Tháng 6 năm 1950, quân lực Bắc Hàn, được hỗ trợ bởi các phương tiện cơ giới đã vượt qua vĩ tuyến số 38 và tấn công vào Cộng hòa Hàn Quốc khi đó. Quân đội Bắc Hàn lên tới 135 nghìn bộ binh, 150 xe tăng T-34 và các phương tiện khí giới khác. Nam Hàn ngay lập tức kêu gọi được lực lượng phòng vệ 150 nghìn lính nhằm chống trả tuy vậy do thiếu khí tài và không quân, Bắc Hàn đã giành được thế thượng phong.
Ngày 28/6, Bắc Hàn cướp được Seoul, thủ đô Nam Hàn. Nhưng sau đó từ ngày 3/7 trở đi quân đội UN, đa số gồm các binh lính người Mỹ đã gia nhập cuộc chiến bên cạnh những người Hàn Quốc. Tuy vậy, liên quân vẫn không thể đẩy lui Bắc Hàn. Tới ngày 20/8, quân đội Bắc Hàn đã đẩy tới tận Pusan. Và rồi, cuộc chiến trong Theatre of War 3: Korea bắt đầu với người chơi như thế.
Điểm đáng chú ý nhất trong tựa game này đó là việc nhà phát triển Battlefront đã lựa chọn hướng đi mới cho dòng game này, biến nó trở thành một dạng kiểu như “Total War trong chiến tranh hiện đại”. Cụ thể, bạn sẽ được điều động binh lực đi khắp đất Hàn Quốc, bảo vệ binh giới và đảm bảo lực lượng hậu cần, tiếp tế trong lúc cần thiết hay phải rút lui khẩn cấp. Có thể nói, bước đi này đã đủ để đảm bảo rằng tính khốc liệt của chiến tranh sẽ được đảm bảo với Theatre of War 3: Korea.
Duy trì tính chân thực của một tựa game chiến tranh, các chuyên viên thiết kế đã phải qua nhiều lớp cố vấn, dạy học về lịch sử cũng như khí tài chiến tranh, cách vận binh quen thuộc để xây dựng nên một sản phẩm đáng chơi.
Ví dụ như quân đội Bắc Hàn cùng các tình nguyện quân Trung Quốc đa số sử dụng vũ khí của quân đội Xô Viết thời thế chiến thứ 2, bao gồm tank T-34 và IS-2. Thêm vào đó, quân đội Bắc Hàn về giai đoạn cuối của game còn được chi viện bởi tank T-54, súng phóng lựu RPG-2, AK 47 và nhiều loại vũ khí thực tế khác.
Về mặt hình ảnh, game tỏ ra không có nhiều điểm nhấn mạnh mẽ so với các tựa game về thể loại chiến tranh những năm khói lửa xưa kia. Để làm phai nhòa đi ấn tượng rằng đồ họa của game không thực xuất sắc, Battlefront đã sử dụng khá nhiều hiệu ứng làm mờ (Blur) trong game của mình và hiệu quả đạt được là không đến nỗi tệ.
Bên cạnh đó, về mặt gameplay, Theatre of War 3: Korea không tập trung vào việc điều khiển cá nhân một đơn vị nào đó mà tập trung vào điều khiển theo từng tổ đội. Thật là khó chịu khi phải click từng người lính một thay vì chỉ cần “một click khoanh cả đội”, đó là một trong những yếu tố mà tựa game này đã học hỏi khá nhiều từ các game chiến thuật đòi hỏi sự xuất hiện của số đông binh chủng trên bản đồ cùng một lúc.
Ngoài các đơn vị xe cơ giới, bộ binh, game còn cho phép sử dụng cả trực thăng và máy bay phản lực. Trực thăng không chỉ dùng để do thám hay thậm chí là tiêu diệt các lực lượng xe cơ giới hạng nhẹ mà còn có thể chở binh lính đột kích bất ngờ vào một cứ điểm trên bản đồ.
Phần chơi đơn (chiến dịch) của game được chia làm 2 phần chính: Phần một là The leap of the tigers, cho phép người chơi sử dụng quân đội Bắc Hàn, mở đầu chiến dịch xâm lăng Cộng Hòa Hàn Quốc. Trong khi đó, phần 2: Counteroffensive lại đưa bạn vào vai các vị tướng của quân liên minh Mỹ - Nam Hàn, tham gia và các chiến dịch phản công. Bên cạnh phần chơi đơn, người chơi còn có thể tự tạo ra màn chơi cho riêng mình (một dạng công cụ Map Editor), tự chọn chiến trường, vũ khí và bối cảnh.
Kế hoạch cho ra mắt Theatre of War 3: Korea trong quý I năm nay gần như khó có thể hoàn thành nếu như 1C thực sự muốn tựa game mình phát hành thành công trọn vẹn.
Đơn giản một lẽ, cho đến giờ game vẫn chưa tung ra bất kỳ thông tin nào chi tiết hơn về Theatre of War, ngoài những điểm nhấn bị cho là “học hỏi” của game khác. Tuy nhiên biết đâu đó lại là một chiêu bài của 1C và Battlefront nhằm tạo cho game thủ những bất ngờ? Chúng ta đành chờ xem vậy.
Thể loại: Chiến thuật thời gian thực
Nhà phát triển: Battlefront
Nhà phát hành: 1C
Hệ máy: PC