Thời hoàng kim đã qua, các công ty công nghệ Trung Quốc trải qua mùa tuyển dụng “yên ắng”, chỉ trừ ngành này

    Yến Nguyễn,  

    Giai đoạn tuyển dụng mùa thu của các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc trở nên trầm lắng hơn trong năm nay, ngoại trừ hai lĩnh vực trong ngành là kinh doanh nước ngoài và trí tuệ nhân tạo

    Thời hoàng kim đã qua, các công ty công nghệ Trung Quốc trải qua mùa tuyển dụng “yên ắng”, chỉ trừ ngành này- Ảnh 1.

    Ảnh: Financial Times

    Dealstreet Asia nhận định ngành công nghệ của Trung Quốc vẫn tiếp tục chứng kiến các đợt sa thải hàng loạt, tuyển dụng “đóng băng” và cắt giảm lương kể từ năm 2022 khi các công ty phải vật lộn với sự tăng trưởng kinh tế trong nước chậm chạp và ảnh hưởng từ các biện pháp thắt chặt quản lý toàn ngành. Có rất ít dấu hiệu cho thấy sự phục hồi trở lại.

    Theo một số công ty săn đầu người, hoạt động tuyển dụng tại các công ty công nghệ lớn (big tech) vẫn tiếp tục diễn ra, mặc dù nhu cầu tuyển dụng năm nay ít hơn nhiều so với năm 2022 và chủ yếu tập trung vào các vị trí cao cấp.

    Ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc JD.com Inc. đưa ra 8.000 vị trí công việc cho sinh viên mới tốt nghiệp đại học, số lượng nhiều nhất trong số các công ty cùng ngành. Gã khổng lồ Alibaba Group Holding Ltd. có kế hoạch tuyển dụng 15.000 người, trong khi đó đại gia giao đồ ăn Trung Quốc Meituan có hơn 6.000 chỗ việc làm cho các vị trí cấp thấp.

    Zheng Nan, người sáng lập Zhiyi Consulting, một công ty săn đầu người, cho biết: “Nhìn chung, các ông lớn công nghệ này vẫn đang trong quá trình thu hẹp quy mô.”

    Cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoặc tối ưu hóa cơ cấu nhân sự là những biện pháp mà các công ty công nghệ Trung Quốc thực hiện. Tuy nhiên, điều thực sự đè nặng lên thị trường việc làm là tốc độ tăng trưởng kinh doanh chậm chạp, cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt và những thách thức chưa từng trong bối cảnh công nghệ mới.

    Ngành công nghệ Trung Quốc đã trải qua nhiều thăng trầm trong vài năm qua, khi bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại vào năm 2019 sau thời kỳ bùng nổ kéo dài một thập kỷ. Nhưng nhu cầu làm việc và giải trí trực tuyến tăng vọt trong giai đoạn COVID-19 đã khiến các gã khổng lồ Internet phải tuyển dụng rầm rộ.

    Theo tính toán của Caixin, từ năm 2019 đến năm 2021, nhân sự của hai ông lớn công nghệ Trung Quốc Tencent và ByteDance đã tăng từ 60.000 lên 110.000, và của Alibaba đã tăng hơn gấp đôi từ 100.000 lên 250.000 – một phần là nhờ thương vụ mua lại Sun Art Retail của Alibaba. Trong khi đó, JD.com cũng chứng kiến số lượng nhân viên tăng từ 230.000 lên 380.000 trong cùng giai đoạn này.

    Tuy nhiên, quy mô nhân sự phình to chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Các công ty công nghệ hàng đầu sớm bắt đầu đón nhận một kỷ nguyên mới: thu hẹp quy mô và cắt giảm chi phí trong bối cảnh chính phủ thắt chặt kiểm soát toàn ngành và ảnh hưởng từ đại dịch.

    Năm 2022, Alibaba đã cắt giảm 19.576 nhân sự và tiếp tục sa thải thêm 11.065 người trong nửa đầu năm nay. Song song với việc thu hẹp quy mô nhân sự là tốc độ tăng trưởng kinh doanh chậm lại của Alibaba khi mà tăng trưởng doanh thu lao dốc xuống mức 1,83% trong năm tài chính 2022, so với 40,72% vào năm 2020 và 18,93% vào năm 2021.

    Tương tự, Tencent cũng bắt đầu sa thải hàng loạt vào đầu năm 2023. Hiện công ty có 104.503 nhân viên, giảm 6.212 so với một năm trước đó.

    Đối mặt với thách thức từ những công ty mới tăng trưởng cao như ByteDance Ltd. và PDD Inc., những gã khổng lồ công nghệ khác của Trung Quốc cũng đang dần từ bỏ các mảng kinh doanh không có khả năng sinh lời và tập trung vào việc đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh chính nhằm bảo vệ chỗ đứng trong ngành.

    Bất chấp làn sóng sa thải, hai lĩnh vực thuộc ngành Internet của Trung Quốc vẫn ghi nhận gia tăng nhân sự đáng kể, đó là kinh doanh nước ngoài và trí tuệ nhân tạo (AI).

    Sau khi Alibaba tái cơ cấu thành sáu đơn vị riêng biệt, Tập đoàn Thương mại Điện tử Quốc tế Alibaba (Alibaba International Digital Commerce Group) đã báo cáo doanh thu tăng 41%, dẫn đầu các mảng kinh doanh khác của công ty. Nhu cầu về nhân lực cũng đã dịch chuyển ra nước ngoài khi việc ông lớn Trung Quốc có kế hoạch tuyển dụng từ hàng trăm đến 1.000 vị trí ở Đông Nam Á, Châu Âu và Châu Mỹ.

    Nhu cầu nhân sự ở nước ngoài cũng tăng đối với các công ty internet khác khi PDD ra mắt nền tảng thương mại điện tử Temu vào tháng 9 năm 2022 và Didi ghi nhận tăng trưởng ở Nam Mỹ sau khi đóng cửa hoạt động ở Nam Phi và Nga.

    Bên cạnh đó, phát sóng nội dung trực tiếp và AI là hai xu hướng tuyển dụng chính khác trong lĩnh vực Internet. Vào tháng 8, Alibaba đã bắt đầu tuyển dụng tại các trường, và công ty thành viên đều tập trung vào các vị trí liên quan đến công nghệ..

    Trong khi đó, JD.com đã bổ sung thêm nhiều vị trí mới trong tuyển dụng tại trường năm nay, bao gồm các chuyên viên AI và nhân sự lập kế hoạch trung hòa carbon.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày