Thiết bị phần cứng của Google chỉ là "Con ngựa thành Troy"

    tvd,  

    Tham vọng thực sự của Google không phải là phần cứng, không phải là đánh bại Apple hay Samsung bằng chiếc smartphone Pixel.

    Chúng ta vẫn biết đến Google như một gã khổng lồ tìm kiếm, nhưng đột nhiên Google đang trông khá giống với một nhà sản xuất phần cứng kiểu Apple hay Samsung. Cách đây một tuần, Google đã ra mắt hàng loạt các thiết bị phần cứng mới, từ smartphone Pixel 2, tai nghe không dây, cho đến laptop Chromebook mới, loa thông minh và cả một chiếc camera giống GoPro.

     Google ngày càng giống một nhà sản xuất phần cứng.

    Google ngày càng giống một nhà sản xuất phần cứng.

    Trong quá khứ, việc lấn sân sang mảng thiết bị phần cứng không đem lại nhiều thành công cho Google. Nhưng bây giờ, có vẻ như gả khổng lồ tìm kiếm đang thực sự nghiêm túc trong việc đưa mảng kinh doanh phần cứng trở thành một doanh nghiệp.

    Năm ngoái, Google đã đưa Rick Osterloh - cựu chủ tịch Motorola - vào vị trí lãnh đạo mảng thiết bị phần cứng của mình. Mới đây, Google cũng bỏ ra 1 tỷ USD để thâu tóm một phần mảng kinh doanh smartphone của HTC, mà chủ yếu là lôi kéo đội ngũ thiết kế và sản xuất.

    Thiết bị phần cứng là mũi nhọn mới của Google?

    Google có vẻ nghiêm túc trong việc đầu tư vào phát triển mảng kinh doanh thiết bị phần cứng, nhưng trên thực tế doanh thu của gã khổng lồ chủ yếu vẫn đến từ quảng cáo tìm kiếm. Thị trường smartphone, mà Pixel của Google có tham vọng cạnh tranh lại các ông lớn Apple và Samsung, trên thực tế đang bão hòa và có rất ít cơ hội để thành công.

     Pixel 2 và Pixel 2 XL được đánh giá cao, nhưng khả năng cạnh tranh được với Apple hay Samsung là rất thấp.

    Pixel 2 và Pixel 2 XL được đánh giá cao, nhưng khả năng cạnh tranh được với Apple hay Samsung là rất thấp.

    Ngay cả khi những chiếc smartphone Pixel được đánh giá rất cao, nhưng các con số thống kê lại trái ngược với kỳ vọng. Năm ngoái, các nhà phân tích nhận định Google chỉ bán được khoảng 1 triệu chiếc Pixel và Pixel XL. Trong khi trung bình, Apple bán được 1 triệu chiếc iPhone trong khoảng 2 đến 3 ngày.

    Tất nhiên những bước đi đầu tiên luôn khó khăn, nhưng tương lai phía trước của mảng kinh doanh phần cứng của Google vẫn là một dấu hỏi lớn. Những nỗ lực và cố gắng của Google có thể sẽ đem lại những thành quả nhất định, nhưng nếu so sánh với mảng kinh doanh quảng cáo cốt lõi thì thực sự không đáng kể.

    Vậy Google đang làm gì?

    Các thiết bị phần cứng của Google chỉ giống như những “con ngựa thành Troy”, để thực hiện một mục đích khác. Và đó chính là Google Assistant, công nghệ trợ lý ảo được tích hợp vào tất cả các thiết bị phần cứng vừa mới ra mắt.

     Tham vọng thực sự của Google là AI và trợ lý ảo.

    Tham vọng thực sự của Google là AI và trợ lý ảo.

    Assistant và công nghệ AI nói chung mới chính là mũi nhọn tiếp theo của Google, khi mà gã khổng lồ này đã có nền móng cơ bản là công cụ tìm kiếm và Android. Chính vì vậy, các thiết bị phần cứng mới chỉ là con ngựa thành Troy, để đưa trợ lý ảo Assistant và các công nghệ AI khác vào cuộc sống của người dùng.

    Trợ lý ảo của Google mới chỉ được ra mắt hơn một năm, tuy nhiên đã được đánh giá cao hơn hẳn các đối thủ khác như Alexa của Amazon, Siri của Apple hay Cortana của Microsoft. Lợi thế rất lớn của Google Assistant chính là dữ liệu tìm kiếm khổng lồ, các thói quen người dùng, cũng như nền tảng Android mở rộng.

    Có lẽ đó cũng là lý do vì sao Google chỉ đầu tư 1 tỷ USD cho thương vụ HTC, thay vì thâu tóm toàn bộ mảng sản xuất smartphone này. Google biết rằng không thể cạnh tranh được với Apple hay Samsung, tuy nhiên vẫn cần có một bàn đạp tốt để trợ lý ảo Assistant được mở rộng.

    Google và tham vọng thống trị thế giới công nghệ bằng AI

    Microsoft đã từng tạo ra một xu hướng mới của ngành công nghiệp máy tính toàn cầu, đó chính là những chiếc laptop lai tablet. Mảng phần cứng Surface của Microsoft đã tạo ra những dấu ấn và thành công nhất định, tuy nhiên bên cạnh đó có một mục tiêu khác là phổ biến nền tảng Windows 10 trên toàn thế giới.

    Google cũng giống như vậy, việc tích hợp trí tuệ nhân tạo và trợ lý ảo Assistant vào các thiết bị phần cứng mới của mình sẽ tạo ra một xu hướng. Nó sẽ khiến các nhà sản xuất smartphone Android khác phải chạy theo, bởi đây chính là tất yếu của công nghệ trong tương lai sắp tới.

     Sẽ đến một ngày, trợ lý ảo trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta.

    Sẽ đến một ngày, trợ lý ảo trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta.

    Mục đích cuối cùng vẫn là phổ biến nền tảng này của Google trên mọi thiết bị Android khác, như LG, Sony, HTC và nhiều nhà sản xuất khác không sở hữu công nghệ trợ lý ảo. Không chỉ là đối trọng với Siri của Apple hay Bixby của Samsung, trợ lý ảo Assistant của Google sẽ còn phổ biến hơn khi được tích hợp vào nhiều thiết bị khác.

    Ví dụ như hồi đầu năm nay, LG công bố rằng người dùng sẽ sớm có thể giao tiếp với máy giặt và máy hút bụi thông qua Google Assistant. Bạn có thể ra lệnh bằng giọng nói: “OK Google, hãy bắt đầu hút bụi toàn bộ phòng khách”.

    Hay những chiếc loa thông minh của Google có thể trở thành trung tâm điều khiển ngôi nhà của bạn. Thậm chí khi đi du lịch, bạn vẫn sẽ gắn liền với trợ lý ảo của Google, bởi chiếc tai nghe không dây Pixel Buds được tích hợp AI có thể dịch ngôn ngữ theo thời gian thực.

    Trợ lý ảo và trí tuệ nhân tạo của Google đang len lỏi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống của bạn mà không hay biết. Cho đến khi bạn đã gắn liền với nó, trở nên quen thuộc và coi nó như một phần của cuộc sống hàng ngày. Thì đó cũng là lúc Google thực sự thống trị thế giới công nghệ.

    Tham khảo: Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ