"Thợ mỏ" đổ xô đi đào Bitcoin, các nhà sản xuất chip lớn trên thế giới "rung đùi hưởng lợi"
Tập đoàn sản xuất chip bán dẫn Đài Loan (TSMC) là một trong hàng trăm tập đoàn đang hưởng lợi từ việc cung ứng linh kiện cho iPhone trong hơn 10 năm qua. Ngày nay, các loại tiền mã hoá như Bitcoin đã thay iPhone trở thành một thành phần quan trọng hơn nhiều đối với sự tăng trưởng của nhà sản xuất chip này.
Theo đó, khả năng rất cao TSMC sẽ hưởng lợi lớn từ sự phát triển của hoạt động đào tiền mã hoá - vốn nảy nở từ sau cú nhảy vọt 1.400% của Bitcoin vào năm ngoái và mang đến sự tăng trưởng mạnh mẽ cho các tập đoàn chuyên về card đồ hoạ như NVIDIA Corp. hay AMD Inc. Đây thực sự là một cú hích đúng thời điểm, trong bối cảnh kỳ vọng về các lô hàng iPhone X hạ nhiệt và nhu cầu smartphone Trung Quốc thì lại giảm dần. Hoạt động đào tiền mã hoá có thể sẽ chiếm vị trí thứ 10 trong bảng lợi nhuận của TSMC trong năm 2018 và trở thành mảng kinh doanh phát triển nhanh nhất của hãng.
Công ty lớn nhất Đài Loan này - thường được ví như một phong vũ biểu biểu trưng cho nhu cầu của thị trường đối với iPhone - đã thông báo thu nhập hàng quý của họ vào thứ Năm vừa qua. Nhà sản xuất chip bán dẫn này đã thu về khoảng 1/5 doanh thu từ Apple với việc là đối tác chính sản xuất chip của Táo Khuyết. Theo dự báo, mức doanh thu mà các "thợ đào tiền mã hoá" đóng góp vào công ty này có thể sẽ tăng gấp đôi trong năm nay, lên mức từ 5-10%. Nguyên nhân là bởi hoạt động "đào tiền mã hoá" là một quá trình giải các bài toán phức tạp nhằm thu về phần thưởng là các đồng tiền điện tử như Bitcoin, và quá trình này đòi hỏi sức mạnh khủng khiếp của các chip xử lý mà TSMC đã sản xuất ra để cung ứng cho các đối tác như NVIDIA và AMD.
"Tác động của hoạt động đào tiền mã hoá lên TSMC hiện nay đã tương đương với mức độ tác động của chiếc iPhone mới" - Mark Li, một chuyên viên phân tích người Hongkong cho biết - "Sự khác biệt là một chiếc iPhone mới đòi hỏi phải đầu tư rất lớn vào việc cải tiến và marketing, trong khi sự đóng góp của Bitcoin là hoàn toàn tự động".
Apple và sự bùng nổ của smartphone trong những năm gần đây, đặc biệt là tại Trung Quốc, đã giúp thị phần của của TSMC tăng lên đến 69% kể từ năm 2016. Thế nhưng sự nảy nở của nhiều công ty smartphone như Oppo, Vivo và Xiaomi Corp. đã khiến thị trường di động nước này bão hoà với quá nhiều mẫu điện thoại mới, trong khi ở khu vực nông thôn thì thị trường này lại rất ì ạch. Lượng smartphone Trung Quốc bán ra đã tuột dốc khá nhanh đến mức gần 12% vào năm ngoái theo số liệu từ chính phủ.
Trong khi đó, lĩnh vực tiền mã hoá bắt đầu phát triển thành một yếu tố quan trọng đối với TSMC. Lĩnh vực này, cụ thể là hoạt động đào tiền mã hoá, đã tạo ra mức doanh thu từ 350 triệu đến 400 triệu USD chỉ trong Quý 3. Tức là khoảng từ 4-5% doanh thu trong giai đoạn này theo tính toán của Bloomberg.
Không có gì đảm bảo "cơn cuồng" tiền mã hoá sẽ tiếp diễn mãi. Các nhà làm luật tại Trung Quốc và Hàn Quốc đã bắt đầu có những hoạt động "dằn mặt" giao dịch tiền mã hoá nhằm phòng ngừa các nguy cơ tài chính. Các "thợ đào tiền ảo" đang phải đối mặt với những thách thức, bị buộc phải có những phương thức dịch chuyển hoạt động đào tiền ảo trong bối cảnh các quy định giám sát về tiêu thụ năng lượng đang được thắt chặt. Bitcoin đã rơi đến 25% giá trị trong ngày thứ Ba vừa qua, trong khi số phận các đồng tiền mã hoá khác cũng không mấy khả quan, đặc biệt là Ripple giảm đến 40% giá trị.
"Mặc dù một số nhà đầu tư lạc quan rằng nhu cầu chipset dành để đào Bitcoin sẽ bù đắp cho nhu cầu smartphone trong năm 2018, chúng tôi tự hỏi rằng liệu nhu cầu Bitcoin có lâu bền hay không nếu giá trị của chúng liên tục trượt dốc như vậy?" - Benjamin Chiang, một chuyên viên phân tích tại Công ty bảo mật KGI cho biết.
Xét tầm nhìn dài hạn, sự khan hiếm vốn có của đồng tiền mã hoá Bitcoin - bị giới hạn ở mức 21 triệu - cũng đặt ra giới hạn cao nhất đối với nhu cầu về chip. Khi phần lớn của con số 21 triệu đó đã được khai thác hết, nhu cầu về chip sẽ biến mất. Cho đến lúc đó, các nhà đầu tư của TSMC vẫn sẽ xem tiền mã hoá là một khoản phụ thêm tiềm năng có thể tập trung tận dụng trong tầm nhìn ngắn hạn.
"Tiền mã hoá giống như một loại quyền chọn mua (call option) đối với TSMC, tự nó là một khoản đầu tư hấp dẫn" - Sebastian Hou, một chuyên viên phân tích tại CL Securities Taiwan Co. nhận định - "Nếu nhu cầu đào tiền mã hoá biến mất vào ngay mai, nó sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng đầu tư. Nhưng nếu nó thực sự mạnh, công ty chắc chắn sẽ tận dụng tối đa cơ hội".
Tham khảo: Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín