Thử nghịch TTG Stark: bật máy từ xa không cần Wake-on-LAN
Dù tiện lợi, TTG Stark chắc chắn sẽ còn nhiều thứ để cải thiện.
Là một người thường xuyên phải di chuyển, tôi thường xuyên phải xử lý công việc trên các thiết bị di động. Từ soạn văn bản và slides phức tạp cho đến xử lý ảnh số lượng lớn, rất nhiều tác vụ thường ngày của tôi cần đến các ứng dụng trên Windows. Vốn đã có sẵn iPad Pro cùng bàn phím Magic Keyboard, việc đầu tư thêm một chiếc laptop Windows không phải là một lựa chọn kinh tế cho lắm với tôi. Mà có muốn mua thì vợ tôi cũng ngay lập tức từ chối bởi desktop ở nhà đã khá tốn kém rồi.
Bởi vậy, giải pháp của tôi không có cách nào khác ngoài cách truy cập từ xa với các ứng dụng remote như TeamViewer. Vấn đề ở chỗ là không phải lúc nào tôi cũng cần đến desktop bởi phần lớn tác vụ tôi đã có thể xử lý trên iPad chỉ trừ một số việc đặc thù mà ứng dụng trên tablet/điện thoại chưa hỗ trợ ví dụ như chỉnh sửa các bảng chart động. Bật máy suốt ngày thì tiền điện cũng tôi trả chứ chẳng ai khác.
Từ các khó khăn trên, tôi buộc phải tìm thêm cách bật máy từ xa. Wake on LAN, bật máy bằng cách gửi một packet thông tin đến mainboard để bật máy hoặc Wake on AC loss, bật máy khi có điện trở lại khi kết hợp với các loại ổ cắm thông minh là hai lựa chọn thông dụng trên thị trường. Wake on LAN thì thực sự là quá phức tạp, đặc biệt với những người không quá am hiểu công nghệ khi phải cài đặt, port forward, fix IP,... Wake on AC loss thì việc ngắt nguồn liên tục khiến tôi có phần không yên tâm lắm. Tôi tưởng chừng đã vô vọng cho đến khi nói chuyện với một anh bạn.
"Mày kém, thế mà không bảo anh sớm anh đưa cho cái này về chỉ cần cắm dây cài app là dùng, hôm nào sang nhà mà lấy". Như mở cờ trong bụng, ngay buổi tối hôm đấy tôi lẽo đẽo theo ông anh về nhà để lấy đồ dù nhà hai anh em cách nhau hơn 10km.
Ấn tượng ban đầu của tôi là phần đóng gói khá đơn giản, thậm chí có phần hơi sơ sài. TTG Stark có vẻ là sản phẩm hợp tác giữa kênh stream Trực Tiếp Game và Gratiot, một công ty chuyên về các sản phẩm nhà thông minh. Bên trong hộp chỉ có mạch TTG Stark 2 dây nối 4 pin, 1 dây cáp micro USB sang USB. Điều này khiến tôi hơi bất ngờ xen chút thất vọng khi không hề có một hướng dẫn sử dụng nào. Mã QR code trên vỏ hộp hóa ra cũng chỉ để trỏ đến trang của app Gratiot trên App Store.
Về chi tiết các linh kiện trên mạch, do không có chuyên môn về điện tử nên tôi sẽ không nhận xét. Vì cũng có đôi chút kiến thức về máy tính nên tôi nhận ra được một số chi tiết như các chân cắm tương tự với chân front panel trên main, cổng micro USB hoặc đấu dây từ chân đánh dấu 5V và GND vào nguồn để cấp điện cho mạch. Chỉ có một nút duy nhất để đóng nguồn từ đó bật máy hoặc bấm giữ để chuyển mạch vào chế độ cài đặt.
Phần lắp đặt với tôi cũng không quá phức tạp nhưng vẫn phải hỏi tiền bối cho chắc bởi dàn máy cả đống tiền của mình mà nghịch lung tung cháy nổ thì khổ. Bạn sẽ cần phải nối các chân POWRBTN (power button – nút nguồn), RESET, LEDPOWER, HDDLED (đèn báo tình trạng hoạt động của nguồn và HDD) tương ứng ở phần INPUT lên các chân front panel của main. Phần OUTPUT sẽ để dành cho các dây cắm nút nguồn, reset,... của case. Thiết kế này giúp cho các nút trên front panel của case vẫn hoạt động bình thường, không bị ảnh hưởng. Nguồn 5V được tôi cắm vào chân USB charge trên mainboard.
Trong quá trình lắp đặt này, TTG Stark bắt đầu lộ ra một số nhược điểm. Đầu tiên, việc không có hướng dẫn sử dụng khiến cho phần lớn người dùng gặp khó khăn. Cũng may việc chỉ lắp quanh các chân cắm front panel nên mạch thông minh này sẽ khó có khả năng gây ảnh hưởng đến các linh kiện khác của máy. Điểm thứ hai chính là việc cấp nguồn. Do cần nguồn để luôn bật, người dùng sẽ cần phải lấy nguồn từ cổng USB thông qua cổng USB Charge (luôn cấp điện, thường có trên các mainboard đời mới) hoặc cắm vào một cốc sạc 5V bên ngoài. Cách này khiến dây dợ có đôi chút loằng ngoằng, không thực sự gọn gàng. Có cách khác cho gọn gàng hơn là câu dây từ nguồn máy tính nhưng cách này hơi phức tạp và trông có vẻ hơi nguy hiểm nên tôi quyết định không thử.
Việc sử dụng ứng dụng và mạch có phần trực quan và dễ tiếp cận hơn. Khi được cấp nguồn, mạch sẽ nháy đèn sáng màu xanh. Người dùng sau khi tải ứng dụng sẽ thực hiện các thao tác đăng ký tài khoản sử dụng và cài đặt theo hướng dẫn trên màn hình. Quá trình này cơ bản sẽ không mất quá 5 phút. Sau khi đã cài đặt xong xuôi, biểu tượng máy sẽ xuất hiện trên màn hình chính với nút nguồn bên cạnh. Như vậy là bạn đã cài đặt thành công và có thể bật tắt máy từ xa. Ngoài ra ứng dụng Gratiot Smart cũng hỗ trợ thêm các tính năng như hẹn giờ bật/tắt hay tích hợp với các trợ lý ảo như Google Assistant hoặc Amazon Alexa để bạn có thể ra lệnh bật máy bằng giọng nói.
Một tính năng hay ho khác của ứng dụng Gratiot Smart là tạo các kịch bản. Ví dụ như khi máy tính của tôi được bật lên thì ứng dụng sẽ gửi thông báo "Máy tính vừa bật". Đây có thể được coi là một cách để quản lý tránh người khác bật máy của bạn để nghịch ngợm khi bạn không có nhà. Ngoài ra còn một số các kịch bản tiêu biểu khác như khi đèn phòng khách bật thì đồng thời bật máy tính. Tuy nhiên, bạn sẽ cần phải có một hệ sinh thái nhà thông minh để có thể nghịch ngợm được nhiều tính năng hơn.
Để tổng kết, TTG Stark đã mang lại một giải pháp bật/tắt máy tính từ xa mà không cần quá nhiều công sức tìm hiểu, cài đặt. Dù vẫn còn một số điểm chưa ổn đã đề cập, đây vẫn là một sản phẩm giải quyết được vấn đề nhức nhối của rất nhiều người. Hi vọng TTG và Gratiot sẽ sớm có phiên bản mới kiểu Stark 1.1 hay 2.0 gì đó cải tiến để khiến sản phẩm thực sự thân thiện với người dùng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời