Mỹ, Anh và các nước giàu khác trong nhóm G7 đã đạt thỏa thuận mang tính lịch sử vào hôm 5/6, nhằm thu nhiều tiền thuế hơn từ các tập đoàn đa quốc gia như Amazon, Google.
Lần đầu tiên sau 2 năm, đại diện các nước G7 gặp nhau trực tiếp tại London, Anh. (Ảnh: Getty Images)
Hàng trăm tỷ USD có thể chảy vào ngân khố các nước sau khi nhóm các nước kinh tế lớn G7 đồng thuận ủng hộ mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 15%. Thay đổi này có thể buộc các công ty trả thuế tại các nước phát sinh doanh thu, thay vì bòn rút lợi nhuận ra nước ngoài, đến các “thiên đường thuế”.
Dù G7 không có quyền áp đặt các tiêu chuẩn toàn cầu, thỏa thuận của 7 trong số các quốc gia công nghiệp lớn nhất thế giới, được xem là một bước quan trọng hướng đến hiệp định toàn cầu về thuế doanh nghiệp.
Sau thông báo của các Bộ trưởng tài chính G7, Facebook cho biết, họ có thể phải trả thuế cao hơn, tại nhiều nước hơn. Thỏa thuận đạt được sau 8 năm đàm phán và nhận được động lực mới trong những tháng gần đây sau đề xuất từ tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak phát biểu sau khi chủ trì cuộc họp hai ngày tại London: “Các Bộ trưởng Tài chính G7 đã đạt thỏa thuận lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu để phù hợp hơn với kỷ nguyên số”. Đây là lần đầu tiên các Bộ trưởng Tài chính gặp mặt trực tiếp kể từ đầu mùa dịch.
Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Jane Yellen gọi đây là “cam kết quan trọng, chưa có tiền lệ”, trong khi Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nói, thỏa thuận là “tin xấu với các thiên đường thuế khắp thế giới”.
Theo Reuters, các quy định thuế toàn cầu hiện nay có từ những năm 1920, không phù hợp với bối cảnh xuất hiện nhiều “ông lớn” công nghệ, bán dịch vụ từ xa và đăng ký lợi nhuận tại các nước đánh thuế thấp. Các chi tiết quan trọng của hệ thống thuế mới sẽ được thương lượng trong vài tháng tới.
Cuộc họp G20 diễn ra tháng sau tại Venice (Italy) sẽ xem liệu thỏa thuận vừa đạt được của G7 có nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nước đang phát triển lớn nhất thế giới hay không.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"