Thông điệp ngầm của VinGroup: smartphone Vsmart sẽ chỉ là một dấu chấm nhỏ cho khát vọng tương lai

    Lê Hoàng,  

    Chỉ bằng một chiếc smartphone thôi, VinGroup sẽ có thể thu hút được toàn bộ sự chú ý của người hâm mộ công nghệ trong nước. Nhưng tham vọng của tập đoàn số 1 Việt Nam không dừng tại đây.

    2018 có lẽ là năm đáng nhớ nhất với các tín đồ công nghệ trong nước khi VinGroup, tập đoàn  lớn nhất nhì Việt Nam, liên tiếp công bố các thông tin liên quan tới công nghệ. Bắt đầu bằng tuyên bố thành lập nhà máy sản xuất smartphone, bắt tay với công ty châu Âu, trong tuần này VinGroup lại tiếp tục công bố 2 thông tin quan trọng: chiêu mộ giáo sư toàn học Vũ Hà Văn tại Viện BigData trực thuộc VinTech và đáng kinh ngạc hơn là thành lập "Thung lũng Silicon" của Việt Nam.

    Sẽ là không sai khi nói rằng những công bố của ngày hôm nay sẽ góp phần tạo ra chiếc smartphone đáng trông chờ nhất trong lịch sử Việt Nam – nhất là khi các hãng di động toàn cầu đều đang dùng "AI để làm điểm nhấn cho smartphone. Song, những tuyên bố của VinGroup càng ngày càng bộc lộ rõ tham vọng của công ty này: smartphone chỉ là một dấu chấm nhỏ.

    Thông điệp ngầm của VinGroup: smartphone Vsmart sẽ chỉ là một dấu chấm nhỏ cho khát vọng tương lai - Ảnh 1.

    Những tưởng ký kết hợp tác với đối tác châu Âu để sản xuất smartphone đã là "lớn"...

    Tại sao ư? Đáng chú ý không kém về việc thành lập khu công nghệ cao VinTech City theo mô hình Thung lũng Silicon là quyết định không mấy ai để ý: tách hẳn một công ty con (VinTech) từ một công ty con mới thành lập (VinSmart) để tập trung nghiên cứu AI, tự động hóa và vật liệu. 

    Nói cách khác, VinGroup không chỉ muốn tạo ra các sản phẩm thời thượng (smartphone, tablet, laptop) mà còn muốn tạo dựng một nền tảng vững chắc để tiến vào tương lai.  AI, tự động hóa và vật liệu là các lĩnh vực có lợi cho tất cả các sản phẩm công nghệ chứ không riêng gì smartphone.

    Phủ bóng lên Vincom

    Đáng kinh ngạc hơn nữa là trong Thông cáo Báo chí ngày hôm nay, VinGroup khẳng định sẽ hướng đến việc đưa Công nghệ trở thành lĩnh vực kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cả 3 mảng Công nghệ, Công nghiệp và Dịch vụ. Hiện tại, nhắc đến VinGroup vẫn là nhắc đến bất động sản và dịch vụ với những tên gọi mà người Việt nào cũng "quen" như VinCom, VinPearl, VinHomes, VinMart v...v... Các mảng kinh doanh "low tech" đã giúp cho VinGroup chạm ngưỡng 10 tỷ đô vào cuối năm 2017 – nếu mảng công nghệ cao vượt được mốc giá trị này, VinGroup sẽ ghi tên mình vào bản đồ toàn cầu.

    Thông điệp ngầm của VinGroup: smartphone Vsmart sẽ chỉ là một dấu chấm nhỏ cho khát vọng tương lai - Ảnh 2.

    ...nhưng VinGroup thậm chí còn muốn dùng hi-tech để vượt qua cái bóng khổng lồ của thương mại/dịch vụ.

    Chặng đường đến cột mốc này sẽ không hề dễ dàng. Nếu như sản xuất là lĩnh vực đem lại tiền của, nghiên cứu là lĩnh vực "đốt tiền". Để có thể đón đầu và bắt kịp các trào lưu công nghệ sắp bùng nổ, VinGroup sẽ phải "đốt" rất nhiều tiền để đưa AI, tự động hóa và công nghệ vật liệu của mình lên ngang tầm các đối thủ sừng sỏ tại châu Á.

    Nhưng VinGroup cũng có những lợi thế của riêng mình. Thị trường Việt Nam hiện tại vẫn đang tập trung nhiều người dùng trẻ với mức độ quan tâm khá cao dành cho công nghệ. Trong nhiều năm qua, chúng ta cũng chưa thực sự có được một chiếc điện thoại "quốc nội" (hay bất cứ một sản phẩm công nghệ "quốc nội") nào khác. Nếu kết quả nghiên cứu của VinTech có thể đáp ứng được những nhu cầu đặc thù của người Việt, chắc chắn thành công dành cho những chiếc smartphone, tablet hay những ngôi nhà thông minh mang thương hiệu Vin sẽ là không hề nhỏ.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ