Thiếu niên 17 tuổi người Anh bị mù khi ăn vặt trừ bữa suốt ba năm

    zknight,  

    Các bậc phụ huynh nên để ý về thói quen ăn uống của con mình.

    Ăn quá nhiều đồ ăn nhanh có thể làm suy giảm trí nhớ và nhận thức của bạn. Nó cũng có thể khiến bạn bị trầm cảm, tăng nguy cơ béo phì, mắc bệnh tim mạch và ung thư.

    Bạn những lời cảnh báo này là chưa đủ đáng sợ? Hãy đọc một nghiên cứu trường hợp trên tạp chí Annalsof Internal Medicine. Trong đó, các bác sĩ báo cáo về một bệnh nhân 17 tuổi người Anh đã ăn đồ ăn nhanh mỗi ngày trong ít nhất ba năm.

    Cậu thiếu niên này mắc một chứng rối loạn ăn uống được gọi là ARFID (rối loạn kén ăn), khiến cậu chỉ ăn đồ ăn nhanh trừ bữa. Các bữa ăn thiếu hụt dinh dưỡng cuối cùng đã tàn phá cơ thể cậu một cách khủng khiếp.

    Cậu bé bị loãng xương ở ngay tuổi 17. Không đủ chất để nuôi sống và duy trì các hoạt động thần kinh, các dây thần kinh thính giác và thị giác của cậu mất chức năng vĩnh viễn. Cậu bị giảm thính lực, thị lực cả hai mắt chỉ còn 2/20, gần như mù.

    Tệ hơn cả, các bác sĩ cho biết bởi phát hiện quá muộn, thị giác của cậu bây giờ chỉ còn có thể duy trì chứ không thể phục hồi. Họ cảnh báo các bậc phụ huynh nên để ý về thói quen ăn uống của con mình.

    Các thiệt hại do dinh dưỡng gây ra thông thường có thể được đảo ngược nếu phát hiện sớm. Nhưng với rối loạn kén ăn, các bác sĩ và phụ huynh phải đặc biệt để ý, bởi bệnh nhân mắc ARFID thông thường vẫn có chỉ số BMI bình thường và khó nhận biết qua đặc điểm lâm sàng bên ngoài, kể cả xét nghiệm máu.

    Thiếu niên 17 tuổi người Anh bị mù khi ăn vặt trừ bữa suốt ba năm - Ảnh 1.

    Thiếu niên 17 tuổi người Anh bị mù khi ăn đồ ăn vặt trừ bữa suốt ba năm

    Thể trạng suy kiệt khó giải thích

    Bệnh tình của cậu bé người Anh thực ra đã bắt đầu từ hơn ba năm trước. Đó là thời điểm cậu phải gặp bác sĩ gia đình để phàn nàn về thể trạng mệt mỏi của mình. Nhưng ngoài việc tự mô tả mình là một người "kén ăn", chàng thiếu niên 14 tuổi vẫn đang hoàn toàn khỏe mạnh và không phải uống bất kỳ loại thuốc nào.

    Các xét nghiệm chỉ cho thấy cậu bị thiếu máu nên có các tế bào hồng cầu lớn bất thường. Các bác sĩ đã điều trị cho cậu bằng cách tiêm thêm vitamin B12 và tư vấn dinh dưỡng.

    Tưởng chừng chứng mệt mỏi thoáng qua sẽ sớm được khắc phục, nhưng sau một năm, cậu bé người Anh phải trở lại phòng khám vì bị mất thính lực không rõ nguyên nhân. Ít lâu sau, thị giác của cậu cũng bắt đầu suy giảm.

    Liên tục hai năm, thị lực của cậu bé kém đi không ngừng. Cho tới năm 17 tuổi, cả hai mắt của cậu chỉ còn giữ được tầm nhìn 2/20.

    Ảnh chụp não bộ không tìm thấy tổn thương nào trên dây thần kinh thị giác và xét nghiệm gen cho kết quả âm tính với tình trạng mù di truyền.

    Lạ nhất là đa số các chỉ số trong xét nghiệm máu của cậu vẫn bình thường, ngoại trừ các tế bào máu tiếp tục phình ra và nồng độ homocysteine, axit methylmalonic cao trong khi vitamin B12 tiếp tục thiếu hụt.

    Toàn bộ manh mối dẫn các bác sĩ quay trở về vấn đề dinh dưỡng. Chỉ có điều, cậu thiếu niên 17 tuổi có chỉ số khối cơ thể (BMI) hoàn toàn bình thường, với chiều cao và cân nặng trung bình. Cậu ta nói với các bác sĩ rằng mình không hề uống rượu, không sử dụng ma túy và không hút thuốc.

    Thiếu niên 17 tuổi người Anh bị mù khi ăn vặt trừ bữa suốt ba năm - Ảnh 2.

    Thiếu hụt dinh dưỡng có thể gây ra những thiệt hại không thể đảo ngược trên cơ thể

    Lời thú tội

    Nút thắt trong ca bệnh này chỉ được tháo gỡ, sau khi cậu thiếu niên thú nhận về chế độ ăn chỉ toàn thực phẩm chế biến của mình. Từ thời tiểu học, mỗi ngày cậu ấy đều ăn cá chiên, khoai tây chiên, bim bim, bánh mì trắng, giăm bông chế biến và xúc xích.

    Các mũi tiêm vitamin B12 mà cậu ta được kê đơn từ năm 14 tuổi đã hết hiệu lực. Xét nghiệm trao đổi chất cho thấy cậu có hàm lượng đồng và selen thấp, mức kẽm cao, mức vitamin D rất thấp và mật độ khoáng xương cũng vậy.

    Các bác sĩ cuối cùng đã chẩn đoán cậu ta mắc bệnh thần kinh thị giác liên quan đến dinh dưỡng. Đó là một rối loạn chức năng của dây thần kinh thị giác, xảy ra khi các chất dinh dưỡng cần thiết cho chức năng sợi thần kinh bị thiếu hụt.

    Trên thực tế, đây là một căn bệnh khá hiếm gặp, đặc biệt là ở các nước phát triển. Thường chỉ có những người nghiện rượu mới phát triển tình trạng mất thị lực kỳ lạ này.

    Còn đối với cậu bé 17 tuổi, các bác sĩ chẩn đoán cậu đã mắc chứng rối loạn kén ăn (ARFID). Mặc dù tình trạng kén ăn thường xảy ra phổ biến ở trẻ em, nhưng kén ăn đến mức rối loạn, và chỉ ăn đồ ăn vặt như cậu bé này đã gây ra tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng.

    Để điều trị, các bác sĩ đã phải kê thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng cho cậu, đồng thời giới thiệu cậu ta với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần để giải quyết ARFID.

    Mặc dù vậy, tin xấu là tầm nhìn của cậu bé sẽ không thể hồi phục. Chứng mất thị giác của cậu bé là vĩnh viễn, các bác sĩ cho biết.

    Bởi vậy, họ đặc biệt nhấn mạnh và khuyến cáo các đồng nghiệp của mình là các bác sĩ khác phải chú ý về ARFID. Không giống như các chứng rối loạn ăn uống khác như chán ăn có thể nhận biết thông qua trọng lượng cơ thể, bệnh nhân ARFID như cậu bé này có chỉ số BMI hoàn toàn bình thường.

    Thiếu niên 17 tuổi người Anh bị mù khi ăn vặt trừ bữa suốt ba năm - Ảnh 3.

    Từ thời tiểu học, mỗi ngày cậu thiêu niên người Anh đều ăn cá chiên, khoai tây chiên, bim bim, bánh mì trắng, giăm bông chế biến và xúc xích.

    Các bác sĩ nếu nghi ngờ về ARFID phải phỏng vấn kỹ bệnh nhân về chế độ ăn uống của họ, để phát hiện ra tình trạng kịp thời, trước khi, nó gây ra những tổn thương không thể đảo ngược trên cơ thể người bệnh.

    Đối với các bậc cha mẹ khi thấy con mình có thói quen ăn uống cầu kỳ, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cung cấp những lời khuyên hữu ích để giải quyết vấn đề. Trong đó, họ nói việc thúc ép hoặc tạo áp lực lên trẻ là không nên.

    Thay vào đó, nguyên tắc là bạn cung cấp cho trẻ thực phẩm còn quyết định ăn nó hay không là ở trẻ. 

    Nhưng để khuyến khích trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm, có một số mẹo có thể giúp, ví dụ: cho trẻ ăn khi thực sự đói; để trẻ tự ăn thay vì bón, xúc; cung cấp cho trẻ hai sự lựa chọn thức ăn lành mạnh để trẻ tự chọn; đưa vào bữa ăn của trẻ ít nhất 1 loại thực phẩm lành mạnh mà bạn biết trẻ thích ăn chúng...

    Nhưng nếu các cách thông thường không thể giải quyết tình trạng kén ăn của trẻ và bạn lo lắng con mình bị rối loạn ăn uống, hãy nói chuyện với bác sĩ. ARFID có thể được điều trị bằng liệu pháp nhận thức hành vi nếu được phát hiện sớm, mục tiêu là đưa chế độ ăn của trẻ trở lại mức cân bằng dinh dưỡng và đảo ngược các thiệt hại trước khi quá muộn.

    Tham khảo Arstechnica

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ