Thử nghiệm tốc độ mạng 4G của Mobifone tại Hà Nội sau 2 tháng rưỡi ra mắt: vẫn còn nhiều bất cập
Các thông số thu được trong thử nghiệm lần này chưa thực sự ấn tượng bởi nếu so sánh với dịch vụ 3G được cung cấp từ chính Mobifone hay 3G của Viettel trong cùng thời điểm, cùng địa điểm thì mức chênh lệch về tốc độ giữa 4G và 3G của Mobifone chưa phải là quá nhiều.
Như chúng ta đã biết, ngày 15/9/2016 tuyến cáp quang biển AAG bắt đầu được bảo trì, dự kiến kết thúc vào ngày 19/9/2016. Chúng ta ít nhiều cũng đã có thể cảm nhận được tốc độ mạng internet bị chậm đi, chập chờn và đôi lúc rất khó truy cập. Thế nhưng tốc độ 3G thì vẫn tương đối ổn định mặc dù theo lý thuyết thì dù là internet di động nhưng 3G của nhà mạng cũng vẫn phải cần tới những trạm phát sóng BTS, và các trạm BTS này thì sử dụng internet từ hệ thống cáp quang kéo đến chân cột. Cả hệ thống ấy cũng sử dụng đường internet đi quốc tế thông qua cáp quang ra nước ngoài của Việt Nam, thế nên dù là mạng không dây nhưng 3G cũng phải đi qua cáp quang quốc tế.
Tuy nhiên các nhà mạng luôn ưu tiên cho dịch vụ dữ liệu trên di động. Điều này cũng dễ hiểu vì chúng mang lại doanh thu rất lớn – người dùng sẵn sàng tặc lưỡi chi 10000 đồng mua 1 GB dữ liệu để sử dụng trong những lúc mạng dây gặp sự cố như thế này. Chúng ta thử nhẩm tính nếu hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người mua dung lượng thì con số khổng lồ nhà mạng thu về trong thời gian chờ khắc phục sự cố với cáp mạng là bao nhiêu?
Chính vì vậy nên vào chiều cùng ngày chúng tôi đã có cuộc trải nghiệm tốc độ mạng 4G của Mobifone sau 2 tháng rưỡi nhà mạng này chính thức cung cấp dịch vụ 4G tại Hà Nội.
Buổi thử nghiệm diễn ra tại quán trà đá vỉa hè số 3 Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội
Địa điểm thử nghiệm là gần ga Hàng Cỏ, số 3 Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội. Chúng tôi có trong tay 2 chiếc điện thoại flagship của Samsung – Galaxy Note 7 N30FD bản 2 sim (2016) và chiếc Galaxy Note 4 N910C (2014), 1 modem usb 4G phát wifi Huawei E8372h-153 và sử dụng phần mềm Speedtest phiên bản mới nhất.
Samsung Galaxy Note 7 và modem 4G Huawei E8372
Gói cước 4G mà chúng tôi dùng là DP120 (120 nghìn đồng/3GB/tháng) và theo thông tin từ phía nhà mạng thì không có sự khác nhau về tốc độ 4G giữa các gói cước.
Trước hết hãy cùng thống nhất về đơn vị đo tốc độ mạng. Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa “một megabyte trên giây” - 1 MBps (MB/s) và “một megabit trên giây” – 1Mbps (Mb/s). Các nhà mạng vẫn có các gói cước 10, 20 "Mê" thế nhưng tốc độ hiển thị trên chương trình hỗ trợ download (ví dụ IDM) chỉ 1,2 - 2,5 "Mê".
Nguyên nhân nằm ở sự khác nhau giữa chữ B viết hoa và chữ b viết thường. Đây là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau và dễ khiến cho nhiều người nhầm lẫn. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng thường quy định tốc độ mạng là Mbps. Nhưng tốc độ tải về của chương trình Internet Download Manager là MBps. Chúng ta đều biết: 1Byte = 8bit, vì vậy nên 1MBps = 8Mbps (hay 1 Mbps = 122,1 KBps). Vì thế nếu chương trình IDM hiển thị tốc độ truyền dữ liệu khoảng 1,2 MBps tức là gói cước nhà bạn đang sử dụng có tốc độ 1,2 x 8 = 9,6 Mbps (xấp xỉ 10 “Mê”).
Lấy ví dụ gói cước cáp đồng Mega Office của VNPT có giá trọn gói 350 nghìn đồng/tháng với tốc độ tải lên/xuống tối đa là 7168/640 Kbps. Tốc độ này khi đổi ra Mbps sẽ là 7,168/0,64 Mbps. Hoặc nêu làm phép tính chia cho 8 ta sẽ có tốc độ IDM mà chúng ta vẫn quan tâm là 768/80 KBps.
Ban đầu sim 4G được lắp trên Galaxy Note 7. Điện thoại nhận được sóng và biểu tượng 4G (không phải LTE) hiện lên và chỉ số ping chỉ là 14 ms, trong khi với sim 3G thông thường thì chỉ số này trong khoảng từ vài chục đến vài trăm. Tốc độ tối đa trong lần thử đầu tiên là 34,90 Mbps, lần thứ hai là 37,13 Mbps nhưng hơi thiếu ổn định, còn upload tương ứng lần lượt là 16,19 Mbps và 15,45 Mbps.
4G trên Galaxy Note 7
Khi chuyển sim sang Galaxy Note 4 chúng tôi nhận thấy có sự thay đổi rõ rệt. Điện thoại để chế độ tự động nhận mạng LTE/WCDMA/GSM nhưng đầu tiên vẫn chỉ nhận 3G – biểu tượng sóng hiện H . Thử nghiệm tốc độ cho thấy kết quả đúng là 3G khi mà ping 60 ms, tốc độ download/upload tối đa tương ứng là 12,89 và 4,26 Mbps.
3G của Mobifone trên Note 4
Hơn 1 phút sau máy nhận được sóng 4G và H bị thay thế bằng 4G (không phải 4G như trên Note 7). Kết quả thử nghiệm 2 lần liên tiếp (không thoát ứng dụng Speedtest) cho kết quả như sau:
Ping: Lần 1: 17 ms, lần 2: 16 ms.
Download: Lần 1: 24,37 Mbps, lần 2: 24,27 Mbps.
Upload: Lần 1: 18,52 Mbps, lần 2: 20,32 Mbps.
4G trên Note 4
Tiếp theo chúng tôi lắp sim 4G vào modem E8372h-153 và thiết lập Chỉ sử dụng 4G trong phần cài đặt. Do chiếc Note 7 lúc này đã quá nóng nên chúng tôi sử dụng Note 4 để kết nối với wifi do modem này phát ra, tránh trường hợp cháy nổ nguy hiểm.
Khi gắn sim 3G/4G và cắm vào nguồn điện 5V/1A thì Huawei E8372 sẽ trở thành modem wifi phát cho 10 thiết bị cùng lúc
Kết quả thu được cao hơn so với khi gắn sim trực tiếp trên điện thoại và rất ổn định: ping 14 ms, tốc độ download 22,99 Mbps/24,90 Mbps còn upload 19,98 Mbps/19,71 Mbps.
Modem 4G Huawei E8372 cho tốc độ nhỉnh hơn Note 4 và rất ổn định
Tạm kết
Các thông số thu được trong thử nghiệm lần này chưa thực sự ấn tượng bởi nếu so sánh với dịch vụ 3G được cung cấp từ chính Mobifone trong cùng thời điểm, cùng địa điểm (download 12,89 Mbps; upload 4,26 Mbps) hay 3G của Viettel (download 19,08 Mbps và download 4 Mbps) thì mức chênh lệch về tốc độ giữa 4G và 3G của Mobifone chưa phải là quá nhiều. Kể cả con số lớn nhất thu được trên Galaxy Note 7 là 37,1 Mbps và 16,19 Mbps cũng kém xa so với thử nghiệm thực tế tại thành phố Hồ Chí Minh (142,78 Mbps/40,92 Mbps) hay tại Bà Rịa – Vũng Tàu - khoảng 45 Mbps với đường lên (upload) và 145 Mbps với đường xuống (download) chứ chưa nói tới tốc độ lý thuyết là 600 Mbps.
Tốc độ 4G ghi nhận tài thành phố Hồ Chí Minh ngày 01/7/2016
Để có kết luận chính xác hơn về mạng 4G tại Hà Nội thì cần phải thực hiện thử nghiệm ở nhiều địa điểm hơn nữa, và chúng tôi sẽ tiến hành thêm trong thời gian tới. Thế nhưng trước mắt với tốc độ như trên thì 4G Mobifone tại đầu phố Quốc Tử Giám tuy vẫn còn thấp so với khả năng của công nghệ 4G nhưng hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng nghe nhạc, xem phim thông thường. Thậm chí tốc độ này còn nhanh hơn so với một số gói internet cáp đồng, ví dụ, gấp 3 lần tốc độ tối đa của gói Mega Office có giá 350 nghìn đồng/tháng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4