Thứ vũ khí mạnh gấp hàng nghìn lần bom nguyên tử Triều Tiên vừa thử nghiệm đáng sợ như thế nào?

    Nova,  

    Những quả bom nguyên tử đầu tiên chỉ có sức công phá vài chục kiloton, trong khi vụ nổ bom khinh khí đầu tiên của thiết bị Ivy Mike do Mỹ chế tạo vào năm 1952 có sức nổ lên tới 10 megaton.

    Thế giới đang xôn xao khi Triều Tiên tuyên bố họ đã thử nghiệm thành công một quả bom khinh khí tại khu vực phía Bắc quốc gia này. Vụ thử nghiệm này đã gây ra một cơn địa chấn lên tới 5,1 độ Richter. Dư luận thế giới đang rất sốt sắng về tuyên bố này của Bình Nhưỡng. Vậy bom khinh khí là gì và sức mạnh của nó khủng khiếp như thế nào mà có thể gây ra một cơn địa chấn vậy? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

    Bom khinh khí còn gọi là bom hydro, bom H hay bom nhiệt hạch. Đây là một loại vũ khí sử dụng năng lượng hạt nhân để tạo ra sức công phá khủng khiếp, nhưng khác với "người anh em" bom nguyên tử của mình thì bom khinh khí dựa trên phản ứng tổng hợp hạch hạt nhân thay vì phản ứng phân hạch hạt nhân.

    Loại vũ khí này đã được Mỹ bắt đầu nghiên cứu vào những năm 50 của thế kỷ trước, sức mạnh của nó được đánh giá là gấp hàng nghìn lần bom nguyên tử. Ví dụ như những quả bom nguyên tử đầu tiên là Little boy và Fat Man có sức công phá đo được là 15 và 21 kiloton - đã được sử dụng trong hai sự kiện Hiroshima và Nagazaki năm 1945, trong khi vụ nổ bom khinh khí đầu tiên của thiết bị Ivy Mike do Mỹ chế tạo vào năm 1952 có sức nổ lên tới 10 megaton.

    *Lưu ý: 1 megaton = 1000 kiloton

     Bán kính hủy diệt của bom nguyên tử và bom khinh khí..

    Bán kính hủy diệt của bom nguyên tử và bom khinh khí..

    Phản ứng tổng hợp hạt nhân hay phản ứng hợp hạch, trong vật lý học, là quá trình 2 hạt nhân hợp lại với nhau để tạo nên một nhân mới nặng hơn. Cùng với quá trình này là sự phóng thích năng lượng hay hấp thụ năng lượng tùy vào khối lượng của hạt nhân tham gia. Sự kết hợp hạt nhân của các nguyên tử nhẹ hơn sắt và nickel thì phóng thích năng lượng trong khi với các nhân nặng hơn thì hấp thụ năng lượng.

    Cụ thể, sự kết hợp của các nguyên tử nhẹ, để tạo ra các nhân nặng hơn và giải phóng 1 neutron tự do, sẽ phóng thích nhiều năng lượng hơn năng lượng nạp vào lúc đầu khi hợp nhất hạt nhân. Chính vì lý do này mà phản ứng hợp hạch còn được gọi là phản ứng nhiệt hạch.

    Đối với bom khinh khí thì nhiên liệu thường dùng là đồng vị deuterium, tritium của hydro. Các đồng vị này có thể trích lấy dễ dàng từ thành phần nước biển. Để làm cho các hạt nhân hợp lại với nhau, cần tốn một nguồn năng lượng rất lớn để thực hiện các quá trình nguyên tử hóa phân tử, ion hóa hoàn toàn nguyên tử, đồng thời tách loại electron để biến nhiên liệu phản ứng hoàn toàn trở thành hạt nhân không có electron ở thể plasma.

    Sau đó cần phải cung cấp động năng cực kỳ lớn cho các hạt nhân vượt qua tương tác đẩy Coulomb giữa chúng mà va vào nhau. Nhiệt độ cần thiết có thể lên đến hàng triệu độ C. Điều kiện này chỉ có thể đạt được nhờ cho nổ một quả bom nguyên tử. Như vậy, một quả bom nhiệt hạch là một quả bom kép, trước tiên phải cho nổ bom nguyên tử để tạo điều kiện cho phản ứng nhiệt hạch xảy ra.

    Những quả bom khinh khí từng được chế tạo đều mang trong mình 1 sức mạnh khủng khiếp, nổi tiếng nhất là quả bom khinh khí AN602 với tên hiệu Tsar Bomba của Liên Xô được kích nổ vào năm 1961. Với sức nổ 50 megaton (tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT), đây chính là vũ khí hạt nhân lớn nhất, mạnh nhất từng được cho nổ, và hiện vẫn là thiết bị nổ mạnh nhất con người từng cho nổ trong lịch sử nhân loại.

    Bom khinh khí lớn nhất lịch sử loài người.

    Trên thực tế, quả bom ban đầu được thiết kế để có đương lượng nổ khoảng 100 megaton tuy nhiên, đương lượng nổ đã được giảm đi một nửa để giới hạn khối lượng bị phóng xạ sẽ phát tán. Chỉ một quả bom loại này được chế tạo và thử nghiệm ngày 30/10/1961, tại quần đảo Novaya Zemlya. Năng lượng mà Tsar Bomba phát ra ước tính lên tới 1,4% tổng công suất phát xạ của Mặt Trời.

    Quả cầu lửa được tạo ra bởi Tsar Bomba có thể nhìn thấy và cảm nhận được từ khoảng cách 1000km, tính từ điểm kích nổ. Thậm chí, sức nóng của vụ nổ có thể gây bỏng độ ba trong vòng bán kính 100km từ điểm kích nổ. Đám mây hình nấm được hình thành sau đó cao tới 64km - tương đương với 7 đỉnh núi Everest xếp chồng lên nhau - và rộng 40 km. Vụ nổ có thể được quan sát và cảm nhận thấy ở Phần Lan, làm vỡ kính cửa sổ tại Phần Lan và Thuỵ Điển. Sóng xung kích do vụ nổ gây ra có thể di chuyển 3 vòng Trái Đất mà không hề suy yếu. Theo tính toán, vụ nổ này còn gây ra một cơn địa chấn 7,1 độ Richter.

    Mô phỏng vụ nổ của Tsar Bomba.

    Rõ ràng với lịch sử của loại vũ khí khủng khiếp này, thế giới có lý đo để lo lắng về vụ thử nghiệm của Triều Tiên.

    Tổng hợp

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ