Trong số những mặt hàng thường ngày bán trên trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Taobao, ngoài những sản phẩm như giày thể thao, tã trẻ em thì nay khách hàng còn có thể mua được cả nợ xấu.
Mới đây, trang web của tập đoàn Alibaba đã chào bán khoản nợ 4,15 triệu Nhân dân tệ (610.000 USD) của một nhà máy sản xuất theo tại tỉnh Chiết Giang. Công ty này đã thất bại trong việc thanh toán khoản vay 9,95 triệu Nhân dân tệ bao gồm lãi vay, qua đó buộc các nhà quản lý tài sản phải đem bán đấu giá trực tuyến.
Theo tính toán của Bloomberg, khoảng 1 tỷ Nhân dân tệ hàng hóa được giao dịch mỗi ngày quan trang Taobao này bao gồm mọi thứ từ quần áo cho đến các khoản nợ xấu. Khoảng 118 khoản nợ xấu từ các công ty ở tỉnh Vân Nam, một biệt thự ở Thiệu Hưng bị ngân hàng siết nợ hay một bất động sản ở Bắc Kinh là những loại tài sản không hề mới lạ đang được rao bán trên trang này.
Hiện tượng này đang làm ngạc nhiên nhiều chuyên gia Phương Tây. Hãng Banco Bilbao Vizcaya Argentaria nhận định công nghệ tài chính và thương mại điện tử của Trung Quốc đã đạt đến mức độ tinh vi khá cao. Đặc biệt, các nền tảng trực tuyến trên thị trường tín dụng đang được phát triển mạnh trước nhu cầu trong nước.
Xu thế này cũng là dễ hiểu khi thương mại điện tử có thể giúp chính phủ giải quyết một trong những vấn đề khiến nước này đau đầu nhất là nợ xấu.
Tăng trưởng giảm tốc trong khi tình trạng vỡ nợ ngày một nhiều đã làm thị trường tín dụng Trung Quốc trở nên ngày càng phức tạp. Tổng số nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại nước này đã tăng hơn 100% trong 2 năm qua lên 1,6 nghìn tỷ Nhân dân tệ tính đến cuối tháng 3 vừa qua.
Chính quyền Bắc Kinh đang hối thúc những chủ nợ tìm kiếm đầu ra cho các tài sản thế chấp trong khi lãi suất ngày một đi lên do rủi ro cao trên thị trường. Điều này khiến các ngân hàng và nhà quản lý tài sản phải tìm đến những kênh sáng tạo như đấu giá trực tuyến.
Số liệu của PwC cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2016, sự dẫn đầu của Taobao đã kéo theo hơn 50 website trực tuyến quảng cáo dịch vụ đấu giá đến ngân hàng cũng như các chủ nợ khác. Trong khi đó, hơn 20 công ty tài chính đã trở thành khách hàng của Taobao trong mảng đấu giá nợ xấu này, bao gồm ngân hàng bảo hiểm Ping An Bank, ngân hàng MBC, ngân hàng CCB…
Tuy nhiên, kinh doanh nợ xấu trực tuyến không hề dễ dàng khi những khoản nợ này không dễ dàng định giá, đánh giá rủi ro như cổ phiếu hay trái phiếu.
Theo ShoreVest Capital Partners, dù kinh doanh nợ xấu trực tuyến có thể thúc đẩy thị trường tín dụng nhưng người mua vẫn phải gặp người bán và hợp đồng có thể tốn vài tháng mới hoàn thành. Thêm vào đó, liệu những nền tảng kinh doanh nợ xấu trực tuyến này có đánh giá chuẩn các khoản nợ cũng như phân tích chính xác các thông tin hay không còn là một dấu hỏi.
Trên trang Taobao, những tài sản thanh lý nợ xấu thường được quảng cáo vài tuần hay vài tháng trước ngày đấu giá. Trong trường hợp của nhà máy thép tại Chiết Giang, những nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu có thể gọi cho văn phòng của công ty Cinda nhằm biết thêm thông tin chi tiết.
Một ví dụ khác là ngân hàng Industrial Bank có trụ sở tại Phúc Kiến đã ký hợp đồng bán nợ xấu với Taobao vào tháng 5 vừa qua và giải quyết được 232 triệu Nhân dân tệ nợ khó đòi chỉ trong khoảng 20/5- cuối tháng 6/2017.
Những nền tảng thương mại điện tử giúp những chủ nợ dễ dàng bán được nợ xấu hơn khi các khoản nợ này gặp khó trên thị trường truyền thống. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng vì có khá nhiều nhà đầu tư cá nhân không có kinh nghiệm mua nợ xấu trên Taobao nên những khoản tài sản thế chấp này mới được tiêu thụ nhanh như vậy.
Tuy nhiên, nói thế nào thì những nền tảng trực tuyến như Taobao cũng đã giúp các ngân hàng và chủ nợ giải quyết nhanh hơn nợ xấu, qua đó giúp giảm căng thẳng trong nền kinh tế Trung Quốc.
Theo cô Song Lingling thuộc hãng DCL Investments, việc xử lý nợ xấu thông qua các nền tảng trực tuyến có vẻ ít phức tạp hơn so với bán qua các nhà đấu giá, vốn thu phí hoa hồng cao với quy trình kiểm định dài dòng.
“Đấu giá nợ xấu trực tuyến đang ngày càng trở thành xu hướng mới. Ngày càng nhiều nhà đầu tư sử dụng Taobao làm nền tảng vì sự đơn giản, minh bạch cũng như tính riêng tư của các nhà đấu thầu”, cô Song nói.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Xiaomi cân nhắc cấm vĩnh viễn người dùng mở khóa bootloader
Một thông tin không mấy tích cực đối với những người đam mê "vọc vạch" điện thoại Xiaomi.
Bị Mỹ cấm vận, người Nga bất ngờ có trên tay sản phẩm chưa ra mắt của Apple