Thứ này từng được gửi lên sao Kim, nhưng bị mắc kẹt 53 năm và giờ mới trở lại Trái Đất
Dù cú rơi của Kosmos 482 kết thúc một cách êm ả, nó vẫn đặt ra cảnh báo về lượng rác vũ trụ ngày càng gia tăng quanh Trái Đất
Sau hơn nửa thế kỷ trôi dạt trong quỹ đạo, một tàu vũ trụ của Liên Xô được thiết kế để hạ cánh xuống sao Kim cuối cùng đã rơi trở lại Trái Đất vào ngày 26/4 vừa qua.
Tàu Kosmos 482, được phóng lên năm 1972 trong khuôn khổ chương trình khám phá sao Kim của Liên Xô, đã rơi xuống Ấn Độ Dương, phía tây Jakarta (Indonesia) vào lúc 6:24 sáng (giờ GMT), theo thông báo chính thức từ cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos. Rất may, vụ rơi không gây ra bất kỳ thiệt hại hay thương tích nào được ghi nhận.
Kosmos 482 được thiết kế như một “chị em song sinh” với tàu Venera 8 – con tàu đã đáp thành công xuống bề mặt sao Kim vào tháng 7/1972. Tuy nhiên, do sự cố ở tầng đẩy trên của tên lửa Soyuz, Kosmos 482 không đạt đủ vận tốc cần thiết để thoát khỏi lực hút Trái Đất và bị mắc kẹt trong một quỹ đạo hình elip quanh hành tinh suốt hơn 50 năm.

Trớ trêu thay, trong khi Venera 8 thực hiện thành công sứ mệnh và truyền dữ liệu từ bề mặt sao Kim trong 50 phút trước khi bị thiêu rụi, thì Kosmos 482 lại trôi dạt vô định. Năm 1981, phần thân chính của tàu đã rơi trở lại khí quyển và bốc cháy, nhưng mô-đun hạ cánh – được thiết kế để sống sót qua bầu khí quyển khắc nghiệt của sao Kim – vẫn tiếp tục tồn tại trên quỹ đạo thấp.
Mô-đun này nặng khoảng 495 kg, có hình trụ cao khoảng 1 mét và được dự đoán vẫn còn nguyên vẹn nếu được trục vớt – nhờ cấu trúc chịu nhiệt cực cao. Theo hiệp ước Liên Hợp Quốc về không gian, mọi mảnh vỡ còn lại nếu được tìm thấy sẽ thuộc về Nga.
Dù cú rơi của Kosmos 482 kết thúc một cách êm ả, nó vẫn đặt ra cảnh báo về lượng rác vũ trụ ngày càng gia tăng quanh Trái Đất. Hiện có hơn 30.000 mảnh rác không gian lớn đang được theo dõi bởi các cơ quan không gian, nhưng hàng ngàn mảnh nhỏ hơn thì gần như không thể kiểm soát.
Trước Kosmos 482, thế giới đã từng chứng kiến nhiều vụ rơi đáng lo ngại: từ các tầng tên lửa Long March 5B của Trung Quốc rơi xuống Bờ Biển Ngà, Borneo và Ấn Độ Dương, đến mảnh vỡ từ tên lửa SpaceX rơi trúng nông trại ở Mỹ và Australia. Dù rủi ro đối với từng cá nhân là cực thấp – theo Aerospace Corporation, xác suất bị thương do Kosmos 482 là 0.4/10.000 – thì mối lo về an toàn không gian vẫn là một chủ đề ngày càng được quan tâm.
Anh Việt
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Các nhà khoa học quốc tế phải tìm tới tận nhà thợ săn Việt Nam, để xin hài cốt chứa DNA loài "kỳ lân Châu Á": Câu chuyện về hành trình 3 thập kỷ - tái tạo bộ gen loài thú quý hiếm cuối cùng được đặt tên trên Trái Đất
Làm thế nào mà dãy Trường Sơn ở Việt Nam lại có thể che giấu sự tồn tại của loài sinh vật này trong suốt hàng triệu năm?
POCO M7 Pro 5G: Đây không phải là chiếc smartphone bình thường của Xiaomi!