Thiết kế tốt thôi chưa đủ, liệu Samsung Gear S2 có đáng để sử dụng?

    Yến Thanh,  

    Hiện tại, Gear S2 được xem là mẫu smartwatch mới nhất của Samsung.

    Không thể phủ nhận một thực tế, với chiếc smartwatch Gear S2 gần đây, Samsung đã đầu tư rất nhiều về mặt thiết kế, hình ảnh cho thiết bị đeo của mình. Minh chứng là chúng ta đã thấy sự thay đổi rõ rệt từ kiểu dáng của Gear S2 so với người tiền nhiệm Gear S thế hệ đầu tiên.

    Thay vì trung thành mới một màn hình dạng cong, lần này nhà sản xuất Hàn Quốc đã đem tới một chiếc smartwatch đúng nghĩa đồng hồ. Gear S2 sở hữu mặt đồng hồ tròn, khung bằng thép không gì, phiên bản Gear S2 Classic đi kèm dây da, tạo vẻ sang trọng, tương tự một chiếc đồng hồ truyền thống vậy.

    Tóm lại, về mặt thiết kế Samsung Gear S2, đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của nhà sản xuất. Thế nhưng, thiết kế tốt thôi chưa đủ, câu hỏi mà rất nhiều người dùng đặt ra cho chiếc smartwatch này, đó là liệu Gear S2 có đáng được sử dụng hơn so với các sản phẩm cùng thời?

     

    Những tính năng nổi bật trên Samsung Gear S2

    Sau khoảng thời gian trải nghiệm nhanh, đây là những điều có thể rút ra từ mẫu Gear S2 nói chung, và Gear S2 Classic nói riêng của Samsung:

    Chúng ta đều biết rằng, mẫu Gear S2 chạy trên nền tảng Tizen do chính Samsung phát triển. Đây không hẳn là một nền tảng lâu đời nếu so sánh với các hệ điều hành như Android, iOS hay Windows Phone. Có thể Tizen OS chưa thực sự gây ấn tượng với người dùng smartphone.

    Nhưng với smartwatch, Tizen OS đã phần nào làm tròn vai của một nền tảng dành cho các thiết bị đeo. Qua chiếc Gear S2, có thể thấy, mục tiêu mà Tizen OS hướng tới là sự đơn giản, mượt mà và thân thiện. Tizen OS không có nhiều điểm nổi trội, nhưng lại vừa và đủ.

    Bản thân Gear S2 chạy Tizen OS của Samsung hiện chỉ hỗ trợ tốt nhất cho nền tảng là Android. Do đó, với người dùng iOS, nếu muốn sở hữu Gear S2, chúng ta phải chờ tới khi nhà sản xuất chính thức tung ra phần mềm / nền tảng hỗ trợ.

    Rõ ràng, đây sẽ là một thiệt thòi lớn với người dùng iOS. Nhưng suy rộng ra, chính Samsung đang tự thu hẹp lượng khách hàng tiềm năng cho smartwatch của mình. Cần phải nhấn mạnh rằng, người dùng iOS mới là đối tượng chịu chi cho các sản phẩm / ứng dụng xa xỉ.

    Ngoài ra, Tizen OS trên Gear S2 chỉ có thể coi là tròn vai, mà không đem tới cho người dùng bất kì điểm đột phá nào sao với các sản phẩm hiện tại. Những tính năng cơ bản như thay mặt đồng hồ, theo dõi sức khỏe, chạy ứng dụng các bên thứ 3, hoặc nghe / gọi / nhắn tin đã không còn là điều mới mẻ.

    Có lẽ, với Gear S2, Samsung muốn hướng tới sự ổn định cho người dùng, hơn là việc đem lại quá nhiều tính năng chưa thực sự cần thiết cho một thiết bị kích thước chỉ 1,2 inch. Khách quan mà nói, thế hệ đồng hồ thông minh này cũng có nhược điểm rất lớn – không thể tiếp cận được kho ứng dụng khổng lồ của Android.

    Phương thức điều hướng thông qua viền xoay là một ý tưởng tốt. Nhưng nếu nhìn nhận kĩ, viền xoay này cũng hoạt động tương tự như nút Digital Crown từng xuất hiện trên Apple, chỉ có điều thay bằng hình thái khác mà thôi. Tất nhiên, Samsung có lý do để tin vào viền xoay độc đáo trên chiếc Gear S2 của mình.

    Ngoài ra, một tính năng khác cũng được Samsung học hỏi rất tốt qua Gear S2 chính là hành động che màn hình để đưa thiết bị về trạng thái nghỉ, khá giống với Apple Watch.

     Cảm biến trên Gear S2 hoạt động chưa thực sự ổn định

    Cảm biến trên Gear S2 hoạt động chưa thực sự ổn định

    Tất nhiên, có 2 điểm trừ không thể không nhắc tới trên Gear S2. Đầu tiên là 2 phím vật lý được đặt ở cạnh phải của thiết bị, một là nút Back, một là nút Home. Về cơ bản, 2 nút này đều hoạt động tốt, đúng với chức năng, nhưng thao tác để bấm nút lại khá cứng nhắc, và cần thời gian tập làm quen.

    Đối với những người ra nhiều mồ hôi tay, việc bấm phím còn gặp phải tình trạng trơn trượt. Thứ hai, đôi khi các cảm biến trên Gear S2 hoạt động thiếu chính xác. Đơn cử như tính năng lật cổ tay để đánh thức / tắt màn hình. Ít nhiều, điều này sẽ ảnh hưởng tới trải nghiệm của người dùng.

    Phiên bản hiện tại được bày bán tại Việt Nam, dù là Gear S2 thông thường, hay Classic đều chưa hỗ trợ 3G. Điều này đồng nghĩa, chúng ta không thể gọi / nhận điện thoại từ smartwatch. Trong trường hợp này, chúng ta buộc phải mua thêm một chiếc tai nghe Bluetooth, khá vướng víu và bất tiện.

    Về thời lượng pin, trong một khoảng thời gian là 3 tiếng đồng hồ sử dụng, năng lượng sụt giảm là không đáng kể (màn hình máy gần như hoạt động liên tục, các thông báo như Facebook, Messenger hay Gmail được đẩy không thường xuyên).

    Nhiều khả năng, Gear S2 sẽ cho chúng ta thời lượng sử dụng tối đa là khoảng 2 ngày. Tất nhiên, với những người bận rộn, thường xuyên phải nhận các thông báo từ mạng xã hội, hoặc email, thời lượng pin thực tế có thể giảm xuống, tùy vào nhu cầu sử dụng.

    Rất may, Samsung cũng cung cấp cho Gear S2 một chiếc sạc không dây. Điều này phần nào giúp việc sạc pin cho smartwatch thế hệ mới của Samsung trở nên thuận tiện và đơn giản hơn. Điểm cộng lớn nhất là bộ sạc cũng được trang bị một cục nam châm giúp cố định Gear S2, tránh tình trạng trơn trượt xảy ra.

    Kết luận:

     

    Nếu bạn chấp nhận những điểm yếu của Gear S2 như kho ứng dụng còn hạn chế, cần tới một tai nghe Bluetooth để nghe / gọi điện thoại, hoặc một số cảm biến chưa hoạt động chính xác, Gear S2 sẽ là một sản phẩm đáng để trải nghiệm.

    Tuy nhiên, nếu muốn thực sự sở hữu một chiếc smartwatch Gear S2 toàn diện, chúng ta nên chờ tới phiên bản có hỗ trợ 3G được bán ra tại Việt Nam. Thế nhưng, điều này cũng đồng nghĩa, giá bán của Gear S2 có hỗ trợ 3G khi đó sẽ không hề dễ chịu chút nào, đó là chưa tính tới trường hợp lắp SIM 3G cho Gear S2 sẽ tốn nhiều năng lượng hơn bình thường.

     

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ