Sau khi một loạt các website phim lậu có lượng truy cập lớn như phimmoi, phimbathu bị các nhà mạng chặn tên miền theo yêu cầu từ phía cơ quan quản lý, tiếp tục có thêm một số website phim lậu khác như Vkool bị 'sờ gáy'
Vào cuối tháng 6/2020, một loạt các website phim lậu có lượng truy cập lớn tại Việt Nam như phimmoi, dongphim, HDonline, Phimbathu….đã bất ngờ bị chặn tên miền tại Việt Nam bằng các biện pháp kĩ thuật từ phía nhà mạng. Theo thông tin từ phía cơ quan quản lý, đây là những trang web nằm trong danh sách 83 website "có dấu hiệu vi phạm bản quyền nội dung chương trình truyền hình".
Kể từ thời điểm đó đến nay, người dùng tại Việt Nam không còn có thể truy cập vào các trang web nói trên. Mặc dù chủ các website này đã liên tục đối phó bằng cách thay đổi tên miền nhằm qua mặt các cơ quan quản lý, tuy nhiên lượng truy cập của một số website xem phim sau đó vẫn bị sụt giảm nghiêm trọng.
Mới đây nhất, lại có thêm một số website phim lậu khác tại Việt Nam tiếp tục bị chặn tên miền, đơn cử như trường hợp của Vkool – một website phim lậu khá ‘quen mặt’ với nhiều người dùng mạng tại Việt Nam.
Một loạt các website phim lậu như phimmoi, phimbathu hay mới nhất là Vkool đều đã bị các nhà mạng chặn tên miền theo yêu cầu từ phía cơ quan quản lý (ảnh chụp màn hình)
Cụ thể, khi truy cập vào tên miền trang này, người dùng chỉ nhận được thông báo bằng tiếng Anh với nội dung "Trang này hiện không thể tìm thấy ". Tuy nhiên, khi sử dụng các công cụ truy cập Internet bằng VPN, người dùng vẫn vào được trang và xem phim bình thường. Theo ghi nhận của PV, người dùng mạng Viettel, FPT và VNPT đã không thể truy cập vào tên miền của trang Vkool bắt đầu từ hôm 19/7.
Theo anh Trần Tuấn Hùng, một chuyên gia về IT tại Hà Nội, lượng truy cập vào Vkool không thực sự lớn nếu so với một số website xem phim lậu khác như phimmoi hay phimbathu. Thống kê trên công cụ Similarweb cho thấy, website Vkool có lượng truy cập trung bình khoảng 1,09 triệu lượt mỗi tháng. Trong một số tháng cao điểm, lượng truy cập có thể đạt khoảng 1,3 triệu lượt.
Tuy nhiên, đây cũng là một website phim lậu thuộc dạng ‘có thâm niên’ tại Việt Nam khi đã tồn tại được khoảng gần chục năm nay. Cụ thể, tên miền của trang này được đăng ký từ năm 2008. Vào thời điểm này, Vkool hoạt động chủ yếu như một trang web giải trí tổng hợp. Tuy nhiên, kể từ năm 2012, khi một loạt các website phim lậu bắt đầu nở rộ tại Việt Nam, trang Vkool cũng bắt đầu đăng tải các bộ phim không bản quyền lên trang.
Tương tự như hầu hết các website phim lậu khác, Vkool thường sử dụng server của chính Google, Facebook hay Openload để lưu trữ và chiếu những bộ phim không có bản quyền. Trang web này cũng đặt các hình thức quảng cáo như banner, chèn TVC quảng cáo trong từng bộ phim để thu lợi bất chính từ các nội dung không bản quyền.
Nội dung trên trang Vkool hầu hết là phim lậu. Nhiều bộ phim vừa ra rạp cũng được đăng tải lên trang dưới dạng "bản cam" (Ảnh chụp màn hình)
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia công nghệ, với đặc điểm dễ dàng xây dựng cùng nguồn lợi cực khủng đem lại, website phim lậu đang trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các nền tảng OTT trong nước. Trong khi đó, tình trạng một bộ phận không nhỏ người Việt chưa có thói quen trả tiền để xem phim, nghe nhạc trên Internet vô hình trung càng tiếp tay cho những web phim lậu có thêm ‘đất sống’. Về phía cơ quan chức năng, việc xử lý những website phim lậu cũng gặp nhiều khó khăn, khi chủ các trang web này liên tục thay đổi tên miền mới sau khi tên miền cũ bị chặn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tái chế hơn 1.000 cục pin laptop làm nguồn năng lượng, người đàn ông sống 8 năm mà không phải trả tiền điện
Câu chuyện được chia sẻ trên diễn đàn đã truyền đi nhiều cảm hứng, về tái chế và chung sống với năng lượng Mặt Trời.
Điện thoại Xiaomi xách tay tại Việt Nam gặp khó vì chính sách mới của Xiaomi