Thiết bị nhận biết hình ảnh này sẽ đóng vai trò như một đôi mắt sáng, mở ra cơ hội mới chưa từng có cho những người khiếm thị

    NPQM,  

    Công nghệ vốn bắt nguồn mật thiết từ cuộc sống, đặc biệt là những nhu cầu thiết yếu gắn liền với con người.

    Một công ty công nghệ khởi nghiệp với tên gọi Eyra Ltd sẽ sớm cho ra mắt một thiết bị đeo - Horus - cho phép những người khiếm thị được trải nghiệm không gian xung quanh theo cách đột phá và bất ngờ hơn rất nhiều so với việc chỉ phụ thuộc vào que dò đường. "Chiếc gậy dò đường chỉ giải quyết vấn đề kiểm tra xem có vật cản đằng trước không mà thôi," CEO và đồng sáng lập của Eyra - Saverio Murgia cho biết. "Nó sẽ không bao giờ có thể cho bạn biết rằng đó là một gốc cây hay chiếc xe ô-tô cả."

    Sản phẩm của hãng - chiếc headset kết nối cùng một hệ thống máy tính bỏ túi được dự kiến trình làng vào tháng 1 tới - sẽ hoạt động như một trợ lý đắc lực cho chủ nhân bằng cách đọc những từ ngữ nhận biết trên các biển báo hoặc tờ chỉ dẫn trước mặt, thông báo vật cản hoặc nhận diện khuôn mặt nữa. Hình dáng được thiết kế như một cặp tai nghe nhưng nó lại tích hợp thêm 2 camera có khả năng ghi nhận hình ảnh 3D của môi trường xung quanh, gửi đến xử lý ở hệ thống máy tính bỏ túi Tegra, sau đó phát lên thành tiếng.

    Được biết, bộ vi xử lý của máy tính này là NVIDIA Tegra K1 - một biến thể tương tự cũng được sử dụng ở Nintendo Switch. Nó được trang bị hệ thống GPU nhận biết kỹ thuật số cùng cảm biến học hỏi để ghi nhớ và phân biệt, tiếp nhận nhiều thông tin hình ảnh từ 2 camera.

    Cụ thể, cơ chế hoạt động của Horus bao gồm quét môi trường xung quanh, ghi nhận hình ảnh và chuyển thể thành âm thanh thông báo. Thời lượng pin có thể lên đến 12 tiếng đồng hồ. Thiết bị hiện hỗ trợ ở 3 ngôn ngữ: Anh, Nhật và Y. "Các dấu hiệu và văn bản trên bề mặt không phẳng cũng có thể được nhận biết và xử lý trơn tru. Đặc biệt, không cần đến kết nối Internet vì mọi quá trình xử lý đều được tích hợp trong nền tảng có sẵn rồi," Murgia chia sẻ.

    Ý tưởng đột phá này chợt nảy lên khi Murgia và đồng nghiệp của mình - Luca Nardelli - tạm dừng công việc tại Đại học Genoa, vốn là nơi họ nghiên cứu lĩnh vực hình ảnh số vào năm 2014. "Một ngày nọ, chúng tôi gặp một người bị mù trên đường cố gắng hỏi thông tin và nhờ chỉ đường tới trạm xe bus từ ga Genoa. Chặng đường quen thuộc của ông bị gián đoạn vì có công trường mới đang thi công. Qua đó, chúng tôi nhận thấy thế giới này quá phức tạp đối với một người mất đi khả năng thị giác, dẫn đến sự ra đời của công nghệ trợ giúp hàng triệu người này," Murgia cho biết.

    Âm thanh phát ra sẽ thông báo cho người đeo biết thông tin về vật thể trước mặt và cả xung quanh. "Nếu xuất hiện một cây cột hay bức tường ở bên phải, hệ thống loa mô phỏng 3D cũng sẽ phát ra âm thanh từ bên phải. Điều này cũng giống như cách cảm biến khoảng cách hoạt động trên các xe ô-tô thôi, đặc biệt là khi dùng để đỗ hay di chuyển trong không gian hẹp, dễ va chạm."

    Tính năng nhận diện khuôn mặt sẽ được tùy biến theo từng chủ nhân khác nhau. "Mỗi lần tiếp nhận thông tin hình ảnh của một người cần thiết, chủ nhân phải 'dạy' thiết bị của mình về những dữ liệu liên quan cần ghi nhớ, nhất là khuôn mặt và tên gọi." Từ đó, khi tiếp xúc với những người đã được lưu vào cơ sở có sẵn, Horus có thể nhận ra họ từ một khoảng cách đáng kể và thông báo cho bạn biết. "Horus sẽ liên tục đối chiếu những khuôn mặt xuất hiện so với dữ liệu được lưu để kịp thời xử lý."

    Phiên bản tiếng Anh sẽ có chi phí lên đến gần 2000 USD. Dù sao công ty cũng cho biết cần thử nghiệm và cải tiến tối ưu hết sức có thể để cho ra mắt vào tháng 1 năm sau. "Chúng tôi đang hoàn thiện giao diện tương tác, giúp người dùng có thể dễ dàng sử dụng bất kể mọi độ tuổi hay thói quen. Qua quá trình áp dụng cho 100 người khiếm thị trước đó, kết quả thu được khá khả quan và tạo nên nhiều bước tiến đột phá trong cuộc sống của họ."

    Tham khảo: Motherboard

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ