Thiết kế chẳng liên quan gì đến nghệ thuật cả, người làm thiết kế cũng không phải nghệ sĩ

    PV,  

    Theo nhà thiết kế đồ hoạ huyền thoại Milton Glaser thì thiết kế là quá trình đi từ một điều kiện có sẵn đến một điều kiện ưu tiên, nó giải quyết các vấn đề và đưa ra giải pháp chứ không phải nghệ thuật.

    Thiết kế không phải là nghệ thuật. Đó là một sự khác biệt được nhận thức rất rõ bởi các nhà thiết kế thực dụng, nhưng nhiều người thì vẫn chưa thấy được điều đó.

    Trong một cuộc tọa đàm vào ngày 29/10 vừa qua tại bảo tàng Guggenheim ở thành phố New York, nhà thiết kế đồ họa huyền thoại 87 tuổi Milton Glaser đã đưa ra định nghĩa rõ ràng nhất về công việc thiết kế .

    Theo ông, “Thiết kế là quá trình đi từ một điều kiện sẵn có đến một điều kiện ưu tiên. Khi quan sát quá trình đó, ta thấy thiết kế rõ ràng không hề có mối liên hệ nào với nghệ thuật”.

    Sự nhầm lẫn này không chỉ xuất phát từ vấn đề ngữ nghĩa. Trong các doanh nghiệp, trường học, công sở, thậm chí trên các tờ báo, việc thiết kế thường liên quan đến phòng nghệ thuật . Đó là một sự hiểu nhầm cơ bản về mục đích của thiết kế. Khi nghệ thuật và thiết kế bị nhầm với nhau, lĩnh vực của các nhà thiết kế bị thu gọn vào phong cách và diện mạo bên ngoài.

    Trên thực tế, các nhà thiết kế giỏi trước hết là những người giải quyết vấn đề. Họ tìm cách hiểu mục đích, đối tượng thưởng lãm, các tham số kỹ thuật, và các sắc thái chiến lược của một nhiệm vụ trước khi tìm đến bàn vẽ phác họa hoặc đắm mình vào Photoshop.

    Nếu bạn có cơ hội làm việc với một nhà thiết kế, hãy bắt đầu bằng cách khái quát lại các mục tiêu của mình trước khi đi vào những cuộc bàn luận về màu sắc, phông chữ hoặc vật liệu.

    Sự nhầm lẫn này cũng bắt nguồn một phần từ thực tế là một số nhà thiết kế vẽ rất giỏi, như Glaser chẳng hạn. Nhưng đối với các nhà thiết kế, vẽ - hay phác họa – là một cách tư duy. Đó là một cách để lập kế hoạch và hình tượng hóa những giải pháp sáng tạo cho một logo, một poster, một chiếc ghế, một website, hoặc nội thất của một căn phòng, cũng như một nhà toán học tìm cách giải các phương trình trên một tấm bảng đen mà thôi.

    Trong khi công cụ của các nghệ sĩ và nhà thiết kế có vẻ khá tương đồng – bút, bút tram, các công cụ sáng tạo của Adobe, những khuôn vải nhiều màu – thì phương pháp, cách luyện tập và tiềm năng giữa họ lại cực kỳ khác biệt.

    “Thật tốt biết bao nếu hiểu được rằng thiết kế có một mục đích và nghệ thuật có một mục đích khác”, Glaser cho biết. Sức mạnh của nghệ thuật rất bí ẩn và không thể lượng hóa được, trong khi hiệu quả của thiết kế lại được đo lường bằng mức độ thể hiện mục đích của khách hàng mà nó mang lại.

    Và Glaser kết luận: “Khi càng già đi, bạn sẽ càng thấy được sự khác biệt giữa thiết kế và nghệ thuật”.

    Theo Trí thức trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ