làm việc TÔN TRỌNG và CÔNG BẰNG/ Một cuộc sống SUNG TÚC/ Một vị trí xã hội được người khác KÍNH NỂ.”

    Một trong các công cụ mà TGDĐ sử dụng để đem lại cuộc sống SUNG TÚC cho quản lý của mình là ESOP.

    Văn hóa "thưởng Tết" bằng ESOP của TGDĐ

    Phát hành ESOP có thể nói là văn hóa "thưởng Tết" của TGDĐ. Lên sàn vào tháng 7/2014, ngay tháng 12 năm đó, TGDĐ phát hành 5,33 triệu cổ phiếu ESOP (tỷ lệ 5%) thưởng cho lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của công ty. Theo điều kiện, 50% số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm và phần còn lại bị hạn chế chuyển nhượng trong 2 năm.

    Từ đó đến nay, cứ vào tháng 12 hàng năm, thị trường đều thấy Thế giới di động phát hành ESOP. Tháng 12/2015, công ty thưởng 6,98 triệu cổ phiếu ESOP (tỷ lệ 5%) và tháng 12/2016, công ty phát hành 7,33 triệu cổ phiếu ESOP, đều có điều kiện hạn chế chuyển nhượng tương tự đợt 1.

    Đúng như truyền thống, thưởng tết năm nay của các lãnh đạo cấp cao tại Thế giới di động tiếp tục là 9,22 triệu cổ phiếu ESOP.

    Tuy nhiên, điều kiện đã thay đổi khi số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 4 năm, trong đó mỗi năm có 25% cổ phần được tự do chuyển nhượng. Bên cạnh đó, thay vì thưởng, lần này Thế giới di động bán cho nhân viên với giá 10.000 đồng/cp. Như vậy, chính sách ESOP lần này đã đòi hỏi nhân viên phải “trung thành” hơn với công ty.

    Chia sẻ với chúng tôi, đại diện TGDĐ cho biết, chính sách mới mang tính ràng buộc nhân viên hơn, nhằm mục đích nâng cao tính ổn định của tổ chức. Mặt khác, việc giảm tỷ lệ ESOP xuống 3% thay vì 5% như các năm trước cũng khiến các cổ đông thoải mái hơn.

    Đánh giá một cách khách quan, ESOP của Thế giới di động là khoản thưởng Tết rất hậu hĩnh. Tính theo thị giá tại thời điểm phát hành, lượng cổ phiếu ESOP đó có giá trị hàng trăm tỷ đồng. Chỉ trong vòng 4 năm, Thế giới di động đã thưởng cho nhân viên lượng cổ phiếu trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

    Nhưng tất nhiên ESOP đâu chỉ đem lại lợi ích cho nhân viên. Đối với công ty này, ESOP quả là công cụ hữu hiệu đem lại lợi ích cho nhiều bên. Khoản thưởng nghìn tỷ tạo ra động lực làm việc cho người lao động và làm tăng sự gắn kết của họ với công ty, đồng thời giúp công ty không phải chi tiền thưởng bằng tiền mặt và cũng không phải ghi nhận chi phí lương thưởng như khi trả bằng tiền, khiến cho lợi nhuận trước thuế tăng lên một khoản tương ứng.

    Cuối cùng, sự tăng trưởng về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như giá cổ phiếu MWG trên sàn chứng khoán là minh chứng rõ ràng nhất cho nỗ lực của đội ngũ nhân sự, khiến họ cảm thấy sự cống hiến của mình là xứng đáng và được ghi nhận. Đó cũng là “điều kiện” để cổ đông chấp thuận các chương trình ESOP.

     Chính sách ESOP là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kết quả kinh doanh của Thế giới Di động, nhờ đó giá cổ phiếu của công ty đã tăng gần gấp 7 lần chỉ sau hơn 3 năm

    Chính sách ESOP là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kết quả kinh doanh của Thế giới Di động, nhờ đó giá cổ phiếu của công ty đã tăng gần gấp 7 lần chỉ sau hơn 3 năm

    Tiền không phải là tất cả

    Một lãnh đạo cấp cao của TGDĐ cho biết, thực sự chưa bao giờ quan tâm đến việc mình nhận được bao nhiêu cổ phiếu từ chương trình ESOP, cũng không quan tâm đang sở hữu bao nhiêu cổ phiếu MWG và giá cổ phiếu như thế nào.

    “Công ty có chế độ lương rất cạnh tranh, điều đó giúp cho tôi cũng như các nhân sự tại TGDĐ không phải bận tâm với mối lo cơm áo gạo tiền. Chúng tôi có thể hết mình với công việc bởi vì mình chỉ có mỗi nhiệm vụ làm việc nhưng phải làm một cách trung thực, không gian dối” – Ông nói.

    Sự chia sẻ về vật chất đã tạo động lực lớn cho nhân viên, nhưng quan trọng hơn cả, theo lãnh đạo của TGDĐ thì sự chia sẻ về tinh thần, hỗ trợ nhau trong công việc mới là điều khiến cho nhân sự tại đây làm việc rất “máu lửa”, đó cũng là một nét văn hóa của TGDĐ.

    “Anh Tài ra ngoài hay nói bốc bốc vậy chứ ở công ty, anh ấy như một người anh, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ những thứ anh ấy có, bất cứ khi nào các em cần” – vị này nói.

    Khi những người đứng đầu thể hiện tinh thần hỗ trợ và biết cách thúc đẩy con người khi cần thiết thì nét văn hóa ấy cứ tự nhiên mà lan tỏa từ lớp quản lý đến lớp nhân viên, từ lớp người cũ đến lớp người mới, tạo nên một khối 18.000 người thống nhất trong 6 giá trị cốt lõi: Tận tâm – Trung thực – Chữ tín – Nhận trách nhiệm – Yêu thương hỗ trợ đồng đội và Máu lửa trong công việc.

    “Người ta chỉ có thể đem thứ mình có để cho người khác, vì vậy Thế giới di động phải mang lại niềm vui cho nhân viên, cho nhân viên cảm thấy công việc thú vị thì họ mới chia sẻ được niềm vui và sự thú vị cho người khác, đặc biệt là trong ngành bán lẻ” – ông Nguyễn Đức Tài từng phát biểu.

    Trở lại với ESOP, nhiều người gọi công cụ này là “còng tay bạc” với ý nghĩa như một chiếc còng tay tạo cho nhân viên cảm giác mình là chủ doanh nghiệp, lợi ích vật chất gắn bó trực tiếp với lợi nhuận của doanh nghiệp và vì thế nỗ lực làm việc hơn. Nhưng với một doanh nghiệp có văn hóa đẹp thì ESOP, dù giá trị nghìn tỷ cũng chỉ là yếu tố đứng sau tinh thần đồng đội sẻ chia và hỗ trợ - điều khiến người ta yêu, hiểu và tận tâm với công việc đang làm.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ