Thẻ tín dụng: Công cụ tài chính mua sắm hay cái bẫy nợ âm thầm giăng sẵn cho người trẻ?

    Thế Duyệt,  

    Bùng nổ tiện ích chi tiêu không tiền mặt, nhưng đằng sau sự “thông minh” của thẻ tín dụng lại là những cái bẫy khiến người dùng dễ lún sâu vào nợ hoặc mất trắng vì bảo mật lỏng lẻo.

    Khi được hỏi về món đồ công nghệ "gây nghiện" nhất hiện nay, nhiều người trẻ bất ngờ không chọn smartphone, mà là... chiếc thẻ tín dụng trong ví. "Mỗi lần chạm quẹt là một lần cảm giác 'không mất tiền', cho tới khi nhận hóa đơn sao kê", T.H, 29 tuổi, nhân viên ngành truyền thông tại TP.HCM chia sẻ.

    Chi tiêu linh hoạt, thanh toán quốc tế, trả góp 0%... là những lợi ích không thể phủ nhận mà thẻ tín dụng mang lại. Đó cũng là lý do vì sao chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, thị trường thẻ tín dụng tại Việt Nam tăng trưởng gấp 2,4 lần, với giá trị giao dịch tăng bình quân 35% mỗi năm, theo số liệu từ FiinGroup.

    Thẻ tín dụng: Công cụ tài chính mua sắm hay cái bẫy nợ âm thầm giăng sẵn cho người trẻ?- Ảnh 1.

    Tuy nhiên, bên cạnh sự "quyến rũ" ấy là một mặt tối mà không ít người đã từng đối mặt: mất kiểm soát chi tiêu, phí phạt ngầm, và đặc biệt là nguy cơ bị đánh cắp thông tin dẫn đến mất trắng tiền trong tài khoản.

    Những cái bẫy ẩn sau chiếc thẻ "thông minh"

    C.L, 35 tuổi, từng được ngân hàng chủ động gọi mời mở thẻ tín dụng kèm ưu đãi miễn phí thường niên, hoàn tiền. "Tôi thấy tiện nên nhận luôn, chẳng mấy khi dùng. Ai ngờ ba tháng sau bị tính phí phạt vì không thanh toán số dư đúng hạn mà tôi thậm chí không biết là mình đã chi tiêu".

    Đây không phải trường hợp hiếm. Với đa số người dùng lần đầu tiếp cận thẻ tín dụng, các khái niệm như ngày sao kê, thời gian miễn lãi, lãi phạt chậm trả vẫn còn mơ hồ. Trong khi đó, lãi suất thẻ tín dụng tại Việt Nam có thể lên tới 20 - 30%/năm, cao hơn gấp nhiều lần các hình thức vay thông thường.

    Thẻ tín dụng: Công cụ tài chính mua sắm hay cái bẫy nợ âm thầm giăng sẵn cho người trẻ?- Ảnh 2.

    Hơn nữa, sự "dễ dãi" của chiếc thẻ, chỉ cần quẹt hoặc nhập 3 dòng số đơn giản để thanh toán, khiến nhiều người bị cuốn vào thói quen tiêu xài vượt khả năng trả nợ, đặc biệt là trong môi trường mua sắm online, khuyến mãi ngập tràn.

    Không chỉ có vậy, vấn đề an toàn bảo mật cũng là một lỗ hổng lớn. Facebook Ads từng được nhắc đến như một "điểm đen" khi cho phép thanh toán qua thẻ tín dụng không cần OTP hay mã xác thực. Giai đoạn đầu 2023 tới cuối 2024, hàng loạt người dùng tại Việt Nam phản ánh bị trừ tiền trong thẻ do kẻ gian sử dụng thẻ của họ để chạy quảng cáo Facebook.

    Chỉ cần biết số thẻ và ngày hết hạn, những đối tượng có kỹ thuật có thể dễ dàng "brute force" (thử ngẫu nhiên) mã CVV chỉ gồm 3 chữ số, tương đương 1.000 khả năng. Với các phần mềm hiện có, chỉ mất vài phút đến vài giờ để tìm ra.

    Người trẻ - nhóm bị "mê hoặc" nhiều nhất và cũng dễ tổn thương nhất

    Ngân hàng thì liên tục tung ưu đãi mở thẻ, từ tặng quà, giảm giá, trả góp lãi suất 0%, thậm chí duyệt eKYC trong 5 phút là đã có thẻ ảo dùng ngay. Trong khi đó,  nhận thức của người dùng, nhất là thế hệ Gen Z về quản lý tài chính cá nhân vẫn còn nhiều hạn chế.

    Một nghiên cứu năm 2023 từ InsightAsia cho thấy: 62% người dưới 35 tuổi tại Việt Nam sử dụng thẻ tín dụng chủ yếu để "dễ tiêu" và "tận dụng ưu đãi", nhưng chỉ 28% thực sự hiểu rõ cách tính lãi phạt khi trả chậm.

    Thẻ tín dụng: Công cụ tài chính mua sắm hay cái bẫy nợ âm thầm giăng sẵn cho người trẻ?- Ảnh 3.

    P.H, 26 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa, kể: "Tôi từng chia nhỏ trả góp một chiếc iPhone bằng thẻ trong một năm, mỗi tháng chỉ mất hơn 2 triệu. Nhưng sau đó quẹt thêm vài lần nữa rồi quên mất, cuối tháng nhìn hóa đơn mà muốn rụng rời tay chân".

    Cái "bẫy" không nằm ở khoản chi lớn ban đầu, mà là ở những khoản nhỏ, cộng dồn theo thời gian, kèm theo các loại phí: phí rút tiền mặt (có thể lên tới 4%), phí chuyển đổi ngoại tệ (~3%), phí phạt trễ hạn, và quan trọng nhất: lãi suất lũy kế nếu không trả đúng hạn.

    Thẻ không xấu, chỉ người dùng chưa hiểu rõ nó

    Chiếc thẻ tín dụng không phải là công cụ xấu, nếu được sử dụng đúng cách, thậm chí còn là công cụ tài chính quyền lực nếu bạn biết tận dụng. Nhưng trong một thị trường mà người dùng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, ngân hàng thì ưu tiên lợi nhuận qua tăng hạn mức, còn bảo mật thì vẫn còn lỏng lẻo ở nhiều merchant quốc tế, chiếc thẻ "thông minh" này có thể dễ dàng biến thành cái bẫy âm thầm.

    Thẻ tín dụng: Công cụ tài chính mua sắm hay cái bẫy nợ âm thầm giăng sẵn cho người trẻ?- Ảnh 4.

    Từ việc chủ động thiết lập hạn mức thấp, chỉ dùng thẻ cho những chi tiêu có kiểm soát, cho đến việc không bao giờ để lộ mặt sau của thẻ hoặc lưu ảnh thẻ trên điện thoại, người dùng cần tự trang bị kỹ năng phòng vệ tài chính số cho mình.

    Bởi trong kỷ nguyên số, đôi khi bảo vệ ví tiền lại bắt đầu từ chính chiếc thẻ nằm trong ví áo.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ