"Thiên tài chứng khoán" Nhật Bản từng lãi 2 tỷ yên nhờ một lệnh đặt nhầm: Từ chối lời mời làm việc của tỷ phú "liều ăn nhiều" để ở nhà... chơi game và ăn mì
Mỗi ngày, người đàn ông này có thể kiếm được số tiền vượt quá thu nhập trung bình hàng năm của một nhân viên văn phòng tại Nhật Bản.
Nhắc đến Takashi Kotekawa, giới chứng khoán Nhật Bản không ai là không biết. Anh được xem là thiên tài chứng khoán thế hệ mới, có biệt danh là "thần giao dịch trong ngày".
Năm thứ ba đại học, Kotegawa Takashi vẫn chỉ là một cậu sinh viên bình thường. Thế nhưng, vào thời điểm tốt nghiệp, anh đã sở hữu trong tay khối tài sản "khủng". Chỉ trong vòng 8 năm, anh đã nhân số tiền khởi điểm lên gấp 10.000 lần. Tài sản cá nhân của người đàn ông này cũng đạt mức 200 tỷ yên (khoảng 1,8 tỷ USD).
Trong một buổi phỏng vấn với giới truyền thông, khi được phóng viên hỏi làm thế nào để trở nên giàu có, Takashi trả lời: "Nếu chỉ quan tâm đến tiền, bạn sẽ không thể giao dịch thành công".
Trở thành "vị thần chứng khoán" thế hệ mới nhờ 1 lệnh đặt nhầm
Kotegawa Takashi sinh năm 1978, tại thành phố Ichikawa, tỉnh Chiba. Năm 2000, khi đang là sinh viên năm ba ngành Luật tại một trường đại học tư thục ở Tokyo, anh bắt đầu đầu chơi cổ phiếu với số vốn 1,6 triệu yên kiếm được từ thu nhập làm thêm.
Mỗi ngày, Takashi đều dùng ID B.N.F để tham gia diễn đàn trực tuyến nổi tiếng nhất Nhật Bản 2channel. B.N.F (theo cách đọc của người Nhật là V.N.F) là viết tắt của Victor Niederhofer - một nhà đầu tư thiên tài người Mỹ. Vì quá thần tượng Niederhofer, Takeshi đã lấy tên ông để làm biệt danh cho mình.
Năm 2005, Kotegawa Takashi chớp được thời cơ hiếm có trong lịch sử chứng khoán Nhật Bản, hay còn gọi là "cú sốc J-com".
Vào thời điểm đó, một nhân viên của Công ty Chứng khoán Mizuho đang giúp J-com bán đi một số cổ phiếu trị giá 610.000 yên. Thế nhưng, người này đã đặt lệnh nhầm thành 1 yên/610.000 cổ phiếu.
Chỉ trong vòng 30 phút, hàng loạt các nhà đầu tư đổ xô vào mua, trong khi J-com chỉ bán có 14.500 cổ phiếu. Takashi cũng là một trong số đó. Anh đã mua ngay 7.100 cổ phiếu và bán chúng ra trong ngày hôm sau, khi Mizuho đăng thông báo mua lại cổ phiếu đã “bán hớ”.
Phi vụ này đã mang về cho Kotegawa Takashi tổng cộng khoảng 2 tỷ yên (18 triệu USD), giúp anh trở thành nhà đầu tư cá nhân có lợi nhuận cao nhất. Kể từ đó, trader này được mệnh danh là "vị thần chứng khoán" mới của nước Nhật, còn được biết tới với tên gọi "J-com man".
Đến năm 2008, tài sản cá nhân của Takashi đã đạt mức 21,8 tỷ yên (khoảng 200 triệu USD tại thời điểm đó).
Từ chối lời mời quản lý quỹ của tỷ phú "liều ăn nhiều"
Kotekawa Takashi không phải là người thích đọc nhiều sách. Khi mới bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán, anh chỉ đọc cuốn sách nhập môn "Hồi ức của một thiên tài đầu tư chứng khoán" của tác giả Edwin Lefèvre. Mọi kinh nghiệm giao dịch anh có đều là do tự tích lũy mà thành.
Takashi chủ yếu thực hiện giao dịch trong ngày, hoạt động từng phút từng giây. Anh chẳng quan tâm đến các chỉ số P/E hay P/B, do không nắm giữ lượng cổ phiếu nhất định trong thời gian dài.
Takeshi từng nói: "Tôi không biết hướng đi trong tương lai của thị trường chứng khoán Nhật Bản. Tôi không bao giờ quan tâm đến các điều kiện thị trường dài hạn".
Tuy nhiên, người đàn ông này thường xuyên chú ý tới các chỉ số quan trọng khác như giá trị vốn hóa thị trường, kỳ hạn giao hàng, thống kê việc làm, động thái của các ngân hàng trung ương tại các quốc gia khác nhau, thị trường ngoại hối, thị trường chứng khoán nước ngoài...
Ngày nào Takashi cũng thức dậy vào khoảng 8h15 sáng, xem tin về chứng khoán Mỹ và các hợp đồng tương lai trước khi thị trường mở cửa. Đến giờ nghỉ trưa, anh sẽ theo dõi tình hình chứng khoán ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Takashi là một nhà đầu cơ ngắn hạn điển hình, tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu quá bán và cổ phiếu mới. Thời gian nắm giữ cổ phiếu thường chỉ kéo dài từ 1 ngày đến 1 tuần, nhiều nhất là 10 ngày.
"Sử dụng Mô hình nến Nhật để xem xu hướng thị trường vừa là phương pháp yêu thích, vừa là chìa khóa thành công của tôi", Takashi cho biết.
Masayoshi Son - CEO của Tập đoàn Softbank - từng mời Kotegawa Takeshi đi ăn tối và đề nghị anh quản lý tài sản riêng của mình. Thế nhưng, trader này đã từ chối.
Takashi cảm thấy mình không thích hợp để điều hành quỹ cho người khác. Anh cho rằng việc này sẽ khiến bản thân luôn trong trạng thái lo sợ thua lỗ, như vậy thì không thể bình tĩnh đưa ra quyết định chính xác được.
Người đàn ông này thích giao dịch bằng tiền của chính mình. Thứ nhất là giảm nhẹ được trách nhiệm, thứ hai là tránh tập trung vốn gây lũng đoạn thị trường, hại người rồi hại cả mình.
Giàu "nứt đố đổ vách" nhưng vẫn thích ăn mì và đi xe buýt
Sau khi kiếm được nhiều tiền, Kotegawa Takashi chuyển sang đầu tư vào bất động sản vì cảm thấy thị trường chứng khoán đang tăng trưởng chậm lại. Ngoài ra, anh có quá nhiều tiền mặt và muốn đa dạng hóa đầu tư của mình.
Năm 2008, anh chi khoảng 9 tỷ yên (77 triệu USD) để mua một tòa nhà văn phòng trước nhà ga Akihabara ở Tokyo. Năm 2011, anh mua thêm tòa nhà thương mại "AKIBA Cultural District" với giá 17 tỷ yên (khoảng 156 triệu USD). Năm 2018, anh xây dựng nhà hàng từ mảnh đất mua được với giá 80 triệu yên.
Tòa nhà mà Kotegawa Takashi mua ở Akihabara, Tokyo
Theo ước tính của truyền thông Nhật Bản, tài sản cá nhân của Kotegawa Takashi có thể đã lên tới 200 tỷ yên (khoảng 1,8 tỷ USD) vào năm 2019.
Kotegawa Takashi giàu có là vậy, nhưng nếu gặp anh ở ngoài đời, không ai có thể nhận ra đây là một tỷ phú. Trong bộ trang phục gồm áo len, quần jeans, giày sneakers, anh trông giống như nhiều thanh niên Nhật Bản bình thường khác.
Cuộc sống của Takashi diễn ra khá đơn giản, vì phần lớn thời gian anh đều dành cho đầu tư. Anh chưa kết hôn, ít gặp bạn bè hay liên lạc với các thành viên trong gia đình.
Những lúc rảnh rỗi, người đàn ông này chỉ muốn ở nhà chơi game hoặc xem TV, thậm chí còn chẳng hứng thú gì với chuyện đi du lịch nội địa. Nếu có việc phải ra ngoài, anh sẽ chọn đi bằng xe buýt hoặc xe đạp.
Takashi cũng không cầu kỳ về chuyện ăn uống. Anh sẵn sàng ăn mì ramen để sống qua ngày, chẳng đòi hỏi cao lương mỹ vì. Bởi lẽ, anh sợ rằng ăn quá no sẽ khiến cho não bộ không thể tập trung.
Nhìn chung, Takashi không hứng thú với việc tiêu tiền. Đối với anh, mua 2 chiếc máy chơi game Nitendo đã là một khoản chi tiêu quá tay. Nếu cần mua sắm thứ gì, người đàn ông này sẽ tìm kiếm trong các cửa hàng đồng giá.
Tuy nhiên, Takashi lại chi khá bạo cho khoản nhà cửa. Anh đã bỏ ra 400 triệu yên (3,6 triệu USD) để mua một căn biệt thự sang trọng ở thủ đô Tokyo. Ngoài ra, "vị thần chứng khoán" Nhật Bản còn tặng cha mẹ ở quê một dinh thự trị giá 200 triệu yên (1,8 triệu USD) và một chiếc xe Toyota.
Theo Takashi, không khí bẩn sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán của con người. Vì thế, anh thích sống một mình trong căn nhà rộng lớn, không gian thoát mát để suy nghĩ nhanh nhẹn và sáng suốt hơn.
Giống như nhiều người giàu khác ở Nhật Bản, Kotegawa Takashi ít khi xuất hiện trên truyền thông kể từ cuộc phỏng vấn gần nhất vào năm 2008. Lần cuối công chúng nghe thấy tên người đàn ông này là vào tháng 4/2018, khi anh bán tòa nhà văn phòng ở Akihabra với giá 12 tỷ yên (110 triệu USD).
Theo Zhihu, Reddit
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI