Thứ giúp cho iPhone 11 thành công không phải là những đột phá mới, mà là những sợi dây vô hình rất "cũ" này đây

    Lê Hoàng,  

    Bạn đang dùng iPhone. Mỗi lần tụ tập với bạn bè, ai đó lại dùng chiếc iPhone mới nhất chụp ảnh cả nhóm rồi chia sẻ với nhau bằng AirDrop. Bạn có muốn chuyển sang Android không?

    Nếu so với đối thủ mạnh nhất trong phân khúc cao cấp là Galaxy Note10, iPhone 11 Pro tỏ ra hoàn toàn yếu thế. Con chip A13 có thể vẫn vô cùng mạnh mẽ, nhưng xét về tính năng, iPhone 11 Pro chẳng có lấy nổi một yếu tố nào mới cả. Ngay đến cả thiết kế cũng phần lớn là "tái sử dụng" từ iPhone X.

    Nhưng có lẽ gần như chắc chắn, iPhone 11 sẽ tương đối thành công. Các nhà đầu tư đã ngay lập tức đưa trị giá của Apple về mốc nghìn tỷ. Con số dự đoán doanh thu của Apple trong quý 3 vẫn ở mức "khủng" 60 tỷ USD. Đằng sau thành công (được dự đoán) này là một nguyên tắc rất đơn giản: vốn đã làm chủ thị trường cao cấp, iPhone không cần vượt mặt các đối thủ mà chỉ cần tìm mọi cách trói buộc iFan. 

    Và đây là những sợi dây khiến cho iFan gần như không bao giờ đổi phe:

    1. iOS: AirDrop, iMessage.

    Thứ giúp cho iPhone 11 thành công không phải là những đột phá mới, mà là những sợi dây vô hình rất cũ này đây - Ảnh 1.

    AirDrop và iMessage là cách để người dùng... tự níu chân nhau.

    Apple thực sự đã tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh cả về phần cứng lẫn phần mềm. Hãy nhớ rằng đến năm nay Google vẫn chưa thể tạo ra một đối thủ chính thống cho iMessage và AirDrop. Hangouts sắp bị khai tử, còn tính năng gửi file trực tiếp từ thiết bị này sang thiết bị khác (không qua Internet) thì vẫn được thực hiện bằng phương pháp của... thập niên trước, ấy là Bluetooth.

    Với AirDrop và iMessage, Apple để cho iFan tự níu chân nhau! Thử đặt mình vào vị trí của một người dùng iOS, nếu chuyển sang Android, mỗi lần gặp mặt bạn sẽ phải chờ đợi bạn bè mình… đủ tốt để tải ảnh lên Google Photos hay thứ gì đó mà bạn có thể nhận được. Nếu chuyển sang Android, tất cả những dòng thủ thỉ của bạn trên iMessage trước đây sẽ tan biến và hư không, chưa kể tính năng cho bạn bè (chưa đổi điện thoại) sẽ không còn miễn phí nữa. Dĩ nhiên, các dịch vụ tính năng đa-nền của bên thứ 3 như Messenger hay WhatsApp vẫn luôn là lựa chọn tiềm tàng, nhưng chỉ cần nhìn xung quanh bạn sẽ thấy, có rất ít nhóm người dùng cùng sử dụng iPhone mà lại chưa từng dùng iMessage để nhắn cùng nhau.

    2. iPad nay đã có giá rẻ, chưa kể Mac

    Khác với smartphone, tablet mác Táo đã bão hòa và đã trở thành "chuyện đã rồi" từ lâu. Nhưng cũng rất khác với iPhone, iPad hiện tại vẫn là dòng tablet thống trị thế giới.

    Thứ giúp cho iPhone 11 thành công không phải là những đột phá mới, mà là những sợi dây vô hình rất cũ này đây - Ảnh 2.

    Mua một thiết bị Táo thôi là đã tự trói chân mình vào nhà Táo rồi!

    Điều này tạo ra một hệ sinh thái đáng ghen tị. Ảnh chụp từ iPhone có thể được chuyển thẳng sang iPad mà người dùng không cần phải làm gì cả. Khi người dùng đang thư giãn bằng YouTube hay Reddit trên iPad, cuộc gọi từ chiếc iPhone đang để trên tủ cũng sẽ hiện lên màn hình iPad. Các nội dung ghi chú trong Notes tự động đồng bộ giữa các thiết bị có iCloud. Trang web hay cuốn sách đang đọc dở trên iPhone sẽ tự động mở trên iPad. 

    Không đứng đầu thị trường nhưng doanh số máy Mac mỗi năm vẫn lên tới hàng chục triệu máy. Như iPad, Mac cũng có nhiều tính năng "kết hợp iOS" thú vị mà nhiều người đã quen dùng -iMessage, AirDrop, chia sẻ thư viện ảnh v...v... Ai muốn hy sinh những tính năng thú vị này khi chuyển sang smartphone Android? Chỉ mua một thiết bị iOS hay macOS thôi, người dùng coi như đã tự trói mình ở lại với iPhone rồi.

    3. Apple Watch và AirPods

    Cũng giống như iPad, Apple Watch hiện là ông vua không ngai trên thị trường smartwatch. Thậm chí, Apple Watch còn đánh bại cả đồng hồ truyền thống. Cộng đồng Apple Watch gần như chắc chắn sẽ không bao giờ chuyển sang Android, bởi kết nối Apple Watch với smartphone Android không chỉ khó khăn mà còn khiến cho Watch trở nên gần như vô dụng.

    Thứ giúp cho iPhone 11 thành công không phải là những đột phá mới, mà là những sợi dây vô hình rất cũ này đây - Ảnh 3.

    Apple Watch và AirPods đem đến những trải nghiệm tuyệt vời. Chúng đòi hỏi phải có iPhone để tiếp tục tuyệt vời.

    Thua xa các đối thủ về chất âm nhưng AirPods lại có một lợi thế đặc biệt: trải nghiệm tiện dụng không đối thủ nào bì kịp. Những chiếc tai nghe này cũng không hề có tuổi đời theo chu kỳ như iPhone: thay vì mua mới 2 hoặc 3 năm một lần, người ta sẽ dùng AirPods đến khi nào pin chai hết, hoặc... bị rơi. Và nếu như pin chưa chai, tai chưa rơi, liệu một iFan có muốn dùng AirPods với smartphone Android? Khi ấy, cặp tai nghe Apple sẽ mất đi toàn bộ trải nghiệm thông minh: tất cả những gì còn lại (khi ghép đôi với Android) chỉ là một cặp tai nghe đắt đỏ với chất âm ngang ngửa... EarPods.

    4. Có một ứng dụng để làm điều đó...

    Chính iPhone vào năm 2008 đã tạo ra một cơn sốt ứng dụng. "There's an app for that" - "Có một ứng dụng để làm điều đó" là câu nói cửa miệng đã đưa khái niệm "app" vào cuộc sống thường nhật.

    Thứ giúp cho iPhone 11 thành công không phải là những đột phá mới, mà là những sợi dây vô hình rất cũ này đây - Ảnh 4.

    Chuyển sang Android, các khoản đầu tư vào App Store sẽ trở nên vô nghĩa.

    Hiện tại, App Store vẫn thường xuyên đem lại doanh thu cao gấp đôi Google Play. Điều này có nghĩa rằng có rất nhiều người ĐÃ đầu tư tiền và thời gian vào trải nghiệm phần mềm Táo. Chưa kể, nhiều người còn đang sử dụng các ứng dụng MIỄN PHÍ độc quyền của Táo như Final Cut, GarageBand hay iMovie. Android không có ứng dụng miễn phí nào bì kịp cả. Liệu người dùng Táo có sẵn sàng hy sinh tất cả những thứ này?

    5. Dịch vụ: Music, TV , Apple Pay và cả chiếc thẻ titanium

    Trên lý thuyết thì Apple Music và Apple TV vẫn hoạt động cùng các thiết bị không phải của Apple. Trong thực tế thì chẳng ai làm như vậy cả: các nhà mạng nước ngoài có thể tung ra các chương trình khuyến mại nhiều tháng Music miễn phí khi mua iPhone, và chính Apple mới đây còn tặng hẳn 1 năm sử dụng TV cho người mua iPhone (hay iPad, Mac v...v...).

    Dịch vụ thanh toán Pay hay chiếc thẻ Apple Card mới ra mắt cũng vậy. Không có iPhone, việc quản lý các dịch vụ này hoặc sẽ rất khó khăn, hoặc trở thành bất khả thi... Người dùng đã hưởng ưu đãi từ Pay hay Card chắc chắn cũng sẽ ít nghĩ tới việc mua điện thoại khác, bởi một khi đã tham gia dịch vụ tài chính này, mối quan hệ giữa họ và Apple đã không chỉ dừng ở mức độ con người-thiết bị nữa.

    Thứ giúp cho iPhone 11 thành công không phải là những đột phá mới, mà là những sợi dây vô hình rất cũ này đây - Ảnh 5.

    Điện thoại làm bàn đạp cho dịch vụ, rồi dịch vụ lại thành bàn đạp cho điện thoại...

    Bởi thế người ta mới khen Tim Cook khôn ngoan: bán được điện thoại, Cook dùng làm bàn đạp để phát triển phụ kiện và dịch vụ. Khi đã vào tay người dùng rồi, phụ kiện và dịch vụ lại trở thành sợi dây trói buộc iFan phải ở lại với Apple.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ