Thủ phạm kéo Apple xuống đáy vực hiện tại không ai khác chính là iPhone X
Nếu bạn kỳ vọng 90 tỷ USD thì 84 tỷ USD sẽ gây thất vọng. Sau iPhone X, mọi kỳ vọng vào Apple và iPhone đều đã bị bóp méo.
Chắc chắn, tin tức đáng chú ý nhất của cả thế giới công nghệ trong tuần đầu tiên của năm 2019 là câu chuyện buồn của Apple. Trong một thông cáo gửi tới các nhà đầu tư, Apple xin sửa dự báo doanh thu của quý xuống còn 84 tỷ USD. Giấc mộng về đại thành công của iPhone XS/XS Max/XR tan vỡ, và cổ phiếu Apple bay hơi. Đến nay, trị giá của công ty nghìn tỷ đầu tiên đến từ nước Mỹ đã tụt xuống chỉ còn khoảng 650 tỷ USD, thua kém cả Microsoft, Amazon lẫn Alphabet (Google).
Những con số chính thức sẽ chỉ được công bố vào ngày 29/1 sắp tới, nhưng quả thật đây là lúc sự kỳ vọng của cả thế giới vào Apple – hay nói đúng hơn là vào iPhone – đã gần như cạn kiệt. Một lần nữa, "Apple is doomed" – "Apple sắp đến ngày tàn" lại được nhắc lại.
Nhưng mọi thứ có thực sự tồi tệ đến thế?
84 tỷ = tồi tệ?
Nếu 84 tỷ USD gây khó thì Apple chắc đã phải "chết" từ 2014, sau thành công của iPhone 6.
Trước hết, hãy cùng nhìn lại vào con số gây thất vọng nhất của Apple: doanh thu. Khi công bố kết quả cho quý 3, Apple từng dự báo rằng doanh thu của quý cuối năm sẽ vào mức 89-93 tỷ USD. Con số mới, 84 tỷ USD, rõ ràng là thấp hơn hẳn so với mức dự báo ban đầu. Tuy vậy, 84 tỷ USD dĩ nhiên không phải là một con số thấp.
Tại sao ư? Hãy cùng đi ngược dòng lịch sử. Mùa đông năm 2014, với những chiếc iPhone cỡ lớn đầu tiên, Apple tạo bước ngoặt với doanh thu 74 tỷ USD. Một năm sau đó, dẫu iPhone 6s không gây ấn tượng mạnh, Apple đạt 75,9 tỷ USD. Đến cuối 2017, với iPhone 7 vốn thực chất là iPhone 6s cải tiến lại, Apple vẫn có thể nhích thêm một chút, đạt 78,4 tỷ USD.
Đến năm ngoái, nhờ vào thành công ngoài sức tưởng tượng của iPhone X, Apple lập kỷ lục doanh số 88 tỷ USD. Nếu con số 84 tỷ USD vừa được Tim Cook công bố là chính xác, doanh số mùa đông năm nay chỉ sụt 4 tỷ USD so với mùa đông năm ngoái và vẫn cao hơn hẳn so với 2016/2017, vốn là các năm của iPhone S.
"Thất bại" nên chỉ mang về 84 tỷ USD???
Như bạn chắc hẳn đã biết, năm nay cũng là một năm của iPhone S. Người ta không "phát cuồng" vì iPhone S như năm đầu, nhưng Apple vẫn thu về 84 tỷ USD. Cho dù ngay từ quý 3 Apple đã tuyên bố sẽ giấu nhẹm doanh số iPhone cho các quý tiếp theo, có thể thấy rõ ràng rằng iPhone đến thời điểm này vẫn đạt doanh số hàng chục triệu chiếc. Nếu không, Apple làm thế nào để đạt đến 84 tỷ USD?
Trên con số doanh thu này, cách duy nhất để Apple "tàn" là lỗ nặng. Các con số được Apple đưa ra cho biết biên lợi nhuận gộp vẫn ở mức 38%: trên 84 tỷ USD của quý 4 vừa qua, Apple sẽ thu về khoảng 33 tỷ USD lợi nhuận. Dĩ nhiên, Apple sẽ phải trừ đi chi phí hoạt động và thuế, song đến cuối cùng, một công ty có lãi gộp 33 tỷ USD không thể coi là đang gặp khó được.
Thủ phạm cho cú rơi thần thánh tuần trước lại là phép màu iPhone X ngày nào
Liên tục đứng ở vị trí số 1 trong suốt cả vòng đời.
Vậy thì, lý do gì khiến cho cổ phiếu Apple bốc hơi nhanh chóng và bầu không khí u ám bao trùm cả thế giới? Câu trả lời là iPhone X.
Thực tế, sau hơn 1 năm nhìn lại, iPhone X rất giống một phép màu. Đó là một chiếc iPhone không được lòng tất cả người dùng – vì bỏ Touch ID, vì có tai thỏ kỳ dị, vì đặc biệt là có giá lên tới nghìn đô. Đó là chiếc iPhone lên kệ chậm hơn hẳn tất cả những chiếc iPhone trong lịch sử Táo, ra mắt tháng 9 rồi đến tháng 11 mới đến tay người dùng. Thậm chí, người ta còn đồn đại Apple không đủ iPhone X để bán.
Quý 4 năm ngoái, iPhone X đưa doanh thu Apple lên mức 88 tỷ USD, tức là tăng 10 tỷ USD so với 2017. Các tổ chức nghiên cứu thị trường liên tiếp tuyên bố iPhone X là smartphone bán chạy nhất thế giới. Đến quý 2/2018, vốn là thời điểm sức mua iPhone xuống thấp nhất và sức công phá của binh đoàn Android ở mức mạnh nhất, iPhone X vẫn dễ dàng giữ vững danh hiệu này. Sau ngày công bố kết quả quý 2/2018 ít lâu, Apple chính thức cán mốc nghìn tỷ.
Thành công điên khùng của iPhone X đã khiến mọi hệ quy chiếu về iPhone bị bóp méo.
Giá cổ phiếu (và trị giá thị trường của mỗi công ty) không đại diện cho tình hình kinh doanh thực tế của mỗi công ty. Trái lại, chúng đại diện cho kỳ vọng của giới đầu tư. Sau iPhone X, mọi kỳ vọng vào Apple và iPhone đều đã bị bóp méo. Khi doanh số toàn cầu suy thoái, Apple vẫn có thể đạp đổ các kỷ lục bằng một chiếc smartphone giá nghìn đô. Một chiếc iPhone giá nghìn đô đã đánh bại vô số Android giá rẻ để liên tục giữ vững vị trí số 1 thế giới, thử hỏi có điều gì là không thể với Apple?
Gáo nước lạnh XS
iPhone XS, XS Max và XR không phải là thất bại. Chúng đơn giản chỉ là gáo nước lạnh dội vào mặt các nhà đầu tư, để họ tỉnh ngộ ra rằng, ngay cả Apple cũng có giới hạn. Sau phép màu iPhone X, vẫn có những phép màu nằm ngoài tầm với của Tim Cook.
Điều đáng nói là gáo nước lạnh đó không chỉ dành cho Apple, mà là cho cả thế giới smartphone. Đừng lầm tưởng rằng thất bại của Apple sẽ là niềm vui của Samsung hay Huawei: không có một con số nào cho thấy Galaxy S9, Note9, Mate 20 hay P20 bỗng dưng bán chạy vì iPhone XS/XS Max/XR không bán chạy như mong đợi cả.
Apple vẫn đang độc tôn trong cuộc chiến duy nhất mà Apple muốn tham gia
Trái lại, số liệu Counterpoint cho thấy iPhone vẫn đang sống tốt. Tính toàn bộ smartphone từ 400 USD trở lên, Apple chiếm tới 47% thị phần trong khi Samsung bị bỏ xa lại ở vị trí thứ 2 với 22% thị phần; kẻ mới nổi Huawei chỉ nắm vỏn vẹn 12%. Trong phân khúc từ 600 đến 800 USD, Apple chiếm 61%. Trong phân khúc 600 đến 800 USD, Apple chiếm 61%, cao gần 3 lần Samsung. Ở phân khúc 800 USD trở lên, Apple đè bẹp tất cả các đối thủ với 79% thị phần.
Apple vẫn đè bẹp các đối thủ trên phân khúc giá duy nhất mà Apple muốn tham gia: phân khúc cao cấp. Đừng để những gì Phố Wall đang nói đánh lừa bạn: cuộc chơi của họ là kỳ vọng, còn cuộc chơi của Apple là smartphone. Và Apple vẫn đang chiến thắng cuộc chơi đó.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"