Thị trường iPhone Lock sau sự cố SIM ghép 4G bị vô hiệu hóa: Người dùng quay lưng, thương gia khốn đốn

    Bình Minh,  

    Người dùng ôm cục tức vì không thể sử dụng được máy, trong khi thương gia kinh doanh iPhone lock lại đang đau đầu với lượng hàng tồn và vấn đề về hậu mãi.

    Gần 1 tháng trước, cộng đồng sử dụng iPhone lock tại Việt Nam đã đón nhận tin dữ khi SIM ghép 4G - món "bảo bối" giúp người dùng có thể sử dụng iPhone lock đã bất ngờ bị vô hiệu hóa. Khi người dùng đưa SIM ghép và SIM thật vào iPhone lock, thông báo "SIM không hợp lệ" sẽ hiện ra khiến người dùng không thể active máy để sử dụng nữa.

     Lỗi SIM không được hỗ trợ khi người dùng ghép SIM với iPhone Lock

    Lỗi "SIM không được hỗ trợ" khi người dùng ghép SIM với iPhone Lock

    Mặc dù đã có một số giải pháp được đưa ra để iPhone lock có thể nhận SIM và lên sóng, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc tất cả các lỗi đều được giải quyết triệt để. Cụ thể, một số lỗi phổ biến thường gặp là danh bạ phải lưu đầu số 84, phải chuyển vùng dữ liệu nếu muốn dùng 3G/4G...

    Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn cả là lỗi trên một dòng máy đến từ Mỹ như iPhone 5c/5s, iPhone 7/7 Plus hay tất cả các máy thuộc nhà mạng Sprint. Cụ thể, những loại máy này thường có sóng rất thiếu ổn định, thường bị tình trạng văng active (đang sử dụng bỗng dưng yêu cầu kích hoạt lại), không thực hiện được cuộc gọi và người khác gọi đến cũng báo "Thuê bao không liên lạc được". Đây là một lỗi rất nghiêm trọng do nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính năng quan trọng nhất của một chiếc điện thoại.

    Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một loại SIM ghép mới với công năng "thần thánh" sửa được mọi lỗi, tương thích mọi nhà mạng như SIM ghép 4G đợt vừa qua. Điều này đã trực tiếp tạo nên sức ép cho cả người dùng và các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này.

    Về phía người dùng, sau sự cố với SIM ghép, đa phần đều cảm thấy mất lòng tin với iPhone lock. Khi được hỏi, nhiều người dùng đang sử dụng iPhone lock đều không có ý định tiếp tục sử dụng dòng máy này trong tương lai, mà họ sẽ chuyển sang sử dụng máy quốc tế.

    Tương tự như vậy, người dùng đang có ý định mua iPhone lock cũng đều tạm hoãn kế hoạch mua sắm của mình, đa phần là để tích cóp thêm mua bản quốc tế (có giá cao hơn khoảng 1.5-3 triệu đồng so với bản lock, tùy từng dòng máy). Một số người dùng vẫn nuôi hy vọng về một loại SIM ghép mới, tuy nhiên với tình hình hiện nay thì niềm hy vọng này đang ngày một khép lại.

    Về phía các cửa hàng, đa số đều đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ những chiếc máy tồn cũng như hậu mãi cho những chiếc máy đã bán ra. Trước đây khi SIM ghép 4G còn hoạt động, các thương gia Việt Nam đã "vô tư" nhập máy từ mọi nhà mạng, bao gồm cả các máy đến từ Mỹ và nhà mạng Sprint. Sức mua kém sau sự cố, cộng thêm người dùng "tẩy chay" các dòng máy đến từ mạng Sprint khiến lượng hàng tồn lại rất lớn.

    Không còn cách nào khác, một số cửa hàng buộc phải thanh lý các máy đến từ với giá rẻ. Thậm chí, một cửa hàng còn phải thanh lý iPhone 6 lock với giá chỉ 3 triệu đồng do model này đến từ nhà mạng lạ, không thể ghép SIM và cũng không thể mua code để mở mạng (unlock) thành quốc tế. Người dùng mua máy này sẽ không thể nghe gọi, nhắn tin hay dùng 3G mà chỉ có thể sử dụng Wi-Fi như một chiếc iPod.

     Cửa hàng thanh lý iPhone 6 lock với giá rẻ như iPod

    Cửa hàng thanh lý iPhone 6 lock với giá rẻ như iPod

    Sức mua kém, chủ các cửa hàng này còn đau đầu với các khách hàng cũ do họ phàn nàn về việc không thể sử dụng được máy. Trước đó, đa số các cửa hàng đều đã cảnh báo với người dùng về việc không đặt lại, tháo SIM cũng như cập nhật thiết bị. Tuy nhiên, không phải tất cả người dùng đều biết được thông tin này và đã vô tình khiến máy bị khóa.

    Đa số các cửa hàng đều đưa ra giải pháp là tạm thời ghép SIM và mong người dùng tạm thông cảm "sống chung với lũ" chờ SIM ghép khác ổn định hơn. Đối với một số trường hợp sử dụng không ổn định, người dùng được khuyên nên mở mạng để thành máy quốc tế với mức giá hỗ trợ từ cửa hàng. Tuy nhiên, chi phí mở mạng vẫn là không hề nhỏ và thường lên đến cả triệu đồng (ví dụ như với nhà mạng Sprint là khoảng 2.5 triệu đồng).

    Đa số người dùng đều cảm thấy không hài lòng với cả hai phương án này. Họ không muốn dùng một chiếc máy thiếu ổn định, nhưng cũng không muốn bỏ một số tiền lớn để mở mạng. Không ít người dùng cảm thấy tức giận do ở thời điểm mua máy, nhiều cửa hàng từng quả quyết rằng loại SIM ghép 4G này sẽ biến máy lock hoạt động như quốc tế, người dùng có thể yên tâm sử dụng. Sự tự tin của cửa hàng đã khiến họ quyết định mua máy lock. Nay khi sự cố xảy ra, cửa hàng không thể thu máy hay hoàn trả lại tiền (do khoản lỗ quá lớn), trong khi người dùng lại phải ôm "cục tức". Uy tín và hình ảnh của cửa hàng trong mắt người dùng cũng vì thế mà suy giảm.

     Nhiều cửa hàng đang trở nên mất uy tín trong mắt khách hàng sau sự cố SIM ghép 4G

    Nhiều cửa hàng đang trở nên mất uy tín trong mắt khách hàng sau sự cố SIM ghép 4G

    Như đã nói ở trên, do đây là thời điểm nhạy cảm nên đa số cửa hàng đều nhập hàng với số lượng nhỏ giọt. Khâu phân loại và kiểm tra cũng được thực hiện gắt gao hơn, khi tất cả các cửa hàng đều ngừng nhập máy Sprint và các nhà mạng khó ghép SIM, cũng như các dòng máy không hoạt động ổn định. Nhiều cửa hàng cho biết, iPhone 6s và 6s Plus đang là dòng máy lock "lành" nhất hiện nay khi SIM ghép hoạt động tốt với cả phôi SIM 3G và 4G, vậy nên đây cũng sẽ là dòng máy chủ lực được các cửa hàng nhập về bán trong thời gian tới.

    Theo những gì chúng tôi tham khảo từ thị trường, giá iPhone lock trong thời gian qua đã giảm khoảng từ 300-500 nghìn đồng so với trước đây. Mẫu iPhone lock được bày bán phổ biến nhất hiện nay là iPhone 6s có giá khoảng 4.5 triệu đồng, trong khi phiên bản iPhone 6s Plus màn hình lớn có giá khoảng 6 triệu đồng.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ