Thị trường tiền số bốc hơi 200 tỷ USD trong 24 giờ

    Phương Linh, Theo Nhịp sống Kinh tế 

    (Tổ Quốc) - 200 tỷ USD bị quẹt sạch khỏi thị trường tiền số trong 24 giờ qua.

    Theo ước tính từ trang web theo dõi giá CoinMarketCap, một đợt bán tháo lớn tiền số đã quét sạch hơn 200 tỷ USD khỏi thị trường chỉ trong 24 giờ.

    Sự lao dốc với quy mô lớn kể trên 1 phần do sự sụp đổ của stablecoin TerraUSD, việc này đã ảnh hưởng nặng nề đến các token lớn. Bitcoin đã giảm tới 10% trong ngày qua xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020, trong khi giá Ethereum giảm tới 16%.

    Sự sụp đổ có dấu hiệu lan rộng hơn nữa vào thứ năm khi các cổ phiếu liên quan đến tiền số ở châu Á cũng giảm giá. Công ty fintech niêm yết tại Hồng Kông có tên BC Technology Group Ltd. đóng cửa phiên chứng kiến cổ phiếu giảm 6,7%. Cổ phiếu tập đoàn Monex của Nhật Bản - công ty sở hữu TradeStation và Coincheck kết thúc ngày giảm 10%.

    Thị trường tiền số bốc hơi 200 tỷ USD trong 24 giờ - Ảnh 1.

    Khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, các token kỹ thuật số đã phải đối mặt với áp lực bán ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều rủi ro hơn.

    Tuy nhiên, các nhà đầu tư tiền số vốn không còn xa lạ gì với những biến động dữ dội trên thị trường. Kết quả là Bitcoin và Ethereum đã thu hẹp đà giảm và kết thúc phiên giảm lần lượt giảm 4,2% và 9% vào lúc 4:45 chiều, theo giờ Hong Kong.

    Theo hãng tin CNBC, các số liệu nghiên cứu cho thấy 40% người chơi Bitcoin đang "nằm dưới nước" (Underwater), nghĩa là giá trị đồng tiền số họ giữ thấp hơn số tiền ban đầu họ bỏ ra.

    Cụ thể, báo cáo của hãng phân tích số liệu Glassnote cho thấy Bitcoin đã mất 55% giá trị kể từ giai đoạn đỉnh tháng 11/2021 và tỷ lệ người chơi Bitcoin "nằm dưới nước" còn lớn hơn nữa nếu tính cả những nhà đầu cơ ngắn hạn trong 6 tháng qua khi mua vào ở mức giá 69.000 USD.

    Ngoài ra, báo cáo của Glassnote còn cho thấy 15,5% số ví Bitcoin trên toàn cầu trong tháng qua đã rơi vào tình trạng thua lỗ chưa kết toán (Unrealized Loss-Lỗ nhưng chưa bán) khi đồng tiền số này có lúc xuống mức 30.000 USD.

    Báo cáo của Glassnote cũng chỉ ra "từ Cá voi cho đến cá bé" của thị trường tiền số hầu như đều đã đảo chiều quan điểm về thị trường tiền số. Những ví điện tử có hơn 10.000 Bitcoin là đối tượng bán chính trong vài tuần qua, trong khi những nhà đầu cơ nhỏ lẻ hô hào mua vào (phần lớn là những ví có ít hơn 1 Bitcoin) lại đang ngày càng ít hơn so với tháng 2-3/2022.

    Đồng quan điểm, hãng Fundstrat Global Advisors đã dự đoán Bitcoin có thể giảm xuống đến 29.000 USD và khuyến nghị nhà đầu tư nên có biện pháp dự phòng rủi ro trong 1-3 tháng tới.

    "Thảm hoạ" TerraUSD

    Thời gian vừa qua đồng stablecoin điều khiển bằng thuật toán TerraUSD (UST) đã mất giả thảm hoạ do các nhà đầu tư bán tháo và chờ đợi những động thái giải cứu từ nhà sáng lập Do Kwon. Trước khi vụ đổ vỡ diễn ra, tổng giá trị vốn hóa của UST vào khoảng 18,4 tỷ USD thì hiện nay chỉ còn khoảng 7,5 tỷ USD.

    Tương tự, đồng Luna đã mất giá từ mức đỉnh 120 USD xuống quanh mốc 0,002 USD chỉ trong 1 tháng. Tổng mức vốn hóa của đồng tiền này đã từ 36 tỷ USD xuống chỉ còn hơn 85 triệu USD, giảm 94%.

    Thị trường tiền số bốc hơi 200 tỷ USD trong 24 giờ - Ảnh 2.

    Thông thường, những stablecoin là những đồng tiền số được neo vào một tài sản ổn định như vàng hay tiền pháp định (USD, EUR...). Trên thị trường hiện nay có một số đồng như USDT hay USDC đều neo vào đồng USD.

    Tuy nhiên UST lại là đồng tiền số có tham vọng loại bỏ tài sản đảm bảo ổn định này nhằm từ bỏ hoàn toàn sự tham gia của ngân hàng, qua đó trở thành tiêu chuẩn cho tỷ giá giao dịch tiền số.

    Cụ thể, nền tảng của Terra cho phép đồng UST và Luna chuyển đổi lẫn nhau theo tỷ giá cố định. Nghĩa là dù 1 đồng UST có có giá thế nào trên thị trường thì vẫn đổi được 1 USD giá trị đồng Luna và ngược lại. Nhờ cơ chế này, nhà đầu tư có thể đầu cơ ăn chênh lệch cũng như giữ được mức giá tiêu chuẩn danh nghĩa về lý thuyết.

    Theo như quảng cáo, đồng UST sẽ neo được mức tỷ giá danh nghĩa 1 UST đổi 1 USD nhờ cơ chế đốt tiền. Nghĩa là để đổi đồng Luna thì nền tảng Terra sẽ đốt lượng đồng UST tương ứng và ngược lại, qua đó tự điều chỉnh cung cầu.

    Ngoài ra, việc giữ tỷ giá danh nghĩa trên nền tảng Terra cũng kích thích các nhà đầu cơ giao dịch nhằm ăn chênh lệch, qua đó giúp cân bằng thị trường để đưa tỷ giá thực về mức tiêu chuẩn danh nghĩa.

    Tuy nhiên, việc neo 1 đồng tiền số vào một đồng tiền số khác và ngược lại rồi dùng cơ chế thuật toán để đốt bớt các đồng tiền khi chuyển đổi cũng có rủi ro. Đó là khi cả 2 đồng tiền đều mất giá vì nhà đầu cơ mất niềm tin vào cả 2, khi đó sẽ chẳng có giao dịch cân bằng thị trường vì mọi người đều muốn bán ra chốt lời.

    Nguồn: Bloomberg, CNBC

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ