Thông thường khi muốn xác định tốc độ đường truyền mạng mà mình đang sử dụng, người dùng sẽ dựa vào thông tin về băng thông mà nhà cung cấp mạng cung cấp. Điều này là đúng bởi băng thông quyết định phần lớn tới tốc độ đường truyền mạng của bạn và đó cũng là lý do vì sao mà băng thông càng cao thì tiền cước mà bạn phải trả cho nhà cung cấp mạng một tháng càng lớn. Tuy nhiên không có gì là tuyệt đối cả, băng thông chỉ là yếu tố quyết định phần lớn chứ không phải là tất cả. Bên cạnh băng thông có rất nhiều yếu tố cũng có khả năng ảnh hưởng tới tốc độ đường truyền mạng của bạn. Một số yếu tố có thể kể đến là tốc độ máy chủ mà người dùng muốn kết nối, router, kiểu kết nối mạng (3G, Wi-Fi hay kết nối có dây). Và một trong những hệ số ít được quan tâm đến nhất đó là máy chủ DNS (Domain Name System) của người dùng.
Các website thường có hai địa chỉ là địa chỉ IP với những con số khó nhớ và địa chỉ tên miền mà ta hay gõ vào thanh địa chỉ mỗi khi sử dụng một trình duyệt nào đó để lướt net. Về cơ bản, nhiệm vụ của máy chủ DNS sẽ là phân giải tên miền đó thành địa chỉ IP của website đó và ngược lại. Điều tương tự này cũng xảy ra khi bạn sử dụng các ứng dụng Internet, email hoặc chương trình khác để truy cập tài nguyên Internet.
Các máy chủ DNS sẽ đóng vai trò trung gian liên kết hệ thống của bạn với các tài nguyên trên mạng Internet. Thông thường thì các ISP (nhà cung cấp mạng) của bạn sẽ cung cấp máy chủ DNS và gán chúng thông qua hệ thống cấp phát IP động, DHCP (Dynamic Host Configuration Protocol). Tuy nhiên thì hệ thống DNS của các nhà cung cấp mạng này chỉ làm tròn vai chứ chưa hẳn đã làm tốt nhiệm vụ của mình bởi máy chủ mà họ cung cấp chưa hẳn đã là máy chủ DNS có tốc độ nhanh nhất. Chính vì lý do này mà việc tìm cho được các máy chủ DNS tốc độ xử lý nhanh là một vấn đề rất quan trọng nhưng lại chưa được người dùng lưu tâm nhiều. Và chắc hẳn là phần lớn độc giả đang đọc bài viết này thường để hệ thống của mình tự động tìm máy chủ DNS thông qua tùy chọn Obtain DNS server address automatically của kết nối mạng chứ ít khi cấu hình DNS một cách cụ thể. Vậy thì tại sao bạn lại không thử cấu hình DNS để tăng tốc độ đường truyền của mình?
Số lượng máy chủ DNS ở trên mạng rất nhiều trong đó có cả những máy chủ đang hoạt động và đã không còn hoạt động được nữa. Việc tìm một máy chủ DNS có tốc độ nhanh khá là tương đối bởi với bạn một máy chủ DNS tuy là nhanh với đường truyền này nhưng lại là chậm với đường truyền khác. Do vậy ta sẽ sử dụng tới hai phần mềm kiểm tra máy chủ DNS là DNS Benchmark và Namebench. Hai ứng dụng này khá giống nhau về mục đích sử dụng nên bạn có thể tùy ý lựa chọn một trong hai ứng dụng này.
1. DNS Benchmark
Sau khi khởi động ứng dụng, DNS Bench sẽ cho bạn biết địa chỉ IP mà hệ thống của bạn đang sử dụng ở thẻ Introduction. Bạn hãy chuyển sang thẻ Nameservers.
Khi chuyển sang thẻ Nameservers bạn hãy chờ một chút để ứng dụng tự động cập nhật các máy chủ DNS. Khi các máy chủ DNS đã được cập nhật và liệt kê trong cửa sổ ứng dụng, bạn hãy bấm vào nút Run Benchmark để DNS Bench tự động đánh giá và kiểm tra tốc độ và khả năng hoạt động của các máy chủ DNS.
Quá trình kiểm tra kết thúc, một cửa sổ sẽ hiện ra, bạn hãy bấm vào nút Buid Custom List.
Bây giờ DNS Benchmark sẽ tự động chuyển sang thẻ Tabular Data và kiểm tra xem máy chủ DNS nào là có tốc độ nhanh nhất đối với đường truyền của bạn. Quá trình này mất một khoảng thời gian khá lâu từ 30 đến 40 phút.
Khi kết thúc quá trình này, ứng dụng sẽ liệt kê lại các máy chủ DNS.
Cuối cùng bạn đã có một danh sách các máy chủ DNS liệt kê với tốc độ nhanh nhất theo thứ tự từ trên xuống dưới. Bạn hãy ghi lại hai địa chỉ DNS nhanh nhất. Lưu ý: bạn không cần phải ghi lai địa chỉ IP ở phần Local Network Nameserver vì đó là địa chỉ IP của router và không có nhiều ý nghĩa sau khi benchmark, bạn hãy ghi lại hai dãy địa chỉ IP ở phía dưới phần Local Network Nameserver. Ở trong trường hợp này đó là hai dãy địa chỉ IP là 8.8.4.4 và 8.8.8.8.
2. Namebench
So với DNS Bench thì Namebench có phần đơn giản và dễ sử dụng hơn. Khởi động ứng dụng, mục Your location sẽ tự động xác định vị trí của bạn, nếu thấy sai, bạn có thể sửa lại. Trong mục Querry Data Source, bạn hãy chọn trình duyệt mà mình hay sử dụng nhất. Chỉnh sửa xong mọi thứ bạn hãy bấm vào nút Start Benchmark để ứng dụng thực hiện nhiệm vụ của mình.
Quá trình kiểm tra này tuy cũng mất thời gian nhưng không lâu như trên DNS Benchmark.
Kết thúc quá trình, ứng dụng sẽ đánh giá sự cải thiện tốc độ mạng của bạn khi thay đổi máy chủ DNS. Bên cạnh đó Namebench cũng cho bạn biết máy chủ DNS có tốc độ nhanh nhất mà ứng dụng tìm được. Bạn hãy ghi lại hai địa chỉ IP ở hai mục Primary Server và Secondary Server.
Khi đã có trong tay địa chỉ máy chủ DNS, bạn hãy tiến hành thay đổi máy chủ DNS cho hệ thống của mình. Bắt đầu việc thay đổi máy chủ bằng cách bấm chuột phải vào biểu tượng Network ở desktop rồi chọn Properties.
Cửa sổ Network sẽ hiện ra và bạn hãy bấm vào tùy chọn Change adapter settings nằm ở phía bên trái của cửa sổ.
Các kết nối mạng của bạn sẽ được hiển thị, bạn hãy bấm chuột phải vào kết nối mạng của router và chọn Properties.
Bạn hãy chọn như trong hình rồi bấm Properties.
Ở thẻ General, bạn hãy bấm dấu chọn vào Use the following DNS server addresses rồi nhập vào hai địa chỉ IP mà bạn đã tìm được bằng hai phần mềm trên rồi chọn OK.
Vậy là bạn đã thực hiện xong việc cấu hình máy chủ DNS giúp tăng tốc độ đường truyền của mình lên. Bây giờ thì bạn hãy dùng thử và cảm nhận xem tốc độ đường truyền của mình xem có được cải thiện không nhé.
Lưu ý: Đối với các đường truyền có sử dụng nhiều máy tính để áp dụng các thay đổi cho tất cả các máy trong mạng bạn cần phải cấu hình DNS ở trong router. Để làm việc này bạn hãy mở trình duyệt lên rồi gõ địa chỉ IP của router vào thanh địa chỉ. Địa chỉ này có thể là 192.168.1.1, 192.168.0.1 hoặc cũng có thể là 10.0.0.2 như trong hình. Để biết địa chỉ này bạn hãy xem tài liệu đi kèm với router của mình. Bạn cũng cần phải tìm tên và mật mã của tài khoản admin của router thì mới có thể đăng nhập được vào router, tất cả các thông tin trên bạn có thể tìm được ở tài liệu đi kèm với router còn nếu bạn đã làm mất tài liệu này thì hãy nhờ đến Google.
Mỗi loại router sẽ có các cách bố trí giao diện khác nhau vì thế bạn sẽ phải tự mình mày mò ở trang giao diện này để tìm tới phần cấu hình DNS (Router đang sử dụng trong bài viết là Prolink HS 9000), bạn hãy tìm tới phần DNS Configuration.
Trang giao diện cấu hình của router Prolink HS 9000.
Mục DNS Configuration.
Tiếp theo bạn hãy nhập địa chỉ IP của máy DNS vào như hình vẽ. Cách thức nhập địa chỉ DNS này với mỗi router sẽ là khác nhau vì thế bạn hãy tham khảo tài liệu đi kèm với router để không bị bỡ ngỡ. Sau khi đã nhập thông số bạn hãy bấm vào Apply và Reset để tiến hành khởi động lại router và cập nhật các thay đổi.
Khi đã cấu hình DNS cho router, tất cả các máy tính kết nối với router sẽ sử dụng chung một máy chủ DNS nên bạn sẽ không cần phải chỉnh lại thông số DNS ở mỗi máy nữa.
Bạn có thể tải DNS Benchmark tại
đây.
Bạn có thể tải Namebench tại
đây.
Chúc các bạn thành công.