Thí nghiệm lịch sử với COVID: 36 người được trả hơn 5 tỷ đồng để nhỏ virus có độc lực vào mũi. Nếu là bạn, bạn có dám thử không?
Một thí nghiệm từng bị trì hoãn vì gây ra tranh cãi lớn về mặt đạo đức. Nhưng kết quả vừa được công bố lại không khiến bất kỳ ai phải thất vọng. Những kiến thức quý giá chỉ có được từ loại hình thử nghiệm này, chắc chắn, sẽ giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch kế tiếp.
- Thí nghiệm bí ẩn vén bức màn thời gian và không gian: Bất ngờ phát hiện có sinh vật quan sát con người
- Phòng thí nghiệm Mỹ phát hiện chất gây ung thư trong nhiều sản phẩm trị mụn trứng cá
- Trung Quốc công bố sản phẩm đột phá khi thế giới đang loay hoay trong phòng thí nghiệm, ôm mộng ‘bá chủ’ công nghệ nhờ 1 loại vật chất đắt đỏ nhất hành tinh
- Thí nghiệm cấy ghép não: Sự phát triển của mô não người gây ra những thay đổi hành vi ở chuột!
- Thí nghiệm khoa học cho thấy con người có thể không có ý thức tự chủ
Một bài báo trên tạp chí khoa học Nature vừa công bố những kết quả có một không hai từ "Thí nghiệm Thử thách trên người" đầu tiên với SARS-CoV-2, chủng virus gây ra đại dịch COVID-19.
Thí nghiệm thử thách trên người (Human challenge study) là loại thí nghiệm nguy hiểm và gây tranh cãi nhất trong khoa học. Bởi các nhà nghiên cứu sẽ phải chủ động lây nhiễm mầm bệnh lên tình nguyện viên, sau đó quan sát điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với họ.
Trong thời gian đầu của đại dịch, Thí nghiệm thử thách trên người đã bị các hội đồng đạo đức khoa học tại nhiều quốc gia kịch liệt phản đối. Vương Quốc Anh sau đó đã trở thành nước đầu tiên dũng cảm cấp phép cho loại hình thử nghiệm này.
Thí nghiệm đầu tiên đã được thực hiện vào năm 2021, hơn 1 năm sau khi đại dịch bắt đầu. 36 người khỏe mạnh gan dạ trong độ tuổi 18-30 đã tới khu cách ly đặc biệt của Bệnh viện Royal Free, Bắc London.
Khi các tình nguyện viên nằm ngửa cổ trên những chiếc giường bệnh được mặc định là sẽ giành sẵn cho họ, các nhà khoa học sẽ dùng ống hút, hút 100 microlit dung dịch chứa hàng triệu virus SARS-CoV-2, rồi từ từ nhỏ vào hai bên mũi họ:
Tình nguyện viên được yêu cầu nằm im trong 10 phút, sau đó ngồi dậy trong 20 phút, thở bằng miệng với một chiếc kẹp trên mũi để những giọt virus không chảy ngược ra ngoài một cách "phung phí". Họ được cách ly trong 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm hàng tuần và về nhà tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 1 năm.
Kết thúc quá trình, 36 tình nguyện viên – tất nhiên đều còn sống khỏe mạnh – đã chia nhau số tiền 160.000 Bảng Anh (tương đương hơn 5 tỷ VNĐ) từ quỹ hỗ trợ nghiên cứu. Trung bình, mỗi người đã nhận về khoản thù lao tương đương 145 triệu VNĐ cho rủi ro nhiễm bệnh của mình. Nhiều tình nguyện viên sau đó đã có triệu chứng sốt, đau họng, nhức đầu, đau mỏi cơ bắp…
Thế nhưng, đối với một nhóm 7 tình nguyện viên, họ đơn giản là cầm tiền về nhà mà không phải chịu bất cứ triệu chứng khó chịu nào cả. Đáng nói là những người này chưa hề tiêm vắc-xin, nhưng cũng chưa từng nhiễm COVID suốt từ đầu đại dịch. Bây giờ, đến lượt các nhà khoa học cũng thất bại trong việc cố tình lây nhiễm cho họ.
Có thể nói 7 tình nguyện viên này đã "trúng số" tại Bệnh viện Royal Free, và "trúng số" trong suốt đại dịch COVID-19. Các nhà khoa học đã làm việc trong suốt 2 năm tiếp theo, thời gian cần thiết để giải trình tự hơn 600.000 tế bào thu được từ những tình nguyện viên này. Công việc giúp trả lời câu hỏi:
Bên trong đại dịch, chúng ta đã thấy được việc cơ thể người có những mức độ phản ứng khác nhau đối với virus SARS-CoV-2. Một số người nhiễm virus chỉ thể hiện triệu chứng nhẹ thoáng qua như hắt hơi, sổ mũi, đau đầu. Một số người bị sốt lâu hơn, đau mỏi cơ bắp suốt cả tuần.
Trong khi đó, số ít những người mắc COVID nặng nhất sẽ thấy khó thở vì bị viêm phổi, thậm chí dẫn tới suy đa tạng và tử vong. Ngược lại, có những người gần như không có triệu chứng nào của việc bị nhiễm bệnh.
Các nhà khoa học cho biết nguyên nhân của dải phổ này nằm ở phản ứng miễn dịch của cơ thể mỗi người là khác nhau. Chỉ có những người có hệ miễn dịch yếu mới có nguy cơ mắc phải COVID với triệu chứng nặng. Trong khi đó, hệ miễn dịch của một số người tốt đến mức virus không thể xâm nhập họ.
Nhưng một hệ miễn dịch tốt là như thế nào? Tại sao nó lại tốt? Các nhà khoa học chỉ có thể đoán.
Họ đoán rằng một số người có một số gen nhất định, cho phép kháng virus mạnh hơn người bình thường từ đó không bị nhiễm COVID. Hệ miễn dịch tốt cũng có thể là hệ miễn dịch đã được đào tạo. Nghĩa là những người này đã nhiễm một số chủng virus họ hàng của SARS-CoV-2 trước đây, từ đó, tạo ra phản ứng miễn dịch với virus mới gần giống với nó.
Kể từ đầu đại dịch tới nay, tất cả những giả thuyết này mới đều chỉ là phỏng đoán. Để có thể xác nhận giả thuyết, các nhà khoa học cần phải thực hiện "Thí nghiệm thử thách trên người" (Human challenge study).
Những tình nguyện viên chưa từng nhiễm COVID và chưa từng tiêm vắc-xin sẽ được nhỏ virus có độc lực vào mũi. Sau đó, các nhà khoa học sẽ quan sát chi tiết điều gì đã và sẽ xảy ra, ngay tại khoảnh khắc virus tiếp xúc với hệ miễn dịch, của những tế bào đầu tiên trong cơ thể.
"Đây là cơ hội vô cùng độc đáo để quan sát phản ứng miễn dịch ở những người chưa từng mắc COVID-19", Tiến sĩ Rik Lindeboom, một đồng tác giả của nghiên cứu đến từ Viện Ung thư Hà Lan cho biết. Những kết quả có một không hai thu được từ thử nghiệm này, sau đó, không khiến bất kỳ ai phải thất vọng.
Công việc bắt đầu trước một ngày khi tình nguyện viên bị nhỏ virus vào mũi. Nó được gọi là Ngày -1 của nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành thu thập tế bào niêm mạc trong mũi và vòm họng họ, cùng với xét nghiệm tế bào máu để đánh giá tình trạng hệ miễn dịch của các tình nguyện viên.
Đến Ngày 0, tình nguyện viên được đưa vào một căn phòng cách ly đặc biệt, tiến hành nhỏ virus vào mũi và theo dõi trong vòng 24 giờ đầu. Họ tiếp tục được lấy mẫu niêm mạc mũi họng và xét nghiệm máu trong các Ngày 1, 3, 5, 7, 10, 14 của nghiên cứu.
Các nhà khoa học đã thu thập được tổng cộng 181 mẫu bệnh phẩm. Sử dụng kỹ thuật nhân bản, họ đã tạo ra được hơn 600.000 tế bào đơn, để xây dựng một dòng thời gian của quá trình lây nhiễm COVID-19.
Mỗi tế bào này đều đại diện cho một khoảnh khắc mà ở đó, hàng triệu tế bào miễn dịch của cơ thể đang phải chiến đấu giằng co với hàng triệu hạt virus SARS-CoV-2. Kết quả của trận chiến này sẽ quyết định việc một người có nhiễm COVID hay không:
Đối với những người nhiễm COVID sau thử nghiệm, các nhà khoa học quan sát thấy tế bào miễn dịch của họ phản ứng với virus trong khoang mũi rất chậm trễ. Có những người đến ngày thứ 5 sau khi nhỏ virus mới có phản ứng miễn dịch trong khoang mũi.
Điều này tạo điều kiện cho virus có thời gian xâm nhập vào máu của họ. Các phản ứng miễn dịch xảy ra trong máu còn sớm hơn so với trong khoang mũi. Đây là nhóm bệnh nhân dễ mắc triệu chứng COVID kéo dài nhất.
Đối với nhóm thứ hai, là những người được gọi là nhiễm COVID "thoáng qua" với triệu chứng nhẹ hơn. Trận chiến giữa tế bào miễn dịch và virus xảy ra tại khoang mũi ngay trong Ngày 1. Các nhà khoa học quan sát thấy đây là một trận chiến rất dữ dội, với số lượng lớn tế bào miễn dịch được huy động, nhưng kết quả thì virus vẫn thắng thế và xâm nhập được vào máu.
Điều bất ngờ chỉ xảy ra ở nhóm cuối cùng, với 7 tình nguyện viên không hề bị nhiễm bệnh. Hóa ra, hệ miễn dịch của họ đã huy động một loạt các tế bào miễn dịch rất tinh nhuệ, bao gồm 3 loại tế bào T là CD 4+, CD 8+ và MAIT.
Những tế bào miễn dịch này thực hiện những cuộc tấn công rất nhanh chóng vào virus và tiêu diệt chúng ngay lập tức. Trận chiến xảy ra ở mũi của tình nguyện viên kết thúc nhanh tới nỗi không tạo ra phản ứng miễn dịch đáng chú ý nào. Chiến thắng rõ ràng nghiêng về phía các tế bào miễn dịch người.
Bởi virus đã bị tiêu diệt ngay tại khoang mũi, chúng không kích hoạt được phản ứng tế bào bạch cầu gây viêm trong máu, từ đó không gây ra triệu chứng. Quá trình theo dõi sau đó cũng cho thấy 7tình nguyện viên này không hề bị nhiễm bệnh suốt 1 năm sau đó.
Các nhà nghiên cứu cũng xác định được sự biểu hiện gia tăng của gen HLA-DQA2 trong các tế bào niêm mạc mũi của các tình nguyện viên trước khi họ được nhỏ virus. Trong các nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học cũng tìm thấy HLA-DQA2 có liên quan đến các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Khi những giọt dung dịch chứa virus SARS-CoV-2 đầu tiên chảy vào mũi, Alastair Fraser-Urquhart, một trong số 36 tình nguyện viên tham gia vào thí nghiệm thử thách trên người với COVID-19 tại Bệnh viện Royal Free nhận ra đó là điều đáng sợ nhất trong cuộc đời mà anh từng làm.
Chàng sinh viên 19 tuổi đang nằm ngửa cổ khỏi thành giường. Anh có thể đếm được có 8 hoặc 9 người đang đứng xung quanh mình. Họ đều đội mũ trùm áp suất dương che kín mặt – một trong những đồ bảo hộ bắt buộc khi tiếp xúc với tác nhân sinh học. Quang cảnh giống như trong một bộ phim khủng bố bắt cóc.
"Một trong số những người đó còn đếm ngược từng giây, như thể mọi thứ chưa đủ kinh hoàng hay sao", Fraser-Urquhart nói. "Rồi bạn có thể cảm thấy những giọt virus đang chảy xuống, cảm giác thật chết tiệt. Nó có vị giống như mùi mà bạn thấy trong phòng thí nghiệm khoa học ở trường".
Không nằm trong số 7 tình nguyện viên miễn nhiễm với COVID, sau thí nghiệm, Fraser-Urquhart đã mắc bệnh. Điều đó đòi hỏi anh trải qua 14 ngày khó khăn trong phòng cách ly. "Các triệu chứng giống như việc bị mắc một cơn cảm lạnh nặng", Fraser-Urquhart nói. "Phải đến khi thực sự nhiễm bệnh, tôi mới cảm thấy tôn trọng sức mạnh của chủng virus này".
Tổng cộng, Fraser-Urquhart đã phải trải qua hơn 100 lần chọc mũi để lấy mẫu bệnh phẩm, cùng với hàng loạt xét nghiệm máu, chức năng khứu giác, chụp cắt lớp phổi trong 2 tuần, trước khi anh được ra viện với kết quả âm tính.
Cùng với 35 tình nguyện viên khác trong nghiên cứu, dữ liệu từ các thử nghiệm của Fraser-Urquhart đã giúp các nhà khoa học lần đầu tiên xây dựng được dòng thời gian toàn diện về phản ứng ban đầu của cơ thể khi tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.
"Những phát hiện này đã làm sáng tỏ những sự kiện ban đầu quan trọng, cho phép virus bám trụ hoặc nhanh chóng bị loại bỏ trước khi các triệu chứng phát triển.
Hiện chúng tôi đã hiểu rõ hơn nhiều về toàn bộ các phản ứng miễn dịch, có thể cung cấp cơ sở để phát triển các phương pháp điều trị và vắc-xin tiềm năng mô phỏng các phản ứng bảo vệ tự nhiên này", tiến sĩ Marko Nikolić, một trong số đồng tác giả nghiên cứu đến từ đại học College London, cho biết.
Cần phải nhắc lại một thực tế rằng, tất cả các loại vắc-xin mà chúng ta phát triển từ đầu đại dịch COVID-19 đến nay không hề có tác dụng phòng chống lây nhiễm ngay từ ban đầu, mà chỉ có tác dụng ngăn ngừa bệnh nặng và giảm tỷ lệ tử vong sau khi đã mắc phải COVID-19.
Một số người không cần tiêm vắc-xin vẫn miễn nhiễm với COVID-19, trong khi đó, những người tiêm vắc-xin vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh.
"Chương trình nghiên cứu này cung cấp những hiểu biết độc đáo về cách hệ thống miễn dịch bảo vệ chúng ta khỏi nhiễm trùng mà không thể đạt được ở bất kỳ hoàn cảnh nào khác", Giáo sư Christopher Chiu, đến từ Khoa Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London, người đứng đầu nghiên cứu thử thách trên người về COVID-19, cho biết.
"Những phát hiện này không chỉ có tác động quan trọng đến việc phát triển các biện pháp can thiệp thế hệ tiếp theo để phòng ngừa SARS-CoV-2, mà còn có thể áp dụng rộng rãi cho các đợt bùng phát và đại dịch khác trong tương lai".
Trong y học, chiến lược lây nhiễm mầm bệnh sang cho người khỏe mạnh đã có một lịch sử lâu dài, ít nhất là từ năm 1796, sau khi bác sĩ người Anh Edward Jenner lấy dịch từ mụn nước của một cô gái mắc bệnh đậu bò để chích sang tay James Phipps, một cậu bé 9 tuổi, với hi vọng virus đậu bò có thể giúp tạo ra phản ứng miễn dịch với virus đậu mùa trên người.
Kết quả là James Phipps sau đó đã thực sự miễn nhiễm với căn bệnh. Mụn nước chứa virus đậu bò đã trở thành loại vắc-xin đầu tiên, mở ra kỷ nguyên con người có thể chủ động "hack" vào hệ miễn dịch để phòng bệnh cho chính mình.
Các thí nghiệm thử thách trên người sau đó đã lần lượt được thực hiện với bệnh tả, bệnh lỵ, lao, sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết, ho gà… Vương Quốc Anh có thể được coi là một cái nôi lâu đời của thí nghiệm thử thách trên người, khi sang đến thế kỷ 20, họ đã thành lập riêng một Đơn vị Nghiên cứu Cảm lạnh (CCU) tại một bệnh viện quân y cũ với hi vọng thực hiện các thử nghiệm trên người và tìm ra vắc-xin phòng cúm.
CUU hoạt động từ năm 1946-1989 tuyển dụng hàng nghìn tình nguyện viên sẵn sàng tới đây để phơi nhiễm với virus. Năm 1960, cơ sở này thậm chí đã tiến hành một loạt thí nghiệm thử thách trên người với chủng virus corona đầu tiên, B814, một họ hàng của SARS-CoV-2.
Một thống kê trên tạp chí Nature cho thấy từ năm 1980 tới nay đã có 284 thí nghiệm thử thách trên người được thực hiện. Hơn 14.000 người đã tự nguyện lây nhiễm mầm bệnh vào cơ thể mình và đối mặt với nguy hiểm.
Không có gì phải nghi ngờ, các thí nghiệm thử thách trên người này sẽ cung cấp những hiểu biết độc đáo cho các nhà khoa học về nhiều căn bệnh khác nhau, trong đó có COVID-19. Thế nhưng, đây cũng là loại hình thí nghiệm gây ra nhiều tranh cãi nhất.
Mâu thuẫn đầu tiên là việc chủ động lây nhiễm mầm bệnh sang con người đi ngược lại với Lời thề Hippocrates, rằng các bác sĩ không bao giờ được phép gây hại cho bệnh nhân hoặc khiến một người khỏe mạnh bị nhiễm bệnh.
Thế nhưng, nếu việc lây nhiễm mầm bệnh cho một vài người có thể tạo ra những kiến thức hoặc một loại vắc-xin cứu sống hàng trăm ngàn người khác thì sao? Điều này đưa chúng ta tới với với mâu thuẫn thứ hai, là một trong những bài toán khó nhất của triết học được gọi là "Bài toán tàu điện":
Có một chiếc tàu điện đang chuẩn bị đâm vào 5 công nhân làm việc trên đường ray phía xa. Nếu đẩy một người đang đứng cạnh bạn xuống đường ray, bạn sẽ có thể dừng con tàu lại và cứu sống 5 công nhân đó. Liệu bạn có hi sinh 1 người vô tội để cứu 5 người hay không?
Vấn đề đạo đức của nghiên cứu
Trong các thí nghiệm thử thách trên người với COVID-19, các nhà khoa học đã cố gắng giải quyết bài toán đạo đức bằng cách chỉ lựa chọn những người có sức khỏe tốt tham gia. Điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro tử vong xuống mức thấp nhất có thể.
Giáo sư Christopher Chiu đến từ Khoa Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London, người đứng đầu nghiên cứu thử thách trên người về COVID-19, cho biết: 36 tình nguyện viên tham gia vào nghiên cứu là những người khỏe mạnh nhất đã được sàng lọc từ gần 27.000 người điền vào đơn đăng ký tham gia thử nghiệm.
Họ đã được khám sức khỏe tổng thể, từ chiều cao, cân nặng, xét nghiệm máu, dịch mũi họng, chức năng phổi… Tất cả để đảm bảo tình nguyện viên hoàn toàn khỏe mạnh và có khả năng chịu đựng tốt trong quá trình tham gia.
Trên thực tế, nhiều tình nguyện viên tham gia nghiên cứu là những vận động viên sức bền ưu tú, những người có thể hoàn thành giải chạy hơn 200 km trong 6 ngày và bơi liên tục 42 km trong 18 tiếng. Thế nhưng, họ vẫn có nguy cơ bị loại nếu có xu hướng chảy máu mũi hoặc chảy nhiều nước mắt.
Đó là bởi, sức bền trong nghiên cứu này được tính bằng số lần chọc que thử nghiệm để lấy dịch mũi họng. Mỗi tình nguyện viên đều phải làm điều đó hơn 100 lần, đòi hỏi niêm mạc mũi của họ cũng phải dày dặn và khỏe mạnh.
Chuyển từ quá trình sàng lọc sang tiến hành thử nghiệm, từng bước của thí nghiệm phải được sự phê duyệt bởi một ủy ban đạo do Cơ quan Nghiên cứu Y tế Anh thành lập. Ngoài ra, ở Anh cũng có hơn 60 ủy ban đạo đức khoa học và y tế khác sẵn sàng tham gia đánh giá nghiên cứu, đảm bảo các thí nghiệm trong đó được thực hiện một cách có trách nhiệm.
Các tình nguyện viên được giải thích cặn kẽ về các nguy cơ, rủi ro mà họ có thể gặp phải trong quá trình tham gia nghiên cứu. Họ sẽ ngồi cùng ít nhất 2 bác sĩ để đọc hơn 30 trang tài liệu, đính kèm đơn đồng ý tham gia nghiên cứu của họ. Điều này nhằm đảm bảo tình nguyện viên không cảm thấy họ bị các nhà khoa học đẩy xuống đường ray tàu hỏa trong "Bài toán xe đẩy".
Ngay cả trong trường hợp xấu nhất, khi có bất kỳ tình nguyện viên nào gặp các biến chứng nặng từ nghiên cứu, họ cũng sẽ được chính phủ Anh cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trọn đời thông qua hệ thống bệnh viện công (NHS).
Không khó để nhận thấy, bằng sự chuẩn bị sẵn sàng và kinh nghiệm thực hiện thí nghiệm thách thức trên người trong hơn 2 thế kỷ, Vương Quốc Anh đã vượt qua tranh cãi về mặt đạo đức để trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt loại hình thử nghiệm này đối với COVID-19.
Không thể phủ nhận một thực tế, tiền công của quá trình tham gia Thí nghiệm thử thách trên người là một trong những yếu tố hấp dẫn tình nguyện viên đăng ký tham gia. Trong thí nghiệm với COVID-19 ở Anh, mỗi tình nguyện viên sẽ nhận được 4.500 Bảng cho 2 tuần cách ly ở bệnh viện và các đợt tái khám trong thời gian theo dõi kéo dài 1 năm.
Giữa bối cảnh đại dịch gây ra tình trạng thất nghiệp diện rộng, đó thực sự là một số tiền lớn cho một công việc thời vụ. Đối với một số thí nghiệm thử thách trên người khác với mức rủi ro cao hơn, tình nguyện viên có khả năng sẽ nhận được tiền công lớn hơn.
Chẳng hạn như 1Day Sooner, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ cho các tình nguyện viên tham gia vào thử nghiệm y khoa tại Anh, đang kêu gọi tăng tiền công cho một số thí nghiệm lây nhiễm chủ động virus viêm gan C cho người khỏe mạnh.
Theo đó, các tình nguyện viên có thể nhận được tới 20.000 USD, tương đương hơn 500 triệu VNĐ cho rủi ro nhiễm bệnh của họ. Khác với các đợt ốm ngắn ngày do COVID-19, virus viêm gan C có thể gây ra các triệu chứng kéo dài từ 4-6 tháng trên 25% tình nguyện viên phơi nhiễm với virus. 1Day Sooner cho biết với rủi ro đó, họ xứng đáng được trả số tiền cao hơn từ 3-4 lần.
Thế nhưng, việc trả quá nhiều tiền cho các tình nguyện viên tham gia thí nghiệm thử thách trên người có thể khiến một số nhà đạo đức y khoa tỏ ra lo lắng.
Họ cho rằng nếu các thử nghiệm quá nhấn mạnh đến khía cạnh tiền công, loại hình thí nghiệm trên người này có khả năng thu hút một lượng lớn trong nhóm dân số thu nhập thấp, những người muốn "bán" sức khỏe của mình để đổi lấy một khoản tiền. Điều này được cho là hành vi bóc lột, có khả năng nới rộng các bất công vốn có trong xã hội.
Nhưng ngược lại, nếu tình nguyện viên tham gia thử nghiệm không được đền bù thỏa đáng cho thời gian và rủi ro sức khỏe của họ, thì đó cũng là một sự bóc lột. Vì vậy, trợ cấp cho tình nguyện viên tham gia nghiên cứu là cần thiết, nhưng số tiền phải phù hợp với từng thử nghiệm, dựa trên khối lượng công việc, thời gian, độ rủi ro, sự không chắc chắn cũng như động cơ của người tham gia và nhu cầu tuyển dụng từ nhóm nghiên cứu.
Về phần mình, một số tình nguyện viên bao gồm Fraser-Urquhart nói rằng họ không hề có động cơ về tiền khi tham gia các thí nghiệm thử thách trên người với COVID-19. "Các tình nguyện viên khi tham gia sẽ được trả 4.500 Bảng Anh, đó chỉ là số tiền dựa trên mức lương tối thiểu ở London mà thôi", anh nói. "Ngay khi nhận được số tiền này, tôi sẽ quyên góp tất cả chúng cho các tổ chức từ thiện".
"Bồi thường cho tình nguyện viên tham gia nghiên cứu là một việc tốt, nhưng nó sẽ khiến nhiều người nghĩ rằng chúng tôi làm điều đó chỉ vì tiền. Tôi có thể nói công khai rằng tôi sẽ không nhận số tiền đó. Tôi không thực sự cần tiền vào thời điểm này trong cuộc đời mình", Fraser-Urquhart nhấn mạnh.
"Chỉ có một lý do đơn giản thôi thúc tôi tham gia thử thách này, vì đó là cách tôi có thể giúp nhân loại tiến lên trong cuộc chiến với virus corona mới. Tôi cảm thấy việc mình tình nguyện nhiễm virus đang góp phần chấm dứt những nỗi thống khổ mà dịch bệnh đang gây ra cho con người".
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời