Thị phần chỉ bằng 1/3 nhưng Realme đang thực sự đe dọa Xiaomi
Bất kể là với đối thủ nào, Xiaomi đều có thể vận dụng chiêu bài quen thuộc: cấu hình/mức giá. Với Realme, chiêu bài ấy là hoàn toàn vô nghĩa - bởi Realme cũng có một vũ khí giống hệt.
Toàn cảnh cuộc chiến smartphone sau quý 3/2019 mang đến rất nhiều những điều bất ngờ. Huawei, sau lệnh cấm vận của Mỹ, vẫn đứng vững bằng cách "lấy máu" của các đồng hương Trung Quốc. Samsung, bất chấp sức cạnh tranh mạnh mẽ từ Apple và smartphone Trung Quốc, vẫn chứng kiến doanh số tăng 11%, củng cố vị thế dẫn đầu. Apple, dù đã ra mắt thế hệ iPhone 11 Pro được đón nhận tốt, cuối cùng vẫn chứng kiến doanh số iPhone "bốc hơi" thêm 3 triệu chiếc so với cùng kỳ 2018.
Nhưng bất ngờ hơn cả có lẽ là một ngôi sao vừa mới bừng sáng – Realme. Kết thúc quý thứ 3 trong năm, hãng con của OPPO đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng lên tới gần 800%. Từ chỗ là một tên tuổi ít người biết đến, Realme giờ đã trở thành thương hiệu lớn nhất bên ngoài top 6 quen thuộc (Samsung, Huawei, Apple, Xiaomi và OPPO/Vivo).
Thành công của Realme đến từ giá bán rẻ hơn Xiaomi, cấu hình cao hơn Xiaomi và chất lượng chế tác ngang tầm OPPO.
Không khó để nhận ra tốc độ tăng trưởng thần kỳ của Realme đến từ đâu. Realme C2 có giá tại Ấn Độ chỉ vào khoảng 2 triệu đồng; Realme 3 có giá 3 triệu đồng. Mẫu smartphone mới nhất của Realme này là X2 Pro có chip Snapdragon 855 , màn hình Super AMOLED và 4 camera độ phân giải tối đa 64MP ở mức giá chỉ 400 USD. Ở mức giá đắt hơn, Mi 9 của Xiaomi chỉ dùng Snapdragon 855 "thường" thay vì bản cập nhật 855 như Realme.
Nói cách khác, Realme đang áp dụng rất thành công chiến lược đặc trưng của Xiaomi: phá giá cấu hình để đổi lấy doanh số. Thậm chí, bạn còn có thể tin rằng Realme đã lấy đi linh hồn của Xiaomi... Người mua Xiaomi chẳng có lý do nào ngoài cấu hình cao trên giá bán rẻ. Nay, họ có thể chuyển sang Realme "trong một nốt nhạc" vì lý do tương tự. Thậm chí, Realme còn đến từ BBK, công ty vốn đã có danh tiếng khá tốt về chất lượng phần cứng trên các thương hiệu như OPPO, OnePlus và Vivo.
Trong quý 3, Realme bán được tổng cộng 10,2 triệu smartphone, tăng 8,9 triệu đơn vị so với cùng kỳ năm ngoái. Ở phía đối nghịch, Xiaomi lại bị suy giảm doanh số tới 2 triệu đơn vị. Tại Ấn Độ - thị trường có lẽ là quan trọng thứ nhì (sau Trung Quốc) đối với Xiaomi, Realme đã kịp vươn lên vị trí thứ 4. Nếu không vì sự xuất hiện của Realme, hàng triệu người dùng ưa chuộng cấu hình cao giá hời tại thị trường đông dân thứ hai thế giới có lẽ đã tìm đến với Xiaomi.
Trong cái khó chung của thị trường toàn cầu, Realme đang "ăn" hết phần tăng trưởng tiềm năng của các hãng khác - bao gồm Xiaomi.
Hơn bao giờ hết, Xiaomi đang rất cần những con số tăng trưởng này. Doanh số và thị phần toàn cầu của Xiaomi vốn đã suy giảm từ quý 2, trong đó một phần nguyên nhân quan trọng có thể là do tác dụng "ngược" của chiến tranh thương mại Mỹ Trung: người tiêu dùng Trung Quốc quay ra ủng hộ Huawei và bỏ quên các thương hiệu Trung Quốc khác như OPPO, Vivo và Xiaomi. Buộc lòng, các hãng Trung Quốc (ngoài Huawei) phải hướng ra thị trường nước ngoài, điển hình là Ấn Độ và Đông Nam Á.
Nhưng Ấn Độ và Đông Nam Á cũng là những thị trường mũi nhọn do OPPO/BBK vạch sẵn cho Realme. Và bởi tập trung vào các thị trường mới, nhờ phá giá hơn cả Xiaomi nên Realme đã ăn hết phần tăng trưởng tiềm năng của cả thị trường smartphone: trên phạm vi toàn cầu, Xiaomi suy giảm 2 triệu máy, OPPO giảm 1 triệu máy, Vivo giảm 1 triệu máy còn Realme tăng tới gần 9 triệu máy. Một lần nữa, phần tăng trưởng ấy có lẽ đã về tay Xiaomi nếu như Realme không xuất hiện và "ngáng đường". Realme đã lấy của Xiaomi những con số cần thiết để thuyết phục nhà đầu tư rằng, kinh doanh smartphone phá giá cấu hình thực sự có tương lai.
Khi các nhà đầu tư gia tăng sức ép, liệu Xiaomi có thể phá giá hơn nữa để đối địch với Realme?
Con đường sống khả dĩ cho Xiaomi đang vô cùng bấp bênh. Cạnh tranh lên (cận) cao cấp ư? Chưa bàn tới iPhone hay Galaxy, OPPO Reno và OnePlus đã đang rất thành công ở phân khúc này rồi. Chuyển hướng Internet ư? Có lẽ là không bao giờ, bởi người dùng Xiaomi vốn đã dè xẻn khi mua smartphone liệu có dám sẵn sàng vung tay mua vật phẩm ảo?
Đến cuối cùng, Xiaomi chỉ còn có cách quay trở lại với triết lý phá giá cấu hình, "tất tay" hơn nữa để đối đầu cùng Realme. Nhưng trong nhiều quý vừa qua, cổ phiếu Xiaomi đã liên tục lao dốc, nhà đầu tư càng ngày càng tỏ ra khắt khe về triển vọng lợi nhuận trong tương lai. Nếu tiếp tục đẩy Redmi vào những khung cấu hình "tất tay" hơn, Xiaomi sẽ càng kiệt quệ.
Còn Realme thì có OPPO, có tập đoàn mẹ BBK đứng sau. Quý vừa rồi, tổng doanh số các thương hiệu BBK đã gần tiệm cận Samsung ở vị trí số 1 thế giới. Nếu phải chiến tranh lâu dài, Xiaomi chắc chắn sẽ gục ngã dưới mũi dao của BBK - mũi dao mang tên Realme.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao cây cối gãy đổ ngổn ngang sau bão Yagi, chỉ riêng cây cau là đứng vững?
Cau có thể tồn tại ở các quốc gia giáp Thái Bình Dương, từ kỷ Phấn trắng cho tới ngày nay, bởi tiến hóa đã trang bị cho loài cây này những đặc tính để đứng kiên cường trong gió bão.
Loài cá 50 triệu năm tuổi này đã khiến các nhà khoa học bối rối trong suốt 200 năm!